Bình Đại thúc đẩy bình đẳng giới từ phát triển kinh tế nông nghiệp

05/12/2018 - 06:57

BDK - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bình Đại đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đối với phụ nữ, góp phần giải quyết các khó khăn xã hội liên quan đến vấn đề giới, tạo cơ hội để tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới một nền nông nghiệp bền vững; đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia cho phụ nữ vào các chuỗi giá trị.

Nhiều phụ nữ tham gia may gia công để tăng thêm thu nhập.

Nhiều phụ nữ tham gia may gia công để tăng thêm thu nhập.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn được huyện chú trọng, nhưng đầu ra sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn. Lao động nữ nông thôn lớn tuổi cũng đang gặp khó khăn trong chuyển đổi việc làm...

Từ thực tế trên, Hội LHPN huyện thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo nghề nông thôn, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp phụ nữ nông thôn ổn định cuộc sống. Hiện nay, hội duy trì và củng cố 66 tổ đa dạng, với 1.376 thành viên, có 21 tổ nghề nghiệp với 433 thành viên, 425 tổ tương trợ với 7.841 thành viên. Các tổ hoạt động đa dạng ngành nghề như: tách hạt điều, đan giỏ, bó chổi, may túi xách, may gia công, hụi không lời… đã giúp phụ nữ tận dụng thời gian nhàn rỗi tăng thu nhập. Bình quân mỗi chị thu nhập từ 1 - 2,5 triệu đồng/tháng.

Trong năm 2018, hội giới thiệu 115 phụ nữ học nghề và giới thiệu việc làm tại Khu công nghiệp Giao Long; giới thiệu việc làm cho 556 chị làm tại các cơ sở trong huyện. Hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức truyền thông xuất khẩu lao động cho 2 xã Châu Hưng và Thới Lai với 95 phụ nữ tham dự, qua đó có 11 người tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các ngành tổ chức 3 đợt tư vấn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho 355 người trong độ tuổi lao động. Phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 1 lớp dạy nghề may công nghiệp tại xã Đại Hòa Lộc cho 25 học viên. Riêng Hội LHPN xã Long Hòa phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở 1 lớp đan giỏ cọng dừa, có 25 học viên, trong đó có 23 nữ, đã tổ chức sát hạch xong.

Bên cạnh đó, hội còn phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức truyền thông xuất khẩu lao động cho 8 xã Dự án AMD, có 160 người tham dự. Thực hiện theo kế hoạch của UBND huyện, hội phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 50 chị hội viên, phụ nữ tại 12 xã trong huyện; đồng thời, đưa 32 chị tham dự tập huấn tại tỉnh về ý tưởng khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh cho phụ nữ. Qua lớp tập huấn có 7 xã đăng ký mô hình “Chắp cánh khởi nghiệp” giai đoạn 2 do dự án Y tế Hà Lan hỗ trợ (mô hình may công nghiệp, dịch vụ nấu ăn, trồng màu, trồng nấm), 40 hộ đăng ký tham gia chương trình khởi nghiệp với các mô hình: chăn nuôi (bò, dê), buôn bán, may gia công, may túi bao xoài… Đặc biệt, có 6 cán bộ hội cơ sở đăng ký mở siêu thị mini tại Phú Thuận, Thới Lai, Bình Thới, Đại Hòa Lộc, Thừa Đức và Thới Thuận.

100% phụ nữ nghèo được hỗ trợ

Hiện tại, huyện còn 1.342 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, chiếm 38,8%, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có điều kiện thoát nghèo là 805 hộ. Cuối năm 2018, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có điều kiện thoát nghèo chiếm tỷ lệ 12,5%.

Về thực hiện Chương trình hành động thực hiện khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành giảm nghèo, bền vững”, 20/20 cơ sở hội thực hiện có hiệu quả công tác vận động phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành giảm nghèo bền vững và vận động phụ nữ giàu, khá giúp phụ nữ nghèo, đã giúp 100% phụ nữ nghèo làm chủ hộ có điều kiện thoát nghèo. Tính đến nay, có 100% (1.342/1.342) hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hội giúp bằng nhiều hình thức như: cây con giống, vốn, hụi tương trợ, góp vốn xoay vòng với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng. Giúp vốn cho hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ phát triển sản xuất, kinh doanh số tiền 15,6 tỷ đồng, hộ cận nghèo 16 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Việc nâng cao năng lực cho phụ nữ nông thôn cần sự quan tâm của các ngành, các cấp, góp phần nâng cao khả năng và tiềm năng của phụ nữ, đặc biệt là sự bình đẳng giới của phụ nữ nông thôn. Theo đó, thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chương trình phối hợp, tập trung thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của hội, các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 gắn với thực hiện các tiêu chí phong trào thi đua phụ nữ cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN