Ấm cúng bữa cơm gia đình

07/03/2018 - 13:35

Các em thiếu nhi cùng giáo viên nấu mâm cơm gia đình ngày Tết. Ảnh: T. Thảo

Các em thiếu nhi cùng giáo viên nấu mâm cơm gia đình ngày Tết. Ảnh: T. Thảo

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, guồng quay công việc tất bật dường như đang thay đổi dần những nếp sinh hoạt truyền thống của gia đình, ít nhiều làm rời rạc mối dây liên kết các thành viên. Câu chuyện bắt đầu từ những bữa cơm thường ngày.

Nếp nhà “nhường” nếp việc

12 giờ trưa, về đến nhà sau một buổi sáng tất bật, chị Lan (TP. Bến Tre) xúc chén cơm ăn vội, chuẩn bị cho giờ làm buổi chiều. Chồng chị Lan công tác ở Bình Dương, cuối tuần mới về nhà một lần. Cô con gái 7 tuổi học bán trú ở trường tiểu học, ăn uống tại trường. Nhà 3 người nhưng thời gian gặp nhau ít ỏi, nhiều lúc chị Lan ăn qua loa cơm tiệm cho xong, tranh thủ nghỉ trưa trước giờ làm việc.

Một trường hợp khác như hai vợ chồng Ngọc Hà - Thanh Tú (TP. Bến Tre), chị Hà là nhân viên ngân hàng, còn anh Tú làm trong ngành du lịch. Chưa vướng bận con cái nhưng do đặc thù công việc, hai vợ chồng trẻ quen kiểu “mạnh ai nấy lo”. Khi thì ăn cơm tiệm với đồng nghiệp, lúc lại tiệc tùng, tiếp khách. “Nhiều lúc mình thấy cũng buồn vì bữa cơm trống vắng, không có người trò chuyện”, chị Hà tâm sự.

Ngày nay, những câu chuyện như gia đình chị Lan, hay chị Ngọc Hà không phải là hiếm. Nguyên nhân khách quan chủ yếu do đặc thù, tính chất công việc của mỗi người khiến các thành viên trong gia đình ít dần thời gian dành cho nhau. Không chỉ có những gia đình trẻ mà ngay cả ở những gia đình nhiều thế hệ cũng đang có sự thay đổi thói quen sinh hoạt. Các cụ ông, cụ bà lớn tuổi cần ăn uống đúng bữa để nghỉ ngơi, còn các cháu lại đi làm về trễ đành ăn sau. Bác Văn Long (70 tuổi) - cán bộ hưu trí chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi đều ăn cơm chung. Nhưng con cái lớn, bận rộn công việc, nếp nhà cũng dần thay đổi”.

Giữ mối dây liên kết gia đình

Khi được hỏi, nhiều người cũng đã đồng ý rằng đã gọi là gia đình thì các thành viên cần duy trì bữa cơm chung. Nhưng quan trọng hơn, ăn cơm chung không chỉ đơn thuần là ngồi lại ăn với nhau “cho xong bữa”. Bữa cơm gia đình đúng nghĩa còn hướng tới ý nghĩa để kết nối các thành viên trong gia đình. Nói cách khác, bữa cơm trở thành lý do thời điểm để các thành viên cùng ngồi lại, thoát ra khỏi những bộn bề công việc, để chia sẻ và cảm thông cho nhau. “Chỉ có ngày cuối tuần mới đủ mặt các thành viên nên gia đình tôi luôn trân trọng, bữa cơm gia đình cuối tuần thường đặc biệt hơn. Hai vợ chồng kể cho nhau chuyện công việc, chuyện học tập của con. Cả nhà vui vẻ bên mâm cơm, ăn cũng cảm thấy ngon miệng hơn”, chị Lan nói.

Trong một cuộc trao đổi về nâng cao vai trò của gia đình trong xây dựng văn hóa đạo đức truyền thống, ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch Hội Di sản tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Mỗi thành viên cần cố gắng để gìn giữ mối cố kết trong gia đình, cần có cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống, biết quan tâm, chăm sóc lẫn nhau để giữ lửa hạnh phúc”.

Nhưng không thể chỉ đặt nặng yếu tố “giữ lửa” hạnh phúc lên vai người phụ nữ mà vai trò của mỗi thành viên trong gia đình đều cần được đề cao. “Chồng có thể chia sẻ với vợ công việc nhà hoặc đưa đón con cái để gia đình có thời gian chung dành cho nhau. Thời nay, rất nhiều người chồng đã không còn ngại phải vào bếp hay phụ vợ làm công việc nhà”, anh Trần Toàn (nhân viên văn phòng ở Phường 3) chia sẻ. Đối với gia đình anh Toàn, anh nhận phần đưa đón con đi học. Hôm nào bà xã bận việc, anh tranh thủ đi chợ, rồi hai vợ chồng cùng chuẩn bị bữa cơm chung. Nhờ có sự chia sẻ việc nhà với nhau nên dù công việc bận rộn nhưng gia đình anh Toàn luôn sắp xếp tìm được thời gian sinh hoạt chung trong ngày.

Hay bí quyết duy trì bữa cơm gia đình trong guồng quay công việc bận rộn của chị Huỳnh Thị Ngọc Loan - nhân viên văn phòng ở phường Phú Khương: “Tôi đi chợ từ sáng sớm, nấu cơm và chuẩn bị các món ăn đơn giản, trưa về chỉ cần hâm lại. Nếu mình sắp xếp một chút thì luôn có thời gian dành cho gia đình”.

Ngoài ra, thỉnh thoảng cả nhà có thể cùng nhau ra ngoài tận hưởng khoảng thời gian hoàn toàn dành cho gia đình một cách vui vẻ và thoải mái. Anh Thanh Tú cho rằng: “Lý tưởng nhất vẫn là nấu ăn tại nhà rồi cả nhà cùng ăn uống. Nhưng đôi lúc, cuối tuần cả nhà có thể cùng nhau đi ra ngoài ăn. Theo tôi, chỉ cần bữa ăn có các thành viên cùng hiện diện bên nhau và ăn uống vui vẻ là được”.

Nếu như điều quan trọng trong xây dựng tình cảm gia đình là duy trì sự liên kết giữa các thành viên với nhau thì bữa cơm gia đình chính là một trong các thời điểm để hình thành và củng cố sự kết nối đó. “Tình cảm gia đình là “cái lõi” để hình thành nên những tình cảm khác. Chính tình yêu từ những điều gần gũi nhất mới nuôi dưỡng con người lớn lên, có ý thức, biết cố kết gia đình và rộng hơn là xã hội”, ông Nguyễn Quang Trị nhận xét.

Tại Quyết định số 629 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Thanh Đồng

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết
Từ khóa gia đình

BÌNH LUẬN