Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh quốc tế

27/04/2018 - 18:03

BDK.VN - Sáng 27-4-2018, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành xây dựng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự và có bài phát biểu định hướng phát triển của ngành xây dựng Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành xây dựng qua các thời kỳ cùng gần 1000 đại biểu đại diện cho toàn ngành xây dựng.

Truyền thống vẻ vang 60 năm dựng xây đất nước

Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã đọc diễn văn ôn lại những trang sử vẻ vang của ngành.

Cách đây 60 năm, ngày 29-4-1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ VIII và ngày 29-4-1958 đã trở thành ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam. Đây là một dấu mốc lịch sử, kể từ đây, ngành xây dựng đã chính thức được hình thành với tư cách là một ngành kinh tế quốc dân độc lập, với 14 nhiệm vụ và quyền hạn.

Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xây dựng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Lực lượng lao động của ngành đã trực tiếp thi công hàng trăm công trình lớn, nhỏ ban đầu, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam như các nhà máy thuỷ điện: Lào Cai, Thác Bà, các khu công nghiệp Việt Trì, gang thép Thái Nguyên, các trường đại học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi, nhà ở.

Đặc biệt là những công trình trọng điểm có ý nghĩa quốc gia như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủy điện Sông Đà, Sơn La, Lai Châu, Yaly; xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn; lọc dầu Dung Quất; đường Hồ Chí Minh; hầm đèo Hải Vân và rất nhiều công trình công nghiệp và dân dụng khác được hoàn thành với sự tham gia của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức hàng trăm nghìn người có trình độ kỹ thuật đủ năng lực xây dựng được nhiều công trình hiện đại có yêu cầu kỹ thuật cao, quy mô hiện đại ở tầm khu vực và thế giới.

Trong các cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc, người lao động trong ngành xây dựng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa là thợ cũng là người lính, không chỉ xây dựng các công trình dân sinh, mà còn đảm nhiệm cả các công trình an ninh, quốc phòng; đồng thời, chia sẻ nhân lực cho chiến trường. Gần 2 vạn cán bộ, công nhân, người lao động trong ngành đã nhập ngũ lên đường chiến đấu ở các chiến trường miền Nam. Thời kỳ vừa sản xuất vừa chiến đấu này đã in đậm trong tâm khảm nhiều thế hệ người thợ xây dựng Việt Nam và hàng triệu người Việt Nam về những hy sinh, mất mát, về những thành tựu, niềm tự hào và sự trưởng thành nhanh chóng của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động ngành xây dựng.

Trong thời kỳ hoà bình xây dựng, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong công cuộc đổi mới, ngành xây dựng là một trong những lực lượng chủ lực xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng của nền kinh tế-xã hội, trực tiếp thi công, xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng trên khắp các vùng, miền, trong đó có nhiều công trình có tính động lực, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển.

Trong suốt 60 năm hình thành và phát triển, ngành xây dựng đã chuyển từ một cơ quan chủ yếu làm nhiệm vụ thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sang một cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng, với nội dung, phương thức quản lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; đổi mới và hoàn thiện thể chế pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật về quy hoạch đô thị, nông thôn, nhà đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, phát triển đô thị, nông thôn; đầu tư xây dựng nhà ở, quản lý thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng... phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngành cũng đã tập trung xây dựng và nâng cao trình độ, năng lực của bộ máy quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng xây dựng, chú trọng tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện củng cố, hoàn thiện các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong ngành; thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, từ trực tiếp làm sang phương thức xây dựng các chính sách, cơ chế tạo điều kiện, hướng dẫn kiểm tra, huy động mọi nguồn lực để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện nhằm xoá bỏ cơ chế bao cấp kế hoạch hoá tập trung, tạo điều kiện cho các thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng và kinh doanh bất động sản tăng trưởng, cạnh tranh lành mạnh.

Ngành xây dựng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 1998), hai Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1994 và năm 2008), hai Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2007 và năm 2015), Công đoàn Xây dựng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trong đội ngũ của ngành xây dựng đã có 34 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang và 42 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Xây dựng.

Phải phát triển đạt trình độ tiên tiến

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, quá trình hình thành và phát triển của ngành xây dựng Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử cách mạng Việt Nam nói riêng.

“Ngành Xây dựng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, kể cả trong khói lửa chiến tranh cũng như trong hoà bình xây dựng, hội nhập quốc tế, khẳng định được vị trí của một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chung của cả nước cũng như những định hướng phát triển và chỉ tiêu cụ thể của các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Riêng đối với ngành xây dựng, phải "Phát triển đạt trình độ tiên tiến. Tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao".

Hơn 2 năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những năm sắp tới, các ngành, các cấp vẫn cần tiếp tục rà soát, bổ sung các giải pháp cụ thể, khả thi hơn nữa và tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương khoá XII.

Riêng đối với ngành xây dựng, cần tập trung chỉ đạo nâng cao nhận thức về trách nhiệm của ngành đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong tình hình mới, xây dựng tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển ngành để đảm nhận trọng trách xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trước những yêu cầu và thách thức mới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cùng với đó, phải tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng. Đổi mới tư duy trong công tác tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về xây dựng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đủ sức điều chỉnh được các hoạt động xây dựng trong thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần hoàn thiện luật pháp và cơ chế, chính sách để xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc dân tộc rõ rệt, phù hợp với từng vùng, miền. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng, khuyến khích áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng, nhất là trong quản lý và sử dụng đất đai.

Phát triển mạnh năng lực ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, nhất là đối với các công trình trọng điểm quốc gia quy mô lớn, kỹ thuật cao trong các lĩnh vực; có khả năng cạnh tranh trên thị trường xây dựng khu vực và thế giới; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển xây dựng với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ.

Gắn kết tiến trình đô thị hoá với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có bản sắc; đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đón trước các xu hướng mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp kết nối thông tin tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn và quản lý hiệu quả hơn.

“Trước mắt, cần có giải pháp khả thi khắc phục tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và ô nhiễm môi trường ở một số đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư lưu ý.

Ngành xây dựng cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, ổn định, minh bạch, có cơ cấu hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là đất đai, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

“Phải coi việc phát triển nhà ở cho người dân là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, trong đó cần hoàn thành sớm và dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng nhà ở cho người nghèo ở đô thị và nông thôn, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp”, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý ngành xây dựng.

“Cuối cùng và cũng là điều then chốt nhất là phải tập trung thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phục vụ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trước khi kết thúc bài phát biểu. Theo đó, cần mở rộng và bảo đảm hiệu quả thực chất của các phong trào thi đua yêu nước trong ngành, thực hiện thực chất quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo, tạo mọi điều kiện để công chức, viên chức, người lao động nâng cao trình độ, nâng cao đời sống, tạo không khí đồng thuận, phấn khởi để lao động và cống hiến.

“Ngành xây dựng luôn có vai trò to lớn và là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong mọi giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia-dân tộc. Sáu mươi năm qua, những công trình được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước ta đều có bàn tay tài hoa của những người thợ xây dựng Việt Nam. Với nhiệt huyết tràn đầy, với trí tuệ, công sức và nỗ lực lao động không mệt mỏi, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động ngành xây dựng Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang của mình, in đậm dấu ấn trong tất cả các công trình xây dựng có tính biểu tượng qua các thời kỳ phát triển của đất nước”, Tổng Bí thư nói.

Nguồn Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích