Đề nghị giao thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho UBND cấp tỉnh

20/11/2019 - 19:21

BDK.VN - Sáng 20-11-2019, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện Dự thảo luật, đại biểu đề nghị làm rõ thêm một số nội dung sau:

Về giải thích từ ngữ "vốn đầu tư" tại khoản 20 Điều 3, Dự thảo luật đã bổ sung so với Luật 2014. Vốn đầu tư bao gồm tiền và các tài sản khác, trong đó tài sản khác bao gồm các tài sản vô hình như nguồn gốc, tên gọi xuất xứ, tên thương mại mà giá trị thực của nó phải được định giá bởi các cơ quan định giá độc lập, uy tín. Giá trị của tài sản vô hình loại này thường phải đi kèm với công nghệ và sản phẩm tương ứng. Đề nghị nên giữ định nghĩa như Luật Đầu tư 2014, đồng thời, không nên chấp nhận đưa vốn đầu tư là tài sản vô hình, khó xác định giá trị vào đăng ký đầu tư dự án.

Việc cấm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều đại biểu đồng tình và cũng có đại biểu không đồng tình. Tuy nhiên, khi tiếp cận các tư liệu chính thống từ Ban soạn thảo cung cấp, đại biểu tạm thời đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc không đưa vào danh mục cấm ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Về ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đại biểu Thủy cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ hơn những lĩnh vực ưu tiên phát triển thật sự tác động đến kinh tế - xã hội, hạn chế những ngành, nghề thâm dụng lao động, khuyến khích và thu hút công nghệ cao, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0. Đề nghị cần cân nhắc lại, vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên, vì doanh nghiệp có thể lợi dụng bằng cách tuyển dụng đủ số lao động, nhưng sau khi làm thủ tục hưởng ưu đãi xong lại sa thải lao động hoặc không tiếp tục duy trì các chế độ cho người lao động như ban đầu, nhằm đẩy người lao động tự bỏ việc. Theo đại biểu, đối với lĩnh vực này nên giảm số lượng từ 300, nhưng cần ràng buộc về việc duy trì tỷ lệ nhất định lao động nữ.

Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục ưu đãi đối với ngành, nghề thu gom, xử lý chất thải, nhưng cần xem lại có tiếp tục ưu đãi đối với việc tái chế hoặc tái sử dụng chất thải hay không, nếu việc tái chế, sử dụng lại tiếp tục gây ra ô nhiễm môi trường. Đối với ngành, nghề ưu đãi mới bổ sung cần cụ thể hơn để dễ áp dụng.

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 32) đối với các dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 50 hecta trở lên hoặc có quy mô dưới 50 hecta nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị, theo đại biểu là không cần thiết mà nên giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh để phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nếu giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ dẫn đến tình trạng quá tải, không cần thiết, chậm tiến độ, mất cơ hội kêu gọi đầu tư và đi ngược lại với tinh thần cải cách thủ tục hành chính và tinh thần sửa đổi Luật Đầu tư đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích