Ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 11-2018

25/12/2018 - 07:11

Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 11-2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 13 Nghị định của Chính phủ và 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.  Nghị định gồm 13 điều, quy định về: Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; nội dung người sử dụng lao động phải công khai; nội dung người lao động được tham gia ý kiến; nội dung người lao động được quyết định; nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát; đối thoại tại nơi làm việc; hội nghị người lao động; các hình thức thực hiện dân chủ khác.

Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Các Nghị định trên được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 7-11-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Nghị định gồm 7 điều, quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, cụ thể: Mức điều chỉnh; thời điểm điều chỉnh; kinh phí thực hiện.

Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22-11-2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai. Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 4-7-2014 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai.

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CPngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, cụ thể: Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức; ưu tiên trong tuyển dụng công chức; hội đồng tuyển dụng công chức; nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức; xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức; nội dung và hình thức xét tuyển công chức; xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức; thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển công chức; tổ chức tuyển dụng công chức; thông báo kết quả tuyển dụng công chức; trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức; chế độ tập sự đối với công chức; điều kiện, tiêu chuẩn xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên;...

Ngày 9-11-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Quyết định gồm 6 chương, 35 điều, quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước, cụ thể, quy định chung về: Nguyên tắc tổ chức cuộc họp; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước trong thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp và thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tổ chức họp; Các trường hợp không tổ chức cuộc họp; quy trình tổ chức cuộc họp; cuộc họp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; cuộc họp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Nguồn: Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN