Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh góp ý Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự thảo Luật Trồng trọt

24/05/2018 - 11:17

BDK.VN - Ngày 23-5-2018, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã đóng góp: Dự thảo Luật cần thể chế theo tinh thần thông báo Kết luận số 21 của Bộ Chính trị, trong đó có 2 nội dung rất quan trọng là chính sách ưu đãi kinh tế - xã hội phải được quy định trong luật và đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực quốc tế; cơ cấu mô hình tổ chức chính quyền hành chính đặc khu phải do luật quy định. Khoản 2 Điều 60 quy định, HĐND đa số là hoạt động chuyên trách, cần làm rõ đa số là bao nhiêu, phải ghi vào Luật  tỷ lệ, số lượng cụ thể, chứ không thể nói đa số được.

Vấn đề xem xét đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thuộc cấp nào, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong Hiến pháp quy định đây là khu hành chính - kinh tế đặc biệt thì không quy định ở cấp nào là cấp đặc biệt, chúng ta nên chỉ nói là được áp dụng quy chế của cấp huyện hay cấp tỉnh, chứ không thể coi đó là cấp huyện hay cấp tỉnh.

Về vấn đề cho thuê đất 99 năm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tán thành ý kiến được ghi trong Báo cáo số 266, ngày 10-5-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho rằng, chúng ta phải nhận thức việc thuê đất 99 năm không giống như trường hợp của Hồng Kông và Ma Cao đối với toàn bộ lãnh thổ, mà chỉ xem xét vào một số các dự án cụ thể và cần phải được xem xét hết sức cẩn thận, lựa chọn những nhà đầu tư thông minh, có tiềm năng, không cần phải lo lắng chuyện không kiểm soát được dẫn đến mất đất. 

* Tham gia góp ý dự thảo Luật Trồng trọt vào chiều ngày 23-5-2018, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành luật. Đại biểu Thủy cho rằng, nước ta là một nước nông nghiệp, việc ban hành Luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động trồng trọt đảm bảo cho nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững là hết sức cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự thảo Luật Trồng trọt. Ảnh: Văn Tân

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự thảo Luật Trồng trọt. Ảnh: Văn Tân

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Thủy đề nghị, nên rà soát lại các định nghĩa cho phù hợp, thuyết phục dễ hiểu, dễ phân biệt. Điều 4 về nguyên tắc hoạt động trồng trọt, đại biểu Thủy cho rằng, việc sắp xếp các nguyên tắc chưa thật sự khoa học. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung thêm các nguyên tắc như: nguyên tắc đảm bảo về an ninh lương thực; an toàn, bền vững của ngành trồng trọt, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường và sức khỏe những người xung quanh, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Về chiến lược phát triển ngành trồng trọt, đại biểu Thủy đề nghị Luật nên quy định xây dựng chiến lược dài hơn. Nên xây dựng chiến lược 20 năm, định hướng từ 30 năm trở lên. Bởi lẽ, trên thực tế, một số cây dài ngày như: dừa phát triển đến 50 năm. 10 năm cây trồng chỉ mới bắt đầu cho trái, mới phát triển và chưa ổn định. Nếu chỉ định hướng chiến lược trồng cây đến 10 năm thì khi hết thời hạn trong chiến lược này một số loại cây trồng chưa phát triển và phát huy hiệu quả, lại chuyển đổi định hướng trồng cây khác thì chưa phù hợp. Do đó, cần có sự định hướng dài hạn, để đảm bảo tính ổn định, tránh tình trạng dân cứ chặt bỏ rồi trồng các loại cây khác.

Về chính sách của nhà nước về trồng trọt, đại biểu Thủy đề nghị, cần phân định rõ cái nào là ưu tiên để có chính sách ưu đãi đặc biệt, cái nào là khuyến khích để có sự hỗ trợ kịp thời theo từng điều kiện cần thiết. Ví dụ: đầu tư nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì cần ưu đãi về thuế và tiền thuê đất; hay chuyển giao công nghệ thì ưu tiên về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia đầu ngành, ưu tiên về mặt bằng, đào tạo lao động. Từng chính sách phải phù hợp với từng loại đối tượng ưu tiên. Trong thời điểm hiện nay, cần sắp xếp ưu tiên theo từng lĩnh vực như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh an toàn… Ưu tiên phát triển trồng trọt theo vùng. Từng vùng có chính sách phù hợp với vùng đó. Ví dụ: ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số thì không thể đưa phát triển công nghệ cao, hoặc sản xuất nông trại vì không phù hợp, mà khuyến khích sản xuất truyền thống, xây dựng thương hiệu, lưu giữ, bảo tồn các giống bản địa.

Bên cạnh đó, đại biểu còn đề nghị nên có chính sách ưu tiên theo loại cây trồng. Ví dụ: khi quy hoạch đất trồng lúa, thì dù cây lúa không có giá trị kinh tế cao bằng các loại cây trồng khác, nhưng người dân không được chuyển đổi sang loại cây trồng khác vì vấn đề an ninh lương thực… Đối với loại đối tượng này thì cần phải có chính sách hỗ trợ ưu tiên phù hợp.

Dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán cây giống phải đảm bảo điều kiện: phải có người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Đại biểu Thủy cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Hiện nay, nhiều trường hợp nông dân có nhiều kinh nghiệm, sản xuất nhiều loại cây giống chất lượng cao, nhưng không có bằng cấp về trình độ chuyên môn. Do đó, đề nghị xem xét, quy định cho phù hợp. Đại biểu cho rằng, Luật quy định điều kiện của người sản xuất cây giống, người kinh doanh cây giống, nhưng không quy định điều kiện của người vừa sản xuất, vừa kinh doanh cây trồng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN