Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội

28/10/2015 - 07:18

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. (Ảnh: ĐD)

Chiều 27-10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình việc việc sửa đổi, nhưng vẫn băn khoăn khi dựa thảo Nghị quyết còn một số điều, khoản chưa sát thực tiễn.

Đồng tình với đa số các điều, khoản của dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết), nhưng đại biểu Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) vẫn băn khoăn về quy định: Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, Quốc hội nước ta có nhiều đại biểu kiêm nhiệm, nên việc quy định đại biểu phải tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp, thì cần phải tính toán, cân nhắc kỹ. Ở các nước, rất ít đại biểu ngồi ở nghị trường, chủ yếu là ngồi dự ở các Ủy ban của Quốc hội, nhưng khi biểu quyết thì có mặt đầy đủ.

Dù đồng tình với dự thảo Nghị quyết, nhưng đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, có một số điều luật chưa khả thi. Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm, quy định: “Tổng thư ký Quốc hội quyết định thông tin, tài liệu kỳ họp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng” là chưa phù hợp, bởi báo chí hoạt động, đăng tải theo Luật Báo chí, trừ những phiên Quốc hội họp kín.

Về phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho rằng, các phiên họp toàn thể hiện nay vẫn nặng về hội nghị, chưa nặng về tranh luận để tìm ra chân lý. Cần tăng cường các phiên thảo luận ở các Ủy ban của Quốc hội để các đại biểu có thời gian tranh luận.

Dự thảo Nghị quyết quy định 3 hình thức biểu quyết (biểu quyết điện tử, bỏ phiếu kín, giơ tay), nhưng đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị thiết kế theo 2 hình thức (biểu quyết công khai và biểu quyết kín). “Riêng việc biểu quyết công khai bằng điện tử, đề nghị công khai luôn danh tính của đại biểu đã đồng ý hay không đồng ý. Còn hiện nay, cách làm của chúng ta về mặt kỹ thuật người quản trị hệ thống biết, nhưng các đại biểu Quốc hội và cử tri không biết ai đã đồng ý và không đồng ý” - đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị.

Liên quan đến việc lấy phiếu xin ý kiến, dự thảo Nghị quyết quy quy định: “Khi cần thiết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về các nội dung của kỳ họp Quốc hội bằng hình thức phiếu xin ý kiến”. Đồng tình với việc lấy ý kiến các đại biểu, nhưng đại biểu Nguyễn Thành Tâm, đại biểu Hoàng Đức Thắm (Đoàn Quảng Trị) đề nghị phải quy định cụ thể trường hợp nào là cần thiết, đồng thời việc lấy phiếu ý kiến phải được tiến hành ngay tại phiên họp, giống như bỏ phiếu kín.

Về vấn đề chất vấn, dự thảo Nghị quyết quy định: “Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chất vấn trong thời gian không quá 2 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu trong thời gian không quá 5 phút. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn”. Theo đại biểu Phạm Đức Châu (Đoàn Quảng Trị), quy định người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu trong thời gian không quá 5 phút là chưa phù hợp, bởi nếu đại biểu chất vấn ba vấn đề thì người bị chất vấn sẽ không đủ thời gian để trả lời hết vấn đề được. "Dự thảo Nghị quyết nên sửa theo hướng, người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu trong thời gian không quá 10 phút hoặc 15 phút” - đại biểu Phạm Đức Châu đề nghị.

Cũng liên quan đến dự thảo Nghị quyết, trước khi các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra tán thành sự cần thiết, các quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết và cho rằng dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, hồ sơ đầy đủ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, chỉnh lý một số điều, khoản để dự thảo Nghị quyết được chặt chẽ hơn.

Cũng trong chiều 27-10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Dự thảo Luật gồm 7 chương với 50 điều, quy định về ví trí, chức năng, nhiệm vụ; quyền, nghĩa vụ; chế độ phục vụ, chế độ chính sách đối quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN