TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại II

26/04/2019 - 07:24

BDK - Lãnh đạo xây dựng và phát triển đô thị luôn được xem là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đảng bộ TP. Bến Tre. Đặc biệt, vào đầu năm 2002, Tỉnh ủy (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 07 về “Đẩy mạnh phát triển đô thị thị xã Bến Tre giai đoạn 2002 - 2005 và định hướng đến năm 2010”, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thị xã Bến Tre từ đô thị loại IV lên đô thị loại III. Năm 2006, Tỉnh ủy (khóa VIII) ban hành Nghị quyết số 05 về “Đẩy mạnh phát triển đô thị tỉnh Bến Tre đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, chỉ đạo phải “Chuẩn bị đủ điều kiện để thị xã Bến Tre được công nhận là thành phố thuộc tỉnh vào năm 2010”.

Mở rộng không gian đô thị TP. Bến Tre về hướng Nam. Ảnh: Hữu Hiệp

Mở rộng không gian đô thị TP. Bến Tre về hướng Nam. Ảnh: Hữu Hiệp

Những nghị quyết trên là tư tưởng chủ đạo, quan trọng cho đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị. Ngày 13-2-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 174 về việc công nhận TP. Bến Tre là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bến Tre. Đó là niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh nói chung, TP. Bến Tre nói riêng. Xung quanh sự kiện trọng đại này, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đức - Bí thư Thành ủy Bến Tre.

* Xin ông cho biết quyết tâm chính trị của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong xây dựng đô thị loại II?

- Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đức: Về nhận thức, đảng bộ và toàn hệ thống chính trị thành phố luôn nhất quán và vận dụng quan điểm phát triển đô thị phải theo quy hoạch gắn với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh để đảm bảo phát triển hợp lý, bền vững. Phát triển đô thị bằng sức mạnh tổng hợp, huy động, khai thác tối đa các nguồn lực. Trong đó, xem nội lực của thành phố là chủ yếu, ngoại lực là quan trọng. Xây dựng đô thị phải gắn với ổn định chính trị, xã hội, xem phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu quả quản lý của chính quyền cùng với phát huy dân chủ trong thực hiện. Đây là những vấn đề mấu chốt, là cơ sở cho quá trình lãnh đạo đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển đô thị.

Công tác tuyên truyền, học tập Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ xây dựng và phát triển đô thị vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của bản thân và gia đình mình. Từ đó, cùng nêu cao quyết tâm, chung sức, chung lòng, tích cực tham gia, đóng góp vật chất, tinh thần vì mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Việc Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 05 đã tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đã dẫn dắt, định hướng cho Đảng bộ, hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư thành phố trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đô thị. Thành phố được sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ nhiều của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp thực hiện, chi viện các nguồn lực từ các sở, ban, ngành tỉnh và kể cả các nguồn lực ngoài tỉnh.

Có thể khẳng định rằng, các nghị quyết trên đã tiếp thêm nguồn lực to lớn về tinh thần lẫn vật chất để Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân TP. Bến Tre tăng tốc thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị.

* Đâu là những thành tựu nổi bật của thành phố trong xây dựng và phát triển đô thị thời gian qua?

 - Tính từ thời điểm ban hành Nghị quyết số 07 cho đến nay, phải nhìn nhận rằng, đô thị đã có bước phát triển khá nhanh, toàn diện với nhiều thành tựu nổi bật. Trong các thành tựu ấy, không chỉ riêng tôi mà cả hệ thống chính trị và nhân dân tâm đắt nhất ở 3 sự kiện lớn như sau:

Một góc TP. Bến Tre. Ảnh: CTV

Một góc TP. Bến Tre. Ảnh: CTV

Ngày 9-8-2007, Bộ Xây dựng ra Quyết định số 1081/QĐ-BXD công nhận thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre) là đô thị loại III. Ngày 11-8-2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP về việc thành lập TP. Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc thị xã Bến Tre.

Đến thời điểm hiện nay, TP. Bến Tre đã đạt 5/5 tiêu chí đô thị loại II (đạt 55/59 tiêu chuẩn).

* Để đạt được kết quả trên, thành phố đã thực hiện những giải pháp gì thưa ông?

- Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo được sự nhất quán trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với các chủ trương, nghị quyết của tỉnh, thành phố về phát triển đô thị, nhất là Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 05 của Tinh ủy cùng các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện của Thành ủy, UBND thành phố thực hiện các nghị quyết trên. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu trong quá trình thực hiện.

Chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là mũi kinh tế chủ lực thương mại - dịch vụ để tạo nguồn lực vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp. Thực hiện tốt quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chủ yếu là chỉnh trang đô thị theo hướng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, đô thị loại II, gắn với xây dựng thành phố văn minh, xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị.

Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt để lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển đô thị.

* Bài học kinh nghiệm rút ra là gì thưa ông?

- Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, Đảng bộ thành phố rút ra được các bài học như sau:

Phải chú trọng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và nhân dân nhằm phát huy tốt nội lực; tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, sự đầu tư của Trung ương, tỉnh, nhất là trong xây dựng các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội.

Trong lãnh đạo phát triển đô thị phải sâu sát, kiên quyết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá. Thực hiện nghiêm kỷ cương, trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Phải kiên trì tuyên truyền, vận động tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo các cấp tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, nắm chắc dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Nói tóm lại, để xây dựng và phát triển đô thị, phải xem các chỉ tiêu, tiêu chí là cơ sở, lấy việc huy động các nguồn lực đầu tư làm tiền đề, lấy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu, xem lợi ích của nhân dân là hiệu quả, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân là bí quyết của thành công.

* Bên cạnh niềm vui thành phố đạt chuẩn đô thị loại II, còn điều gì trăn trở?

- Vấn đề còn băn khoăn, trăn trở hiện nay là thành phố chưa đủ nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và đô thị, lại phải cùng lúc thực hiện nhiều đề án trọng tâm như: hoàn thành 4 tiêu chuẩn đô thị loại II chưa đạt, xây dựng thành phố văn minh đô thị, xã nông thôn mới và nhiều công trình, dự án khác… Mặt khác, tuy kinh tế có mức tăng trưởng khá, nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ nhưng quy mô đầu tư đa phần nhỏ lẻ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, nông nghiệp đô thị chưa có nhiều mô hình hiệu quả dẫn đến hạn chế nguồn lực đầu tư. Môi trường văn hóa còn những biểu hiện tiêu cực, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến việc xây dựng và phát triển đô thị. 

* Xin cảm ơn ông!

 Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN