Thảo luận Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

20/11/2019 - 19:21

BDK.VN - Chiều 19-11-2019, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia góp ý một số nội dung sau:

Về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án:

Ông Trần Dương Tuấn - đại biểu QH tỉnh cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm phải trả chi phí thuê phiên dịch của người tham gia hòa giải, đối thoại được quy định tại Khoản 6, Điều 3 Dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị không quy định theo hướng liệt kê "Người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói hoặc khuyết tật nhìn" mà sử dụng cụm từ "người khuyết tật" tại đoạn 2 Khoản 6 để quy định của Luật được chặt chẽ; tăng thời hạn hòa giải, đối thoại tại Điều 16 là 30, đối với vụ việc phức tạp thì 45 ngày để hòa giải viên có thời gian nghiên cứu hồ sơ giúp cho công tác hòa giải có chất lượng hơn; quy định rõ khi thực hiện hòa giải ngoài tòa án thì phải đáp ứng được những điều kiện gì để việc áp dụng được thống nhất.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH, đại biểu QH tỉnh cho rằng, Dự thảo luật lần này còn nhiều nội dung cần phải quy định rõ như: hòa giải ở đây có phải là giai đoạn tiền tố tụng hay không? Trong Luật có đề cập đến đối thoại viên, tuy nhiên không quy định đối thoại viên là ai? Địa vị pháp lý của hòa giải viên, đối thoại viên như thế nào? Việc xử lý vi phạm đối với hòa giải viên, đối thoại viên; nếu một hoặc các bên không thi hành theo đúng với quyết định công nhận kết quả hòa giải thành thì có bị cưỡng chế hay không? Nếu không bị cưỡng chế thì công tác hòa giải có ý nghĩa nữa hay không? Công tác hỗ trợ hòa giải, đối thoại đối với những người yếu thế… tất cả các vấn đề trên cần được cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp:

Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, các quy định của Dự thảo luật sửa đổi lần này chưa thật sự tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác giám định tư pháp trong thời gian vừa qua như: sự đùn đẩy về trách nhiệm giữa pháp y tử thi của Y tế và pháp y tử thi của Công an, thiếu sự phối hợp, chưa có sự kết nối và tôn trọng kết quả lẫn nhau giữa các cơ quan; công tác quản lý nhà nước về giám định chưa chặt chẽ; công tác đào tạo, tập huấn về giám định; công tác xã hội hóa về giám định... Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại các vấn đề trên và sửa đổi luật một cách toàn diện hơn.

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại tổ.

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại tổ.   

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh cho rằng cơ quan soạn thảo cần xem xét, quy định rõ cơ sở để xác định cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện, không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định, nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của các kết luận giám định. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 29 quy định về giám định bổ sung, giám định lại của Luật Giám định tư pháp năm 2012 theo hướng: cần quy định rõ thêm căn cứ để yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại; thời hạn yêu cầu giám định lại, vì một số loại dấu vết, mẫu vật sẽ biến đổi theo thời gian, nếu để lâu sẽ khó giám định lại như dấu vết sinh học, giám định thương tích…

Tin, ảnh: Thùy Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN