Ba Móng, Mười Út - nghệ nhân dân gian Việt Nam

17/05/2013 - 08:04

Hôm nay (ngày 17-5-2013), Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu) long trọng công bố danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam cho hai cố nghệ nhân nhạc sĩ Ba Móng và Mười Út, vừa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng.

Đờn ca tài tử bắt đầu từ nhã nhạc cung đình Huế và được lưu truyền từ miền Đông đến các tỉnh Tây Nam Bộ, trong hành trình khai phá vùng đất mới phương Nam.

Ở Bến Tre, kỳ cựu trong giới đờn ca tài tử chính là ông Ba Móng (Nguyễn Văn Biểu, sinh năm 1913, ở xã Hữu Định, Châu Thành) và ông Mười Út (Nguyễn Văn Giỏi, sinh năm 1915, xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc). Cho đến bây giờ, những lối đờn tranh như phối nhạc của ông Mười Út, hay hàng trăm lứa học trò được ông Ba Móng truyền dạy đang làm dày bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử trên đất Bến Tre.

Sinh ra trong gia đình trung nông nên từ nhỏ ông Ba Móng được cha rước thầy về dạy võ, dạy đờn tận nhà. Say mê và chăm chỉ, chỉ sau một thời gian, ông đã nắm vững kiến thức cơ bản hệ thống bài bản nhạc tài tử và nhạc lễ. Ông sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ như đờn kìm, cò, tranh, bầu và nhạc cụ nhạc lễ như trống, kèn. Cũng vì vậy mà ông được gọi là “thầy đờn”. Những năm 1950, ông trở thành thầy dạy đờn tài tử, nhạc lễ và đờn cho nhiều gánh hát ở Bến Tre khi ấy như: gánh Ngọc Quang, Kim Hoa, Thanh Nga - Hữu Tín và gánh Thanh Hương.

Con trai cố nghệ nhân nhạc sĩ Ba Móng - nhạc sĩ Minh Lời (trái) trong một cuộc giao lưu đờn ca tài tử.

Không được thầy dạy bài bản như ông Ba Móng, nhưng ông Mười Út sống trong gia đình nhạc lễ nên được truyền dạy và tham gia ban nhạc lễ gia đình, phục vụ tang tế khắp vùng. Khi phong trào đờn ca tài tử phát triển và nghệ thuật cải lương hình thành vào những năm 1930, nghệ nhân Mười Út tuổi đôi mươi đã nổi tiếng đờn hay, hát giỏi khắp vùng. Ông biết sử dụng đờn bầu, cò, kìm, gáo và đặc biệt điêu luyện với đờn tranh. Nghệ nhân Ba Móng được cậu ruột là ông Bầu Hiển - chủ gánh hát bội Thanh Hương, hướng dẫn nghệ thuật đánh trống và thổi kèn hát bội. Còn nghệ nhân Mười Út được anh họ là Bầu Đại truyền đạt kèn, trống trong hát bội.

Đồng điệu trong nghệ thuật, những nhạc sĩ có tiếng ở Sài Gòn thời ấy (những năm 70 của thế kỷ trước) như Năm Cò, Văn Vĩ, Tư Thiên, Bảy Hàm, Vĩnh Bảo, Năm Phồi… khi về Bến Tre đều có những cuộc giao lưu đờn ca tài tử với ông Mười Út và ông Ba Móng như sự khẳng định chỗ đứng của hai nghệ nhân này. Cùng với huy chương vàng độc tấu đàn tranh (Bộ Văn hóa và Thông tin trao tặng, tại Nhạc hội danh cầm, năm 1979), băng casset hòa tấu, độc tấu đờn tranh những bài trong 20 bài bản Tổ mà nghệ nhân Mười Út để lại là tài sản vô giá. Theo nhạc sĩ Minh Lời (hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Bến Tre), lối phối đờn tranh như nhạc phối của ông Mười Út thật sự tạo ấn tượng và sự cảm phục với giới đờn ca tài tử của tỉnh.

Trọn cuộc đời làm nghệ thuật, gần 200 học trò nhạc lễ và đờn ca tài tử là hành trang trĩu nặng của nghệ nhân nhạc sĩ Ba Móng. Đó là thời gian nghệ nhân Ba Móng đờn cho gánh Đại Nghĩa (1960), ông đã dùng 2 nắp vung làm nhạc cụ bạc và mâm thau làm đẩu để truyền nghề cho học trò mù 18 tuổi của mình. Người học trò đó chính là ông Hai Ân - nghệâ nhân nhạc lễ nổi danh, hành nghề gần 50 năm nay tại TP. Hồ Chí Minh. Và, niềm tự hào của nghệ nhân nhạc sĩ Ba Móng chính là những đứa con, đứa cháu tiếp tục nghiệp cha ông. Đó là 3 người con: Minh Nhường, Minh Đủ và Minh Lời. Nhạc sĩ Minh Nhường (hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí trong lĩnh vực tài tử, sân khấu và nhạc lễ. Hiện nhạc sĩ Minh Nhường đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Còn Minh Đủ là nghệ nhân nhạc lễ, nhạc tài tử. Nghệ sĩ, soạn giả Minh Lời biên soạn và xuất bản 2 quyển sách: Bài bản sân khấu cải lương và tài tử Nam Bộ; Bản đơn cổ nhạc - lời ca mới; và kịch bản cải lương Bão tố loạn vương triều. Hai cháu ngoại Minh Đậm và Minh Đuộc đều là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và một người hiện đang đờn chánh cho Đoàn Cải lương Bến Tre, một đờn chánh cho Đoàn Cải lương Long An.

Nghệ nhân nhạc sĩ Ba Móng và Mười Út đều trên 50 năm tuổi nghề, thành thạo nhiều nhạc cụ, bài bản tài tử, cải lương, nhạc lễ. Và điều đáng trân trọng, cả hai đã để lại cho giới tài tử Bến Tre những lứa học trò đang tiếp nối và lưu truyền nhạc truyền thống Nam Bộ.

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN