Thủ tướng tiếp Quốc vụ khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế, Bộ Kinh tế-Giáo dục-Nghiên cứu Thụy Sỹ

12/10/2016 - 06:33

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Marie Fleisch, Quốc vụ khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế, Bộ Kinh tế-Giáo dục-Nghiên cứu Thụy Sỹ

Chiều 11-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Marie Fleisch, Quốc vụ khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế, Bộ Kinh tế-Giáo dục-Nghiên cứu Thụy Sỹ.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng bà Marie Gabbrielle Ineichen Fleisch trở lại thăm Việt Nam nhân dịp Việt Nam và Thụy Sỹ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Thụy Sỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh hai nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có sự kiện “Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, từ lâu, Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Trong điều kiện thế giới khó khăn hiện nay, nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn tăng lên thời gian qua là kết quả đáng mừng. Trong đó, riêng kim ngạch thương mại hai chiều 7 tháng của năm 2016 đạt 731 triệu USD. Thụy Sỹ đứng thứ 5 trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Nêu rõ Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp Thụy Sỹ mở rộng đầu tư và đầu tư mới vào Việt Nam, nhất là về các lĩnh vực Thụy Sỹ có thế mạnh, như dịch vụ, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, du lịch…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đánh giá cao Thụy Sỹ và Khối mậu dịch tự do châu Âu đã công nhận quy chế thị trường ở Việt Nam từ năm 2012.

Thủ tướng mong muốn Thụy Sỹ và các bên đẩy mạnh đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Khối mậu dịch tự do Châu Âu (gồm Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland và Lichtenstein), hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau và sự chênh lệch trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước thành viên theo đúng nguyên tắc và định hướng mà các bên đạt được trước khi đàm phán.

Trong lĩnh vực hợp tác ODA, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Thụy Sỹ ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam giai đoạn 2013 – 2016 với 136 triệu USD. Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và mong muốn Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.  

Về phần mình, bà Marie Gabbrielle Ineichen Fleisch cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp, đồng thời cho biết, trong đoàn đến Việt Nam lần này có đại diện các doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm thị trường đầu tư hấp dẫn là Việt Nam. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch Thụy Sĩ.

Bà Marie Gabbrielle Ineichen Fleisch khẳng định, Việt Nam và Indonesia là hai nước mà Thụy Sĩ đặt trọng tâm quan hệ ở châu Á. Một mục tiêu quan trọng của chuyến thăm Việt Nam lần này của bà là thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu. Thụy Sĩ có thế mạnh về giáo dục chất lượng cao, do đó sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này./.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích