Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc tại tỉnh

20/02/2020 - 15:06

BDK.VN - Sáng 20-2-2020, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 tại tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập tiếp và làm việc cùng đoàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đứng chính giữa khảo sát tại hồ chứa nước Kênh Lấp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (đứng giữa) khảo sát tại hồ chứa nước Kênh Lấp.

Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay từ tháng 12-2019, mặn trên các sông chính trong tỉnh xâm nhập nhanh và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng, độ mặn đo được tại các trạm ở mức rất cao.

Theo đó, độ mặn 4 ‰ xâm nhập cách cửa sông từ 45 - 60km, độ mặn l ‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52 - 76km. Từ tháng 1 đến nay, mặn diễn biến gay gắt, khốc liệt, xâm nhập nhanh và sâu hơn vào trong các sông chính. Hiện tại, trên sông Hàm Luông và sông Cửa Đại không còn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân 2019 - 2020 (vụ 3) sinh trưởng và phát triển chậm do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, có khả năng cao là mất trắng.

Hiện nay, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh (sử dụng hệ thống cấp nước tập trung) đều bị ảnh hưởng của hạn mặn, nguồn nước sinh hoạt hiện nay đa phần tại các nhà máy nước là trên 2‰, như tại TP. Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại...

Có khoảng 57.000 hộ dân (205.000 người) sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên, cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh (do hết nguồn nước dự trữ). Nếu mặn tiếp tục kéo dài và không có nước ngọt để cung cấp có thể dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt lớn sẽ phải ngừng sản xuất, các ngành khác như dịch vụ, du lịch cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị trung ương xem xét tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bố trí vốn Trung ương khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt, quy mô 1,5 triệu m3 tại 3 huyện ven biển nhằm đảm bảo khả năng trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng ven biển.

Bố trí tiếp cho tỉnh 850 tỷ đồng để triển khai đầu tư tiếp các hạng mục còn lại Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, nhất là việc gia cố hệ thống đê ven sông và đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (giai đoạn 2).

Hỗ trợ, bố trí cho 70 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương phòng chống hạn mặn để tỉnh thực hiện đắp khẩn cấp một số đập tạm, trong đó có hai đập tạm trên khu vực sông Ba Lai và nạo vét hệ thống thủy lợi dẫn nguồn nước ngọt tưới cho các vườn cây ăn trái huyện Châu Thành và phục vụ cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt của tỉnh hoạt động.

Quan tâm hỗ trợ, bố trí vốn để đầu tư 23 hệ thống xử lý nước mặn RO tại các nhà máy nước nông thôn và hỗ trợ kêu gọi, vận động các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án cấp nước quy mô hộ gia đình cho 13.000 hộ dân chưa tiếp cận nước hợp vệ sinh và hỗ trợ đầu tư nâng cấp 7 nhà máy nước nông thôn ở 5 huyện của tỉnh, để đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch cung cấp cho người dân và phục vụ xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ cho 500 hộ dân, mỗi hộ được hỗ trợ 1 túi mềm chứa nước dung tích 3m3/túi.

Qua các kiến nghị của tỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là sẽ quan tâm đầu tư thực hiện tốt các công trình đã ghi vốn cho Bến Tre. Đồng thời Bộ sẽ kêu gọi các tổ chức quốc tế quan tâm công tác cứu trợ cho tỉnh. Trước mắt, Bộ sẽ trao tặng Bến Tre 500 thiết bị trữ nước do Quỹ UNICEF tài trợ.

“Từ 29-2 đến 6-3-2020 khả năng vùng này sẽ có một đợt nước ngọt. Do đó, cần tranh thủ cơ hội này để lấy nước ngọt vào cống, đập. Khi có nước ngọt phải bơm ngay, với lượng nước tối đa. Khuyến cáo người dân biết để tập trung lấy nước vào trữ trong mương vườn, đập tạm. Đây là cơ hội quý giá để Bến Tre có nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt đến hết mùa hạn mặn năm nay” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng lưu ý thêm, Bến Tre cần tiếp tục phát huy các giải pháp công trình, trong đó tăng cường giải pháp đắp đập tạm. Dự báo thời gian tới, năm nào cũng sẽ có mặn xâm nhập. Tuy nhiên, mức độ mặn xâm nhập cao và sâu như năm nay thì ít nhất là 10 năm trở lại 1 lần và nhanh là 5 năm 1 lần. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao tặng 500 thiết bị trữ nước ngọt cho Bến Tre.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao tặng 500 thiết bị trữ nước ngọt cho Bến Tre.

Dịp này, Thứ trưởng cũng đã trao tặng 500 thiết bị trữ nước ngọt cho nhân dân tỉnh Bến Tre.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN