Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

06/06/2018 - 20:59

Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 6-6-2018, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ về: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đặng Thuần Phong đã phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Đại biểu Phong cho rằng, Bộ trưởng có nói, GDMN của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao nhưng qua theo dõi cả quá trình, thì những hạn chế của GDMN hiện nay đang nóng và gây nhiều bức xúc nhất.

Theo đại biểu Phong, quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng GDMN không ổn định. Mạng lưới chính sách GDMN chưa đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho GDMN thấp nhất trong ngành. Cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ chi cho GDMN nhà nước chỉ có 39%, gia đình là 61%, cho thấy khi các cháu vào học mầm non đóng góp cao nhất so với các lĩnh vực giáo dục khác.

“Chúng ta chưa có những đề án gì để giải quyết cho GDMN. Những bất cập bức xúc hiện nay của xã hội đối với mầm non lại rất lớn.  Bộ trưởng nên xem xét và có những giải pháp cho vấn đề này” -  đại biểu Phong đề nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ý kiến phát biểu của đại biểu Phong rất đúng. Mặc dù bậc mầm non rất được quan tâm nhưng thời gian qua cũng còn rất nhiều vấn đề. Một điều cần chia sẻ là từ chính sách dân lập và tư thục, sau đó chúng ta chuyển sang công lập. Do đó, sự chuyển rất mạnh dẫn đến chuẩn bị chưa kịp giáo viên, cơ sở vật chất cũng chưa kịp. Nhiều cơ sở mầm non cũng chưa được chu đáo, nhất là chính sách huy động trẻ đến trường, phổ cập mầm non 5 tuổi. Khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển mạnh, chúng ta chưa kịp giám sát đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất và giáo viên dẫn đến việc bạo hành trẻ, chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ độc lập tư thục.

Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận thấy, đây là một vấn đề cần phải giải quyết. Bộ đã khảo sát, tham mưu với Chính phủ. Vừa rồi, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06. Trước đó, Bộ cũng đã tham mưu, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, chống bạo lực cho trẻ.

Cho đến nay, hệ thống pháp lý về cơ bản là có, nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện. Bộ trưởng rất mong các bộ có liên quan và các địa phương cùng với Bộ GD&ĐT tăng cường giám sát; rất mong các tổ chức chính trị - xã hội như: phụ nữ, mặt trận ở các địa phương, đặc biệt là phường, xã, nơi thường có các nhóm trẻ độc lập, tăng cường giám sát để cùng với ngành giáo dục phòng ngừa. Còn khi đã xảy ra rồi thì đấy là xử lý bất đắc dĩ. 

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích