Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tổ

21/05/2019 - 07:07

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu thảo luận tại tổ.

Ngày 20-5-2019, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Đoàn đại biểu QH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 14 gồm các Đoàn đại biểu QH: Vĩnh Phúc, Yên Bái, Kon Tum và Bến Tre.

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải ban hành luật, phạm vi điều chỉnh của luật và quy trình thông qua luật tại một kỳ họp để đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được QH phê chuẩn theo Nghị quyết số 72/2018/QH14.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cân nhắc quy định "Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm". Bởi vì, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm rất rộng, bao gồm cả dịch vụ tư vấn bảo hiểm, dịch vụ hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm,... các dịch vụ này không chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mà có thể do các tổ chức, cá nhân khác thực hiện, bao gồm cả những tổ chức luật sư, luật gia những người không tham hoạt động kinh doanh bảo hiểm thực hiện.

Về điều kiện chuyên môn đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm dự thảo Luật quy định: "Có bằng đại học hoặc bằng trên đại học về chuyên ngành bảo hiểm hoặc chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp". Đại biểu Nhưỡng cho rằng quy định này chưa rõ ràng, nếu như quy định này thì người có bằng cao đẳng, trung học chuyên ngành bảo hiểm thì có đủ tiêu chuẩn hay không? Trong khi quy định người có chứng chỉ hành nghề tư vấn bảo hiểm thì cũng đủ điều kiện. Liên quan đến nội dung này, đại biểu Đặng Thuần Phong khẳng định quy định như dự thảo luật thì chắc chắn người có bằng trung học và cao đẳng về chuyên ngành bảo hiểm không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Trong khi đó, luật lại quy định người có chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm lại được thực hiện dịch vụ tư vấn bảo hiểm. Điều này hoàn toàn bất hợp lý và sẽ tạo ra một hệ lụy tiếp theo đó là sẽ mọc lên một cách tràn lan các trung tâm, cơ sở đào tạo để đào tạo chứng chỉ này.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ: Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, thời gian qua thường xuyên xảy ra tình trạng lọt, lộ thông tin, bị đánh cắp sở hữu trí tuệ khi thực hiện các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nên các tổ chức, cá nhân thường ngán ngại khi thực hiện các thủ tục đăng ký này. Do đó, cần xem xét quy định chặt chẽ hơn và có giải pháp cụ thể để bảo vệ thông tin, bí mật, quyền sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Thuần Phong cũng đề nghị làm rõ cơ sở nào để quy định Tòa án ấn định mức thiệt hại nhưng không được quá 500 triệu đồng.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN