Bài học kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Phú Nhuận

26/11/2014 - 07:23
Đường nông thôn mới xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre. Ảnh: Đ. Bảy

LTS: Ngày 28-11-2014, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới. Đây là xã nông thôn mới thứ 2 của tỉnh, sau xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Bài viết sau đây đề cập đến những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm của Phú Nhuận trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới.

Xuất phát điểm

Năm 2005, Phú Nhuận được công nhận xã văn hóa. Tinh thần trách nhiệm, ý thức của người dân ngày càng được nâng lên, có nhiều hộ dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc và ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình giao thông nông thôn, thủy lợi... Phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình được đẩy mạnh với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả và kịp thời được nhân rộng.

Có điểm xuất phát là xã văn hóa nên việc xây dựng xã nông thôn mới (NTM) của Phú Nhuận có nhiều thuận lợi như: cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… được đầu tư và được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến thành phố, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân địa phương. Với vai trò là chủ thể trong xây dựng NTM, người dân cùng với Đảng bộ, chính quyền xây dựng NTM đạt kết quả khả quan.

Bên cạnh thuận lợi, xã gặp một số khó khăn như: vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, từ đó trong thực hiện một số tiêu chí còn trì trệ, kéo dài. Các nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp còn thấp, nguồn vốn trong dân không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình giao thông, các cơ sở vật chất văn hóa tại cơ sở. Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã đôi lúc chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, thiếu tính kiên quyết trong lãnh đạo, điều hành.

Những con số ấn tượng

Ba năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Nhuận đã tập trung cho công tác xây dựng xã NTM. Đến nay, tổng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng NTM đạt 136,254 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp được quy đổi thành tiền 43,643 tỷ đồng, chiếm 32% tổng số vốn được đầu tư trong xã. Điều này cho thấy ý thức về vai trò chủ thể của bộ phận khá lớn người dân đã được thể hiện cụ thể như: tham gia hiến đất đai, hoa màu, di dời vật kiến trúc, đóng góp tiền, ngày công lao động để cùng địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Người dân tham gia xây dựng các công trình lộ giao thông, xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, nhà văn hóa các ấp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, phát triển các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường.

 Kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp một số tuyến đường để từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Xã đã đầu tư xây dựng 8 tuyến đường trục xã và liên xã với tổng chiều dài 9,1km; đường từ xã đến ấp dài 4,89km; đường từ ấp đến khu dân cư 8,26km và đường từ khu dân cư ra đồng ruộng là 0,3km, với tổng số vốn đầu tư 33,637 tỷ đồng.

Về thủy lợi, xã được đầu tư nạo vét 8,85km kênh nội đồng, xây dựng 6 bửng cống để ngăn mặn, triều cường, từ đó chủ động nguồn nước tưới tiêu, đảm bảo diện tích sản xuất trong khu vực. Các công trình cấp nước phục vụ sản xuất và cung cấp nước sạch cho dân cư nông thôn từng bước được mở rộng. Hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế và các trạm phân phối điện được quan tâm cải tạo, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn trong phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%.

Chợ xã được chỉnh trang, nâng cấp. Mạng lưới bưu chính viễn thông từng bước được hiện đại hóa phục vụ tốt nhu cầu thông tin, liên lạc. Phát triển sản xuất là mục tiêu và là hướng đến của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân, nhiều chương trình, dự án đã được địa phương phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng và triển khai thực hiện. Theo đó, có 9 tổ hợp tác và tổ liên kết sản xuất nông nghiệp được áp dụng và mang lại hiệu quả như: tổ hợp tác trồng rau an toàn, tổ trồng ổi ruột hồng, tổ nuôi gà sinh học, tổ VietGAP trên cây bưởi da xanh… Ngoài ra, địa phương còn phối hợp tốt với các mô hình du lịch sinh thái thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được thực hiện đạt kết quả khá tốt. Trong đó, công tác giáo dục và đào tạo được chú trọng, trường lớp của các cấp học được chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây mới. 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia và địa phương cũng được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được quan tâm: mạng lưới y tế của xã thường xuyên được củng cố; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, nâng cấp... Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm đạt 72,33%. Trạm y tế được công nhận trạm đạt chuẩn quốc gia và xã được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí y tế. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng phát triển sâu rộng và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Phú Nhuận được UBND thành phố ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn Xã văn hóa nông thôn mới vào tháng 8-2014. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm. Xã hiện còn 16 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,41%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,32%.

Tiêu chí môi trường luôn được xã quan tâm, theo dõi và chỉ đạo xuyên suốt, nhất là việc vận động nhân dân xây dựng hố xí hợp vệ sinh, xóa cầu tiêu trên ao cá, xây dựng hầm xử lý nước thải trong chăn nuôi và sản xuất, vận động nhân dân sử dụng nước máy, nước hợp vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan môi trường… Toàn xã có 95% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, trong đó hộ sử dụng nước máy chiếm tỷ lệ 60,97%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 99,56%.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội luôn được quan tâm; việc củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý từ xã đến các ấp, công tác hòa giải ở cơ sở được chú trọng. Đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo đáp ứng yêu cầu. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững.

 Một số kinh nghiệm

Theo ông Đoàn Hồng Vương - Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, từ những kết quả đã đạt, địa phương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là: vận dụng một số cách làm hay từ phong trào xây dựng xã văn hóa vào xây dựng xã NTM. Thực hiện tốt qui chế dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, Ban Chỉ đạo luôn tham khảo lấy ý kiến trong dân để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Tập trung thực hiện các tiêu chí bức xúc và thiết thực nhất đối với người dân, vừa tạo khí thế phấn khởi, vừa được lòng dân. Từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của dân - đây là nhân tố quyết định thành công trong xây dựng NTM.

 Đảng bộ và chính quyền từ xã đến ấp có sự đoàn kết, gắn bó, có quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Áp dụng phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau, không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn”. Phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên và các tổ chức, cá nhân. Duy trì họp Ban Chỉ đạo định kỳ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ, nhóm được phân công báo cáo tiến độ thực hiện từng tiêu chí để có sự chỉ đạo kịp thời.

“Dễ làm trước, khó làm sau, không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn”.

Đó là một cách làm của xã Phú Nhuận trong xây dựng NTM.

 

Cao Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN