Trăm năm sông Thom (kỳ 1)

11/10/2019 - 07:02

BDK - Cách đây hơn một thế kỷ, người Pháp cho đào kênh Mỏ Cày - Thom nối liền từ sông Hàm Luông qua sông Cổ Chiên (thuộc địa phận 2 huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc ngày nay) nhằm mục đích khai thác thuộc địa. Từ đó đến nay, dòng kênh nhỏ này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển giao thông đường thủy. Đặc biệt, nơi đây hình thành chợ nổi dừa duy nhất ở miền Tây đang được địa phương đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch.

Trên bến, dưới thuyền tấp nập buôn bán ở sông Thom. Ảnh: H. Trung

Trên bến, dưới thuyền tấp nập buôn bán ở sông Thom. Ảnh: H. Trung

Dòng sông lịch sử

Bến Tre quê tôi lắm dừa, nhiều sông. Cả ba dải cù lao dừa được bao bọc bởi những con sông lớn đổ ra Biển Đông. Ngoài hệ thống sông tự nhiên dày đặc còn có nhiều con kênh được đào để phát triển nông nghiệp, giao thông thủy. Trong đó, kênh Thom (hiện nhiều người quen gọi là sông Thom) nhỏ, chiều dài chỉ 15km nhưng rất đặc biệt khi nối liền từ sông Hàm Luông qua sông Cổ Chiên tạo thành tuyến đường thủy tắt ngang cù lao Minh để sang tỉnh Trà Vinh. Với tầm quan trọng đặc biệt như vậy nên không phải ngẫu nhiên mà người Pháp cho đào tuyến kênh này nhằm khai thác thuộc địa.

Sách “Địa chí Bến Tre” do Thạch Phương và Đoàn Tứ chủ biên có ghi lại: Thời Pháp thuộc, vừa đáp ứng nhu cầu giao thông, vừa phục vụ việc dẫn nước tưới tiêu, rửa phèn, rất cần cho việc đẩy mạnh khai thác nông nghiệp; từ năm 1872, thực dân Pháp cho vét và đào một số kênh như kênh Tân Hương, Chẹt Sậy, Cái Bông - Mỹ Chánh, Phước Tuy, Phú Ngãi... Trong đó kênh Mỏ Cày - Thom được đào năm 1905 dài 15,1km. Từ đó, con đường vận chuyển hàng hóa từ Mỹ Tho, Trà Vinh xuyên qua thị xã Bến Tre, Mỏ Cày thời điểm bấy giờ rất thuận tiện. Tất cả những con kênh này về khách quan có tác dụng mở rộng lưu thông nội địa và phát triển nông nghiệp, nhưng động cơ chính của việc đào kênh là nhằm lợi ích trước tiên vơ vét thật nhiều lúa gạo và nông sản cho xuất khẩu của thực dân Pháp.

Theo nhiều người dân cố cựu tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, từ xưa nơi đây có nhiều địa danh như: cầu Thom, chợ Thom, sông Thom... Trong đó, từ Thom có nguồn gốc từ tiếng Khmer có nghĩa là lớn. Sau khi đào kênh Thom, đồng ruộng được tháo chua, rửa phèn nên trở thành vùng đất trù phú. Mặt khác, giao thương cũng phát triển. Sự sung túc của vùng đất này khi xưa được miêu tả qua câu ca dao: “Anh về Ba Vát chợ Thom/Ruộng nhà lúa tốt, cây vườn xanh tươi”. Hơn một thế kỷ qua, con kênh này được nhiều lần nạo vét, rồi sạt lở nên rộng hơn gấp đôi so với lúc sơ khai nên nhiều người quen gọi là sông Thom.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, dòng sông Thom là nơi ghi dấu bao chiến công của quân ta. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vân, 93 tuổi (nhà ngay bờ sông Thom) nhớ như in những trận đánh chiếm đồn An Thạnh, những cuộc càn quét của quân thù dọc bờ sông Thom. Mẹ Vân kể lại: “Trong kháng chiến, vùng đất An Thạnh là bàn đạp để quân ta đánh quận Mỏ Cày nên chiến tranh rất ác liệt. Trong đó, sông Thom ngắn nên tàu chiến, bo bo chạy từ 2 đầu vàm vào để tạo thành gọng kìm tấn công quân ta. Quân và dân hai bờ sông Thom dùng nhiều cây chông bằng thân dừa, tre, bạch đàn... vót nhọn cắm dưới sông để ngăn tàu chiến. Nếu tàu vào được, lính đổ bộ lên bờ thì sẽ gặp ngay “trận địa” là những tổ ong vò vẽ được nuôi trong vườn, trên cây cặp bờ sông để tấn công, ngăn cản quân địch. Trong đó, năm 1964, quân ta đánh chiếm đồn An Thạnh - Thom đã bắn rơi một chiếc máy bay của địch ngay cạnh dòng sông Thom. Phần cánh máy bay rơi vẫn còn nằm dưới đáy sông cho đến nay”.

Bên dòng sông Thom còn là điểm giao liên, đường vận chuyển vũ khí từ huyện Thạnh Phú để qua Chợ Lách rồi sang các tỉnh miền Tây trong kháng chiến chống Mỹ. Rất nhiều căn nhà dọc bờ sông được bố trí hầm trú ẩn để lực lượng của quân và dân ta túc trực đưa bộ đội vượt sông đánh đồn, vận chuyển vũ khí. Tuy kháng chiến ác liệt nhưng khu vực chợ Thom vẫn buôn bán sầm uất do thuận tiện giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ. Mấy chục năm trước, hàng ngày có một chuyến đò dọc mang tên Bảy Triệu chạy từ tỉnh Trà Vinh ngang qua sông Thom để qua thị xã Bến Tre rồi sang Mỹ Tho, lên Sài Gòn. Đất nước thống nhất, khu vực dọc sông Thom tại xã An Thạnh tiếp tục phát triển với trạm trung chuyển gạo, vựa dừa nhờ vị trí giao thông đường thủy thuận lợi giúp ghe, tàu từ các tỉnh về đây buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Chuyển mình phát triển

Cách đây gần mười năm, có dịp ngang qua sông Thom, tôi hết sức ngỡ ngàng trước cảnh hai bên bờ sông Thom trên bến, dưới thuyền buôn bán tấp nập. Gần đây, khi trở lại, đứng trên cây cầu sắt nhìn về 2 bên cũng cơ man dừa là dừa. Những chiếc ghe từ khắp nơi cập bến đưa dừa khô lên bờ lột vỏ, cạy cơm để cung ứng cho các nhà máy chế biến cơm dừa, tách chỉ xơ dừa. Dọc hai bờ sông là san sát những cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, lột dừa, gọt cơm dừa với hàng trăm lao động tất bật làm việc từ hừng đông sáng đến chiều tối. Một số cơ sở hoạt động 24/24 để mua dừa từ bến sông theo con nước lớn và sản xuất chỉ xơ dừa nhằm kịp giao hàng. Từng có thời kỳ nơi đây bị ô nhiễm nặng khi các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa đổ mụn dừa xuống sông. Sau đó, bài toán ô nhiễm đã được giải quyết khi mụn dừa được tận dụng bán cho các cơ sở sản xuất cây giống ở miệt Chợ Lách và sản xuất phân hữu cơ. Nhờ đó, những thứ bỏ đi từ vỏ dừa bây giờ được tận dụng hết giúp cho làng nghề ngày càng phát triển.

Chợ nổi dừa trên sông Thom (Mỏ Cày Nam). Ảnh: H.Trung

Chợ nổi dừa trên sông Thom (Mỏ Cày Nam). Ảnh: H.Trung

Tại hai làng nghề ven sông Thom (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động tại chỗ và các địa phương lân cận. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi (ngụ xã Khánh Thạnh Tân) có thâm niên 22 năm lột dừa thuê ở dọc bờ sông Thom. Hàng ngày, chị dậy từ sáng sớm để làm việc với dụng cụ hành nghề là cây nầm (bằng sắt mũi nhọn) để lột dừa. Trung bình mỗi ngày chị lột hơn 1.000 trái dừa, kiếm trên dưới 200 ngàn đồng để nuôi sống gia đình và lo cho đứa con ăn học. Chị Nhung tâm sự: “Nghề lột dừa vất vả, nặng nhọc vì phải dùng sức của đôi tay và phần vai mới tách phần vỏ dừa ra ngoài. Tuy vất vả nhưng có việc làm quanh năm để nuôi sống gia đình”. Suốt 22 năm làm việc, chị Nhung bị không ít nạn do cây nầm rất bén, chỉ cần sơ xuất là bị đâm vào tay.

Đi dọc con đường nhựa bên bờ sông Thom sẽ bắt gặp cảnh tất bật sản xuất của làng nghề chỉ xơ dừa nơi đây. Mới sáng sớm, cơ sở thu mua dừa của ông Phạm Văn Minh (ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh) đã tấp nập nhân công lột dừa; cạy, gọt cơm dừa. Phía bên kia sông Thom cũng có nhiều ghe, thuyền ghé lại bán dừa. Ông Minh cho biết: “Do địa thế thuận lợi phía trước lộ, phía sau sông nên từ lâu khu vực này đã hình thành chợ dừa rất đông người mua bán. Thương lái thu mua dừa không chỉ ở địa phương mà còn đến từ các tỉnh như: Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... vận chuyển bằng đường thủy đến đây bán cho các cơ sở dọc hai bên bờ sông. Trái dừa khô được đưa lên bờ bắt đầu công đoạn sản xuất cơm, chỉ xơ dừa. Hầu hết các cơ sở đều có xe tải để chuyển hàng bằng đường bộ đến các nhà máy sản xuất cơm dừa, thạch dừa. Một số khác đầu tư máy móc để sơ chế cơm dừa, ép dầu dừa chứ không bán thô đã tăng giá trị, lợi nhuận từ trái dừa”. Những cơ sở ngày càng phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động, chủ yếu làm hưởng lương theo sản phẩm. Do đó, rất nhiều lao động từ già đến trẻ đều có thể tham gia các công việc phù hợp với sức của mình như: lột dừa, gọt cơm dừa, phơi chỉ xơ dừa... Anh Nguyễn Văn Tứ, 27 tuổi (ngụ xã An Thạnh) làm thuê tại đây từ lúc 16 tuổi kể lại: “Trước đây, cha mẹ tôi làm thuê cho cơ sở ở bờ sông Thom, khi cha mẹ già nghỉ làm chỉ còn mình tôi làm. Nghề này cực nhưng được cái là làm ăn theo sản phẩm nên già, trẻ gì làm cũng được. Phụ nữ thì chọn việc gọt cơm dừa, phơi chỉ xơ dừa nhẹ nhàng hơn, còn thanh niên, đàn ông thì lột dừa, vận chuyển dừa... Nhờ có nghề này mà nhiều người có việc làm, khỏi phải đi xứ khác làm công nhân”.

(Còn tiếp)

Hoàng Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN