Ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt và chăn nuôi

21/11/2014 - 07:38

3 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã quản lý và triển khai 115 đề tài, dự án khoa học. Trong đó, có 6 cấp Nhà nước, 70 cấp tỉnh, 11 cấp cơ sở, 1 hợp tác quốc tế và 27 của các ngành.

Lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung xây dựng và triển khai 7 chương trình trọng điểm, trong đó có Chương trình phát triển và sản xuất rau an toàn; Chương trình phát triển bưởi da xanh. Ngoài ra, các cấp ngành cũng đã tập trung triển khai các chương trình có liên quan đến KHCN, góp phần đáng kể vào kết quả thực hiện mục tiêu qui hoạch.

Ngành nông nghiệp đã thực hiện 36 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh. Trong đó, có 11 đề tài, dự án KHCN cấp cơ sở. Đã tạo ra 34 mô hình, 47 qui trình và 2 giải pháp. Đối với cây mía, đã ứng dụng và phát triển một số giống mía mới có năng suất, chất lượng cao (120 tấn/ha), góp phần ổn định 430ha vùng mía nguyên liệu cho Công ty Mía đường Bến Tre. Đã tuyển chọn được 4 giống lúa có khả năng chống chịu mặn tốt, ổn định về đặc tính nông học, năng suất, có khả năng chịu mặn đến 4%o, năng suất khoảng 4 - 5 tấn/ha. Số giống này trồng tại các huyện ven biển và đề xuất được qui trình canh tác lúa cho vùng nhiễm mặn. Kết quả đề tài là bước phát triển mới cho các vùng đất nhiễm mặn, có khả năng ứng dụng tốt. Đã tiếp nhận và chuyển giao qui trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh M.a ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng trừ rầy nâu hại lúa tại Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại.

Về cây trái, đã xây dựng mô hình và quy trình canh tác sầu riêng cho 72 hộ tham gia với diện tích 27ha, có tỷ lệ trái thấp, năng suất tăng từ 2 - 3 tấn/ha, năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha. Đã chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm chôm chôm Chợ Lách của Công ty TNHH Chánh Thu và 36 hộ dân với diện tích 22ha; chứng nhận GlobalGAP sản phẩm bưởi da xanh TP. Bến Tre cho 33 hộ tham gia với diện tích 18ha và cơ sở Hương Miền Tây. Khảo nghiệm ngưỡng chịu mặn các dòng ca cao có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có mức độ nhiễm mặn đến 4%o. Đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng ca cao UTZ cho 150 hộ với diện tích 90ha, tại  xã An Khánh, Quới Sơn, Phú Đức, huyện Châu Thành. Bên cạnh dự án phát triển 5 ngàn héc-ta dừa của tỉnh, Sở đã phối hợp với các đơn vị chuyển giao triển khai Dự án du nhập, phát triển 500ha dừa dứa và nhân rộng trên 200ha tại Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Ba Tri. Triển khai xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN khôi phục và đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn dừa tại Bình Đại. Kết quả trồng lại, trồng mới 56ha, đạt tỷ lệ sinh trưởng và phát triển trên 95%. Thâm canh 30ha đạt năng suất bình quân tăng từ 8,8 - 12,7% và thu nhập tăng từ 4,9 - 7,8 triệu đồng/ha/năm. Bình tuyển được 250 cây dừa mẹ, xây dựng 5 vườn ươm cộng đồng, cung cấp 8.160 trái dừa giống, khoảng 30ha. Kết hợp trồng xen, nuôi xen mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa với diện tích 4ha, năng suất đạt 384 - 545kg/ha. Lợi nhuận thu được từ 10 - 20,3 triệu đồng.

Trong chăn nuôi, đã thử nghiệm lai và đánh giá con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Angus và bò lai Sind trên đàn bò cái địa phương. Triển khai thực hiện tốt việc quản lý, nâng cao chất lượng đàn heo đực giống. Nuôi dưỡng và theo dõi khả năng thích nghi giống gà Đông Tảo thuần và gà lai F1. Triển khai mô hình nuôi vịt an toàn sinh học tại Ba Tri, kết quả đạt tỷ lệ vịt thịt trên 93%, lãi trên 4 triệu đồng/mô hình/chu kỳ; mô hình nuôi vịt đẻ đạt tỷ lệ trứng 90%. Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thuần dưỡng nghêu cám thành nghêu giống trong ao đất ở Ba Tri đạt tỷ lệ sống 44%; hoàn thành công nghệ sản xuất và ương nghêu giống. Mô hình nuôi hàu công nghiệp từ con giống chất lượng cao so hàu tự nhiên. Mô hình nuôi vỗ đàn cá tra đực chọn lọc di truyền thành cá tra bố mẹ.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN