Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre góp ý dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

14/06/2018 - 19:13

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre góp ý dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: VP Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre góp ý dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: VP Quốc hội

Ngày 13-6-2018, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận:

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cơ bản tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Trước mắt, chỉ mở rộng và áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội.

Đại biểu Thủy cho rằng, không mở rộng điều chỉnh đối với quỹ đầu tư là chưa đảm bảo bình đẳng trước pháp luật. Bên cạnh đó, đại biểu Thủy đề nghị cân nhắc, làm rõ thêm về khái niệm khu vực ngoài nhà nước, vì khái niệm này rất rộng.

Đại biểu Thủy thống nhất cao về mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức và những đối tượng khác được quy định tại Điều 37 và quy định về phương thức và thời điểm kê khai ở Điều 39 với lý do: Quy định này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”. Việc mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu cũng nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu với tài sản, thu nhập tăng thêm khi được đề bạt, bổ nhiệm, hoặc được bố trí vào những vị trí nhạy cảm.

Theo đại biểu Thủy, sau khi kết luận tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án quyết định việc xử lý tài sản theo từng hình thức xử phạt và mức độ xử phạt tương ứng từng nguồn gốc tài sản. Đồng thời, cần ban hành pháp lệnh riêng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án đối với loại tài sản này.

Đại biểu Thủy  phân tích thêm: Mối quan hệ giữa nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính, cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Việc kê khai không trung thực hoặc có kê khai nhưng không giải trình được một cách hợp lý tài sản thu nhập tăng thêm, đã vi phạm nghĩa vụ mà Luật này quy định tại Khoản 2 Điều 36.

Vì vậy, đối với tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc thì nhà nước sẽ xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch.

Tuy nhiên, hành vi đó rất đa dạng, trong những tình huống khác nhau thì mức độ lỗi sẽ khác nhau. Nên việc ấn định một mức xử phạt cho mọi mức độ vi phạm là trái với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính. Nên quy định tùy trường hợp cụ thể mà có hình thức xử phạt và mức xử phạt khác nhau.

Liên quan đến trách nhiệm xã hội trong phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Dương Tuấn cho rằng, tuy dự thảo Luật đã có sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhưng nhìn chung về việc sửa đổi, bổ sung Điều 91 của dự thảo luật so với Điều 85 của Luật hiện hành thì chưa có sự đột phá rõ ràng về xác định trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng.

Luật vẫn quy định trách nhiệm chung của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Việc quy định chung chung như vậy dẫn đến vai trò, trách nhiệm cụ thể của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng chưa được tách bạch rõ ràng. Trong khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những quyền hạn rất đặc thù trong thực hiện quyền lực xã hội. Đó là quyền chủ động trong giám sát, phản biện xã hội, đối thoại, kiến nghị việc thực hiện chính sách pháp luật, những quyền đó cần được cụ thể hóa trong luật này để phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về xử lý người có hành vi tham nhũng, đại biểu Tuấn đề nghị nên xem xét bổ sung quy định trường hợp người trong đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng có hành vi tham nhũng trong quá trình thực thi nhiệm vụ thì phải bị tăng nặng trách nhiệm kỷ luật hơn các đối tượng khác.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN