Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (bài 1)

31/07/2019 - 08:33

BDK - Phát triển doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước đặt ra trong Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, giai đoạn 2011 - 2020 và quyết tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, việc phát triển DN KH&CN ở nước ta nói chung, cũng như trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Sản phẩm giấy dừa của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. ảnh: Cẩm Trúc

Sản phẩm giấy dừa của Công ty dừa Cửu Long. Ảnh: Cẩm Trúc

Sự ra đời của DN KH&CN

DN KH&CN xuất hiện trên thế giới từ khoảng giữa thế kỷ XX, xuất phát từ mô hình DN khởi nguồn (Spin-off) và DN khởi nghiệp (Start-up) được hình thành ở các nước công nghiệp phát triển. Tại Việt Nam, thuật ngữ DN KH&CN được đề cập lần đầu tiên trong kết luận của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX: “Từng bước chuyển các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang cơ chế tự trang trải kinh phí, hoạt động theo cơ chế DN”.

Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về DN KH&CN và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, đưa ra tiêu chí quy định cụ thể về DN KH&CN. Theo đó, để được chứng nhận là DN KH&CN thì DN phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả nghiên cứu được sở hữu, sử dụng hợp pháp hoặc sở hữu hợp pháp công nghệ để trực tiếp sản xuất thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa; công nghệ vật liệu mới; công nghệ bảo vệ môi trường; công nghệ năng lượng mới; một số lĩnh vực khác theo quy định của Bộ KH&CN, bảo đảm tính đa dạng và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

- Chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ công nghệ.

Về chủ trương phát triển DN KH&CN: Theo Quyết định số 418/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra mục tiêu hình thành 5.000 DN KH&CN vào năm 2020 (Mục tiêu điều chỉnh: 3.000 DN KH&CN). Xác định DN KH&CN là lực lượng sản xuất mới, là lực lượng có khả năng đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bởi họ có thể làm chủ công nghệ, phát triển nhiều mặt hàng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN, tính đến tháng 6-2016, cả nước có 234 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN (đạt 7,8% so với mục tiêu đã điều chỉnh).

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền

Ở tỉnh, năm 2010, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08 về việc đẩy mạnh hoạt động KH&CN cấp cơ sở, trong đó đề ra nhóm giải pháp tập trung phát triển các tổ chức, DN KH&CN gồm:

- Hỗ trợ các tổ chức, DN có kế hoạch ươm tạo, đầu tư ứng dụng KH&CN vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng thương mại hóa để làm cơ sở xác lập hồ sơ thành lập tổ chức, DN KH&CN.

- Hàng năm, tìm kiếm, chọn lựa các tiến bộ KH&CN, các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phù hợp với điều kiện thực tế, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, để nhân rộng, áp dụng vào quản lý, sản xuất và kinh doanh của DN, tạo điều kiện từng bước hình thành các tổ chức, DN KH&CN.

- Hỗ trợ cho tổ chức, DN KH&CN sau khi hình thành được ưu tiên đăng ký thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, các dự án chuyển giao công nghệ.

Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục xác định: Phát huy vai trò đột phá của KH&CN ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển  bền vững, tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển; đồng thời xây dựng ngành KH&CN tỉnh nhà đủ sức thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất. Trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN. Đặc biệt là phải phát triển mạnh mẽ hệ thống các DN KH&CN để tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm KH&CN, thúc đẩy phát triển dịch vụ KH&CN, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30%.

(Còn tiếp)

 Huỳnh Cao Thọ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN