Chăm lo mẹ Việt Nam anh hùng: Trách nhiệm, tình cảm và vinh dự mỗi chúng ta

27/04/2018 - 07:19

Đón mẹ Việt Nam anh hùng về dự lễ.

Đón mẹ Việt Nam anh hùng về dự lễ.

Qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Bến Tre là một trong những địa phương chịu nhiều hy sinh, mất mát. Toàn tỉnh có hơn 35 ngàn liệt sĩ, 20 ngàn thương bệnh binh, gần 100 ngàn người đã đóng góp công sức, xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc. Nhưng sự mất mát to lớn nhất thuộc về các bà mẹ - người đã hy sinh những đứa con và người thân yêu của mình cho đất nước.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 6.829 mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH); hiện còn sống là 412 mẹ. Không chỉ thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước mà thời gian qua, tỉnh đã chủ trương vận động xây dựng nhà tình nghĩa, vận động các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời quý mẹ VNAH; thực hiện công trình Không gian ghi công Bà mẹ VNAH, phát hành ấn phẩm “Vinh quang Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bến Tre” cùng rất nhiều hoạt động tôn vinh quý mẹ.

Các mẹ mãi là tấm gương sáng

Trong cuộc đấu tranh khốc liệt để giành độc lập, tự do cho quê hương, hàng chục ngàn bà mẹ đã tiễn con ra đi nhưng không có ngày trở về. Có mẹ chỉ có duy nhất một người con nhưng đã anh dũng hy sinh, có mẹ có đến cả 2, 3, 4… người con tham gia kháng chiến và cùng hy sinh tất cả. Thậm chí có đến 8 người thân là liệt sĩ như mẹ Võ Thị Biện ở xã An Khánh, huyện Châu Thành có chồng và 7 người con là liệt sĩ. Và trong số các mẹ được truy tặng, có 126 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH mà bản thân các mẹ cũng là liệt sĩ. Đối với các mẹ hiện còn sống, tỉnh đã và đang dốc lòng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các mẹ để quãng đời còn lại của các mẹ được sống tốt, sống vui, sống khỏe cùng con cháu.

Mẹ Lê Thị Xuyên

Chúng tôi đã có dịp đến thăm mẹ VNAH Lê Thị Xuyên ở ấp Rạch Gừa, xã Phú Long, huyện Bình Đại. Mẹ được mọi người ở địa phương biết đến là người vui vẻ, dễ gần gũi. Mẹ năm nay vừa tròn 90 tuổi, được người con gái trực tiếp chăm lo, phụng dưỡng. Chị Mai Thị Giềng - con gái của mẹ cho biết, bên cạnh việc được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước thì mẹ được lãnh đạo, cán bộ địa phương rất quan tâm, thăm hỏi và tặng quà cho mẹ trong các dịp lễ, Tết cũng như cử cán bộ thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện tạo niềm vui cho mẹ trong cuộc sống lúc tuổi già.

Mẹ có tất cả 11 người con (6 trai, 5 gái), trong đó có 2 người con trai là Mai Văn Chẩn và Mai Văn Xinh tham gia kháng chiến và hy sinh. Không chỉ ủng hộ các con lên đường tham gia kháng chiến mà chính bản thân mẹ cũng tham gia hoạt động cách mạng. Mẹ kể lại rằng, vì lòng yêu nước, mẹ đã tình nguyện tham gia cách mạng từ lúc 15, 16 tuổi tại địa phương. Vừa là hậu phương vững chắc cho chồng và các con của mẹ tham gia kháng chiến, ở nhà, mẹ còn tổ chức làm hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng trong một thời gian dài. Nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng chủ chốt ở địa phương qua các thời kỳ đã từng trú ngụ ở nhà mẹ để hoạt động an toàn.

Sau giải phóng, mẹ công tác ở Hội Phụ nữ xã đến năm 1995 thì mẹ nghỉ hưu và an dưỡng tại nhà. Tháng 6-2017, mẹ được vinh dự tham gia cùng đoàn cán bộ và bà mẹ VNAH tỉnh đi Hà Nội họp mặt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Mẹ bảo, đó là chuyến đi rất vui và đầy ý nghĩa.

“Chăm lo cho mẹ - không thể chần chừ”

“Trong thời gian tới, các ngành, các cấp và toàn xã hội cần tiếp tục chăm lo, phụng dưỡng quý mẹ VNAH và tích cực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đây là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của mỗi chúng ta”.

(Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh)

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đảm - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Theo ông, hiện nay mẹ VNAH còn sống thì phần nhiều đều đã lớn tuổi, thời gian mẹ còn sống để vui vầy với con cháu rất là ngắn ngủi. Do đó, xét về yếu tố thời gian, chúng ta không thể chần chừ mà phải làm ngay, làm thường xuyên để thời gian cuối đời còn lại của các mẹ được an ủi phần nào trước những mất mát của các mẹ.

Hàng năm, MTTQ các cấp đều phối hợp chặt chẽ với ngành lao động - thương binh và xã hội để nắm tình hình cuộc sống của các mẹ đang sống. Trên cơ sở đó, MTTQ và các tổ chức thành viên vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân… trong và ngoài tỉnh vừa nhận phụng dưỡng, vừa quan tâm thăm hỏi thường xuyên các mẹ. Chỉ riêng năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, MTTQ tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận động các tổ chức, cá nhân nhận chăm lo, phụng dưỡng suốt đời cho 9 mẹ. Đến nay, tất cả các mẹ còn sống đều đã có các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời.

Ông Nguyễn Văn Đảm cho biết thêm, ngoài việc vận động thực hiện công tác phụng dưỡng, MTTQ và các tổ chức thành viên còn vận động quà, thường xuyên thăm hỏi, động viên, an ủi mẹ. Đại diện các tổ chức thành viên như: Phụ nữ, Đoàn thanh niên… thường xuyên đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, nhất là trường hợp các mẹ sống đơn chiếc, phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, xem đó là trách nhiệm, việc làm thường xuyên của mình, thể hiện tấm lòng tri ân với quý mẹ VNAH.

Dẫu biết sự hy sinh cao cả của các mẹ VNAH sẽ không gì bù đắp được, nhưng bằng sự quan tâm chăm lo, các thế hệ hôm nay đã, đang và sẽ giúp mẹ vơi đi phần nào nỗi đau ấy, đồng thời đó cũng được xem là tấm lòng tri ân người có công với nước.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN