5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024

19/09/2019 - 19:31

Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 do Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày đã nêu lên 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày Báo cáo tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày Báo cáo tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, chương trình đầu tiên là tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình này là Mặt trận tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.

Mặt trận tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tạo điều kiện để mọi người dân bày tỏ chính kiến, đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước và xây dựng đất nước trên tinh thần dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Theo dõi, giám sát và đôn đốc việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị, đáp ứng yêu cầu cấp thiết, chính đáng của nhân dân.

Vận động, tập hợp, đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số. Kịp thời phát hiện, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số; tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giúp nhau thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Vận động, tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật và phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc. Thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo.

Vận động, tập hợp, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng cộng đồng vững mạnh, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chấp hành pháp luật nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình thứ hai là vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình này là vận động nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế quốc gia, cải thiện nâng cao chất lượng toàn diện đời sống nhân dân.

Vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; phát huy truyền thống tương thân tương ái, thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa; tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội; triển khai các hoạt động cứu trợ, nhân đạo từ thiện, vận động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, hoạn nạn.

Vận động nhân dân tăng cường tự quản, đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; gương mẫu chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội.

Chương trình thứ ba là thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình này là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp. Tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện và sáng kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vào dịp Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đề xuất xây dựng các quy định pháp luật và cơ chế để thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhân dân tích cực tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phối hợp tổ chức và vận động cử tri, nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phối hợp hoàn thiện các quy định pháp luật, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Chương trình thứ tư là tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân. 

Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình này là đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với Nnân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước. Xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, yêu chuộng hòa bình, thân thiện và cởi mở. Vận động, tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác với tổ chức Mặt trận, các đoàn thể nhân dân của các nước đối tác truyền thống; tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng và cộng đồng ASEAN; từng bước mở rộng hợp tác với các tổ chức tương đồng trong khu vực và thế giới; tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam để góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai, triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội.

Chương trình thứ năm là tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình này là tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để hoàn thiện cơ chế về sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của cơ quan Nhà nước bảo đảm cho các hoạt động của Mặt trận; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các tổ chức thành viên cùng cấp và các tổ chức không là thành viên của Mặt trận.

Kiện toàn Ủy ban Mặt trận các cấp với thành phần, cơ cấu hợp lý, coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực; mở rộng thành phần là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp mình để Mặt trận thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ của Mặt trận chuyên nghiệp, tâm huyết và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của công tác vận động quần chúng. Bố trí cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu phù hợp.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trên cơ sở đổi mới toàn diện các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, từ việc xây dựng và ban hành chủ trương, tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường cơ chế phối hợp trong và ngoài hệ thống.

Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh bày tỏ: Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX diễn ra trong thời điểm lịch sử quan trọng của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, MTTQ Việt Nam có sứ mệnh phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội kêu gọi toàn thể  đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đoàn kết, chung sức, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN