Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tập trung 5 mũi giáp công

09/05/2020 - 20:36

BDK.VN - Ngày 9-5-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19. Điểm cầu trực tuyến tại tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng các Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho hơn 4.000 doanh nghiệp trong tỉnh đến dự.

Quang cảnh điểm cầu trực tuyến tỉnh dự hội nghị.

Quang cảnh điểm cầu trực tuyến tỉnh dự hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo khá toàn diện bức tranh mà dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội toàn cầu.

Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như: Chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng… Theo quy mô, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất. Dự kiến doanh thu quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm trước của hai nhóm doanh nghiệp này chỉ đạt 59,9% và 61,4%.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động. Gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động.

Phát biểu tại hội nghị, để khắc phục khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Phải tập trung 5 mũi giáp công trong đó có: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, gồm đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng nội địa”.

Các doanh nghiệp kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng nhau giải quyết việc làm cho người lao động. Các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc các tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp với tinh thần đổi mới, kiến tạo, dám nghĩ dám làm, thúc đẩy phát triển. Trong giáo dục phải ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn.

“Tôi có lời đề nghị dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đó là lòng tự tôn, tinh thần nhường cơm sẻ áo; tinh thần đoàn kết; năng lực, quyết đoán; sáng tạo; cần có niềm tin. Sau thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới của mình. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nhưng nếu không biết tận dụng, nắm bắt thì sẽ bị đánh mất bởi doanh nghiệp ngoài nước đến” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN