Chuyện ông Năm nói

20/01/2020 - 15:20

BDK - “Họ. Chính họ đã đề nghị lực lượng cách mạng phải trói họ lại”.

“Ðội quân tóc dài” - niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, nỗi khiếp sợ của quân thù. Ảnh: TL

“Ðội quân tóc dài” - niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, nỗi khiếp sợ của quân thù. Ảnh: TL

Ðó là một tình tiết có liên quan đến câu chuyện xảy ra cách nay đã tròn sáu mươi năm. Ấy vậy mà bây giờ mỗi khi được gặp lại nơi giỗ chạp, nơi tiệc tùng, những người cán bộ năm xưa vẫn còn nhớ và kể cho mọi người nghe như nó mới vừa xảy ra ngày hôm qua.

Hồi đó ở Phú Thuận có thông lệ cứ vào đầu mùa khô, lúa vừa gặt xong, đồng còn thơm rạ thì cánh thanh niên thường hay rủ nhau bơi xuồng vượt sông Tiền qua cồn Tàu đào chuột, bắt rắn. Nhiều hôm bắt được cả những con rắn hổ to kềnh đem về hầm sả, nấu cháo đậu xanh. Trong những người thanh niên đó có một chàng trai, tín đồ Công giáo, vừa tròn hai mươi bốn tuổi tên là Phạm Văn Trương mà mọi người quen gọi là Năm Nói. Năm Nói có vợ, con, nhà nằm trên bờ sông Tiền, cách trụ sở Hội đồng Hương chính và đồn Dân vệ xã Phú Thuận chừng năm trăm mét về phía Ðông.

Trong những lần qua lại với cồn Tàu như vậy, Năm Nói đã kết thân với một người nông dân lớn tuổi hơn mình là Năm Ðặng. Rồi qua Năm Ðặng, Năm Nói biết thêm một người nữa cũng lớn tuổi hơn mình tên là Năm Huyện. Cả Năm Ðặng và Năm Huyện đều là “cán bộ Việt cộng nằm vùng, bí mật hoạt động” (nói theo cách gọi của địch) mà Năm Nói thì chưa hề hay biết. Họ gặp nhau tại những buổi hậu tiệc ở xóm chòm lân bang, ở những buổi chiều con nước đầy ba người ngồi nghe sóng vỗ bên dĩa thịt chuột bốc khói thơm lừng thêm chút xỉu rượu vừa đủ để mà đưa vui. Năm Nói kính Năm Ðặng, Năm Huyện vì tuổi tác, vì sự đúng mực và vì cả hai hình như cũng giống mình, đều không ưa cái ác. Họ mến nhau không nhớ từ lúc nào. Mãi cho tới một hôm cùng nằm trong căn chòi nhìn ra phía ngoài sông lúc bấy giờ đang đầy trăng và sóng, Năm Ðặng mới thủ thỉ. Năm Nói nghe, hơi sửng người, nhưng liền sau đó lại nghĩ ngay: “chẳng lẽ ảnh (Năm Ðặng) lớn mà đi xúi mình làm chuyện bậy?!”.

Lúc ấy là đầu mùa khô 1959 - 1960, lúc mà cơ sở cách mạng của Phú Thuận đang ở vào giai đoạn gặp khó khăn lớn nhất. Hầu hết những người hoạt động bị lộ, những người kháng chiến cũ bị truy đuổi phải tạm lắng, số còn “hợp pháp” đi lại được với địch chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Năm Ðặng, Năm Huyện là hai trong số những người đó. Họ đã bắt được liên lạc với đồng chí Ba Ðịnh - người cán bộ của ngành binh vận từ tuyến trên - và những điều cần nói, Năm Ðặng đã nói cùng Năm Nói. Năm Nói lặng thinh một hồi, làm dấu thánh giá rồi hỏi lại:

- Vậy có nghĩa là em phải vào lính dân vệ?

- Ðúng. Hai anh tin vào chú. Chú cứ việc nằm yên, chờ khi nào có lệnh.

Năm Nói, Năm Ðặng cùng có chung sở thích đờn ca, trong chợ, ngoài xóm ai cũng biết. Nhờ thế mà từ khi Năm Nói được vào lính dân vệ, nó tạo thêm một cái cớ để Năm Ðặng có thể ra vào đồn mà không bị cảnh sát Như ngăn lại. Dẫu rằng việc thực thi Luật 10/59 của chế độ Diệm càng dần về đầu năm 1960 càng tạo ra những chấn động trong dân chúng và thái độ “đề phòng Cộng sản” của địch ở xã cũng lớn hơn.

 *

*       *

Ðồn Phú Thuận càng về khuya càng thanh vắng. Những cơn gió mang theo hơi nước từ phía sông Tiền thổi vào, len qua các cành cây đa ở góc sân đình làm rơi những chiếc lá thẫm màu. Năm Nói ngồi ôm khẩu súng trường dài đến tận vai nhìn ra mặt lộ. Con đường đi vô làng vẫn vắng tênh. Có tiếng chó sủa vọng từ phía đằng xa. Chắc lại có cuộc lùng sục “Việt cộng” của cánh công an Ngô Quyền. Ngày mai, trong số ít ỏi những cán bộ còn sót lại ở Phú Thuận, ai sẽ bị lôi về đây để tra tấn, hành hình? Bất chợt Năm Nói nhớ lại cái điều mà mình đã nói với Năm Ðặng, Năm Huyện tại quán nước ở góc chợ thừa lúc có tiếng nổ máy của một chiếc xe lam chuẩn bị đưa khách về An Hóa:

- Em đồng ý hết. Em sẽ hành động. Nhưng cho em xin: Ðừng bắn một tên lính nào hết.

Năm Ðặng nhìn về phía Năm Huyện, vẻ mặt hơi sửng sốt. Cả hai không có chuẩn bị cho tình huống này. Trong khoảnh khắc bất chợt, không ai kịp hình dung sự việc rồi sẽ ra sao. Tương quan lực lượng đang ở thế: một bên là cả tổ chức Hội đồng Hương chính cùng với tròn tiểu đội dân vệ trang bị đầy đủ 12 súng (chưa kể khẩu súng ngắn của cảnh sát Như), còn bên kia là độc mã đơn thân một mình Năm Nói. Nếu không nổ súng ngay từ đầu, không hạ được một số tên, gây áp đảo làm mất tinh thần bọn địch thì làm sao Năm Nói có thể phối hợp được với bên ngoài để mà lấy đồn Phú Thuận?

- Vậy thì chú tính làm sao?

- Cho em suy nghĩ.

- Nhưng mà phải sớm. Thời cơ đến, nó không ở đó để đợi mình.

Ðó là điều làm cho Năm Nói phải suy nghĩ, đôi lúc bị ám ảnh bởi hai chữ “thời cơ”.

Với Năm Nói, một bên là người cơ sở cách mạng, nhiệm vụ phải hoàn thành và một bên là một tín đồ yêu Chúa cùng với những thanh niên là con chiên ngoan đạo đang cầm súng đứng trong hàng ngũ địch. Cùng xóm, cùng làng, cùng trải qua những trò chơi hồn nhiên thời trẻ thơ và hơn thế đã cùng nhau đến giáo đường vào những ngày Chúa nhật, Năm Nói hiểu hơn ai hết về họ. Dẫu rằng một bộ máy kềm kẹp, phô trương sự bề thế và việc thực thi các chính sách khắc nghiệt đã làm nên sự ung thối, của chế độ Diệm đã tới hồi phải cắt bỏ, song với nhóm dân vệ ở Phú Thuận nói chung thì không mấy người ác. Họ, phần lớn là những thanh niên chưa hề quen với việc rời khu ruộng, mảnh vườn nhỏ chật, sợ bị bắt “quân dịch” đẩy vào các sư đoàn chủ lực phải đi xa lắc mà nấn ná ở lại vào lính xã. Hạ sát một vài tên không đáng tin và xem nó như hồi kết của một tình thế chẳng đặng đừng, điều đó Năm Nói làm được. Cái khó hơn là làm sao để hoàn thành được nhiệm vụ mà trước mặt mình không có máu! Ðó chính là cái mà trong giờ chót nó vẫn hiện hữu trong tâm trí của một tín đồ như Năm Nói. Càng nghĩ Năm Nói càng thấy mình như lún sâu vào trong từng bước thời gian đang được phát ra từ tiếng kêu “tích - tắc” của chiếc đồng hồ quả lắc treo ở vách đồn. Trong khoảnh khắc, Năm Nói xem lại đồng hồ, khẽ đứng dậy rồi đi vào phía nội đồn. Ở đó, mọi người đang ngủ. Khều nhẹ vào hông một tên lính và đợi cho nó tỉnh hẳn, Năm Nói bảo:

- Tới lượt mầy.

*

*     *

Năm mươi đồng (vào thời điểm 1960, tính ra cũng khá nhiều) từ tay Năm Ðặng đưa cho Năm Nói, một nửa đã không còn trên thực tế. Nó đã hiện diện trên bàn nhậu với hai dĩa to thịt bò xào đậu rồng, mấy dĩa khô mực nướng, mấy chùm nem thịt gói lá chuối và mời gọi nhất là mấy chai rượu đế Châu Hưng trong ngần, rót ra nổi bọt. Một nửa tiền còn lại, Năm Nói cất vào trong túi, rồi trong lúc nhậu cứ như tình cờ thỉnh thoảng lại móc ra, xòe xòe, nhưng lại cương quyết không chi thêm vào tiệc nhậu.

Hai hôm trước, nhân lúc đại diện Trương ngồi trò chuyện với cảnh sát Như về tình hình ở bên Minh nhiều nơi “Việt cộng đã nổi lên”, tình cờ nghe được, Năm Nói đã khéo khuyên:

- Hay là anh nên tạm lánh qua Ðịnh Tường (Mỹ Tho) vài bữa, ở nhà còn có anh Tám (chỉ cảnh sát Như) tụi em cũng yên tâm.

Không đáp liền, nhưng sau đó đại diện Trương và vài “vị” trong Hội đồng Hương chính đã đi. Như vậy là gạt bớt một đối thủ.

Bữa tiệc, từ giữa trưa kéo dài đến xế chiều thì kết thúc. Rượu hết. Mồi hết. Cánh dân vệ theo thông lệ hầu như đều cho rằng: “Ðã hết cái thời gian phải đề phòng Việt cộng thâm nhập”. Năm Nói bảo mình đã mệt, thèm “một cái chợp mắt”. Còn cảnh sát Như, đúng như lời nhận định của       Năm Nói với Năm Ðặng: “Hễ có “dô” một chút, hứng chí là ổng rề qua nhà bà...” (sau này là vợ kế của ổng). Trong đồn chỉ còn lại lính và lính.

Cánh dân vệ không thèm cái ngủ. Một số nhớ tới “đồng rủng rỉnh” nằm trong túi Năm Nói, thèm cái khác. Nhưng thèm chi thì chí ít cũng phải đợi tới lúc Năm Nói thức dậy. Năm Nói có tỉnh ngủ, có vui thì cái điều ấy mới có thể được chấp nhận. Thế là...

Chiều. Có lẽ đã bốn giờ! Cây da đứng ở sân đình cạnh cửa vào đồn ngả cái bóng dài trên mặt lộ. Trong đồn, trên mi-đo (lầu canh), tên lính ngồi ôm súng gác, thỉnh thoảng quay người nhìn ra bốn hướng. Trên đường, từ xa, Năm Ðặng đủng đỉnh bước, trông rảnh rang như người chẳng bận việc gì chiều tản bộ lên chợ chơi. Phía sau Năm Ðặng là Năm Huyện, hai người đi cách nhau chừng vài phút. Vừa đi, Năm Ðặng vừa nhớ lời Năm Nói dặn: “Khi nào em bảo “cái con khỉ”, lúc ấy là tình hình cho phép. Anh phải chụp lấy súng, nhắm vào em. Em chạy. Anh bảo “đứng lại, nếu không tao bắn”, la to để mọi người nghe. Trường hợp thứ hai, tình hình cũng cho phép, nhưng xấu hơn, không thể bỏ cho anh và anh Năm Huyện làm được, em phải ở lại, “làm” xong em sẽ cùng ra ngoài với các anh luôn”.

Trong đồn, lúc bấy giờ còn lại Năm Nói và hai tên lính. Một tên đang phiên gác ngồi trên mi-đo. Tên còn lại đã mãn phiên gác vừa mới buông súng, nằm sải tay trên ván, ngủ chiều vì chút men rượu còn ngà ngà trong người. Số khác, sau hồi mượn được tiền từ túi Năm Nói đã kéo nhau đi đánh bạc ở nhà ông Hai Vực. Cảnh sát Như, trước lúc sang nhà người tình đã thải chiếc chìa khóa kho súng lại cho Năm Nói. Cầm chiếc chìa khóa, Năm Nói nhìn ra cửa đồn, bồn chồn trông cho mau thấy bóng của Năm Ðặng hoặc Năm Huyện. Trông một lúc rồi cũng thấy Năm Ðặng tới. Ngoài cửa rào, Năm Ðặng gọi:

- Nói ơi, có gì nhậu không mậy (mầy)?

- Hết trơn rồi. Vừa mới “làm” một trận, còn oải. Anh có gan thì vào đây uống trà.

- Uống trà mà có gì phải gan!

Vừa nói, Năm Nói vừa bước ra mở cánh cửa rào, đã từ lâu sau những giờ Hội đồng xã làm việc chỉ có Năm Ðặng và Năm Huyện là thường dân được cảnh sát Như cho phép vào chơi cùng Năm Nói. Giữa lúc Năm Ðặng đang bước vào đồn, Năm Nói gọi tên lính trên vọng gác: “Xuống làm một cốc trà cho tỉnh rượu”. Lúc đầu hơi chần chừ, nhưng khi nghe Năm Nói và Năm Ðặng nói “giác này có độn thổ Việt cộng cũng chẳng dám vào đây để làm gì”, tên lính gác đã bỏ khẩu súng lại trên mi-đo, lần nấc thang từ từ tụt xuống. Ba người ngồi quanh chiếc bàn tròn, cạnh bộ ván gõ có tên dân vệ đang nằm ngủ. Khẩu súng mút đang để gần bên chỗ Năm Ðặng ngồi. Cảnh như thế đã diễn ra nhiều lần trước đây, và nó được coi như chuyện bình thường.

Vừa hớp xong ngụm trà, Năm Ðặng bảo:

- Trà cơm, uống chán chết mẹ. Còn để dành mồi đem ra nhậu đi, Nói.

Năm Nói giả vờ quê:

- Còn cái con khỉ. Em nói thật. Tụi nó “dứt” láng rồi.

- Nếu không thì bắn chim. Tao mới thấy mấy cặp cu đậu ngoài ngọn u.

- Ðã rồi. Chán lắm!

- Mầy không bắn thì để tao - vừa nói, Năm Ðặng vừa chụp lấy súng - mà có đạn đây không?

- Anh bắn cái con khỉ. Thôi, đừng làm tài hay.

Lại thêm một lần “cái con khỉ”. Ðoán chắc điều kiện đã đủ, chợt ngó ra thấy Năm Huyện vừa vào đến cửa, Năm Ðặng liền đứng lùi ra, súng lên đạn chỉa thẳng vào bàn, nơi có Năm Nói và tên lính dân vệ đang ngồi.

- Ðừng giỡn. Súng có cô hồn - Năm Nói bảo.

- Giỡn sao được mậy? Bữa nay lấy đồn. Hai thằng ngồi im, nhúc nhích tao bắn.

- Giỡn, anh!

- Tao, thiệt! Nhúc nhích tao bắn.

Giả vờ phản ứng, Năm Nói ném xâu chìa khóa (trong đó có chiếc chìa khóa kho súng) vào mặt Năm Ðặng rồi vùng chạy.

Năm Ðặng vừa né xâu chìa khóa vừa quát to:

- Ðứng lại, chạy tao bắn.

 Tiếng la vừa đủ để mọi người nghe và nhìn thấy Năm Nói bị đuổi - Cái vỏ bọc đủ để sau này nếu Phú Thuận bị tái chiếm trở lại, địch cũng không có cớ để đàn áp vợ con hoặc trả thù những người trong họ hàng Năm Nói. Tên lính dân vệ ngủ trên bộ ván giật mình. Thức dậy, thấy tên lính ngồi trên bàn đưa tay, hiểu ra sự việc, hắn vừa dợm chạy vừa bảo: “tha... tha cho em!”. Rà súng theo, miệng hô “chạy, tao bắn”, nhưng Năm Ðặng đã không bắn. Cả hai tên cùng vọt ra khỏi rào, chạy bám theo Năm Nói.

Lúc này, qua cái nháy mắt của Năm Ðặng, Năm Huyện đã nhanh chóng trèo lên mi-đo. Chiếc chìa khóa từ tay Năm Ðặng đã mở toang kho súng. Nhóm vũ trang với hai khẩu súng trường được lệnh của Năm Ðặng và Năm Huyện bí mật ém trong đình Phú Thuận từ đêm qua đã kịp xông tới.

Và, chỉ tới khi ông Mười Tao - một tín đồ Công giáo - ở gần đó chạy tới nhà ông Hai Vực bảo “Việt cộng lấy đồn rồi sao còn ở đó đánh bài”, cánh dân vệ mới tủa ra chạy. Nhưng chỉ chạy được một chút, họ đã quần tụ lại chỗ vườn ông Cả Bố. Gặp lực lượng cách mạng, trong đó có Năm Huyện, số lính dân vệ liền bảo:

- Anh Năm, anh làm ơn trói dùm tụi em lại, nếu không thì...

- Sao lại làm ơn? - Năm Huyện đáp.

Lúc này, chỗ trụ sở và đồn Dân vệ xã Phú Thuận, lửa đã bốc cao.

Ký của Hàn Vĩnh Nguyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • tranchung Cách đây 23 năm

    Ngày cuối năm đọc những dòng này mà lệ rưng rưng vì cảm cái nghĩa đồng bào của những người dân Miền nam thời tạm chiếm; có biết bao người nông dân vì nghĩa cả đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam có ngày hôm nay...