Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế-xã hội

13/02/2017 - 07:30

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh: Quang Hiếu)

Chiều 12-2, tại Bắc Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế-xã hội địa phương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 20 năm qua, sau ngày tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã có bước tiến mạnh mẽ, bứt phá ngoạn mục, toàn diện trên cơ sở đã phát huy truyền thống vùng đất văn hiến, cách mạng.

Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng trước các kết quả kinh tế-xã hội của Bắc Ninh về thu nhập bình quân đầu người, thu hút FDI, xây dựng nông thôn mới, chất lượng giáo dục đào tạo, thiết chế văn hóa, an sinh xã hội, chỉ số năng lực cạnh tranh… Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, nông nghiệp chỉ còn chiếm 5% trong GRDP.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh “Bắc Ninh không được chủ quan, không được tự mãn với những gì đang có. Phải không ngừng đổi mới, phải tìm ra những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nữa nền tảng hiện có”. “Phải làm cho được một công xưởng sản xuất các sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao của thế giới”. Bắc Ninh không những áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử mà cả trong nông nghiệp, dịch vụ, kể cả trong quản trị Nhà nước, quản lý xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế-xã hội.

Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Bắc Ninh khi mà tỉnh vẫn còn đối diện không ít khó khăn, thách thức. Theo Thủ tướng, đó là lĩnh vực dịch vụ phát triển còn chậm. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu, chủ yếu dừng lại ở mức gia công. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, sử dụng phương tiện cá nhân còn nhiều. Đời sống văn hóa của công nhân, nhà ở xã hội cho người lao động còn nhiều vấn đề phải lưu tâm.

Thủ tướng nêu rõ, thách thức trực tiếp với Bắc Ninh là phát triển bền vững, nhất là yêu cầu bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, làng nghề; chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu công nghiệp hóa; sự gắn kết giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI; chất lượng quá trình đô thị hóa ở địa phương.

Cho rằng tỉnh phải có tầm nhìn trong phát triển rõ nét hơn, Thủ tướng cho rằng: Bắc Ninh không những là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước mà còn phải phấn đấu trở thành biểu tượng của sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao nói riêng và nền kinh tế sáng tạo nói chung ở ASEAN và châu Á.

Trong những thập kỷ tới, Bắc Ninh cần tiếp tục là một trong những địa phương giàu có nhất cả nước, rồi hướng tới là một trong những thành phố sáng tạo nhất châu Á, là hình mẫu cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong khi vẫn giữ được, bảo tồn và phát huy được các giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc.

Về nhiệm vụ thời gian tới của Bắc Ninh, Thủ tướng cho rằng tỉnh phải vươn lên tầm cao mới của một địa phương phát triển nhất cả nước; phải chú trọng công tác quy hoạch với vị trí thuộc vùng Thủ đô, một đô thị cạnh Hà Nội. Phải tìm mô hình trong phát triển, ngay cả trong nông nghiệp, đừng để “bình thường hóa trong mô hình phát triển”. Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử ở châu Á và thế giới.

Nhấn mạnh chủ trương xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng lưu ý việc thực hiện chủ trương này ở cơ sở như thế nào, “chúng ta phục vụ người dân tốt chưa, người dân đã yên tâm chưa, để người dân không bức bối chuyện này, chuyện khác chưa”. Cùng với sự phát triển, phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đồng ý để Bắc Ninh xây dựng đề án trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. “Đi liền với đó, các đồng chí xây dựng đề án tiếp theo là thành phố thông minh với nội hàm cụ thể, người dân thế nào, doanh nghiệp thế nào, y tế thế nào, giáo dục thế nào...”, Thủ tướng nói.

Nhân dịp này, Thủ tướng trao Quyết định công nhận thị xã Từ Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016 và công nhận huyện Tiên Du đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.

Trước đó, trong chuyến công tác tại Bắc Ninh, sáng 12-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn Dabaco, một tổ hợp công nghiệp nông nghiệp và thăm Tổ hợp Samsung Khu công nghiệp Yên Phong; thăm tổ hợp Samsung. Thủ tướng đánh giá cao Samsung hình thành Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao phần mềm tại Việt Nam. Khẳng định Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho Samsung hoạt động và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Samsung duy trì cam kết đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, tiếp tục nâng tỷ lệ nội địa hóa và thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung; sớm đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 50 tỉ USD trong năm nay./.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN