Còn đây lưu dấu người xưa

16/03/2018 - 08:02

BDK - Đội Bảy còn được biết đến bởi nơi đây từng nổ ra trận đánh lớn giữa nghĩa quân ta với giặc Pháp vào ngày 9 và ngày 13-11-1867, vào những ngày đầu đánh chiếm Bến Tre.

Cổng chào ấp văn hóa Đội Bảy.

Cổng chào ấp văn hóa Đội Bảy.

Xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm có một ấp tên là ấp Đội Bảy (gần hai mươi năm trước ấp này được công nhận ấp văn hóa). Đội Bảy tọa lạc dọc bên trái đường tỉnh 887 dẫn về huyện biển Ba Tri. Mảnh đất này cách nơi sinh ra cũng như đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống bởi con sông Hương Điểm (phụ lưu của sông Giồng Trôm).

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huy Khanh - Nguyễn Văn Châu, lúc sinh thời, ông từng cho rằng Đội Bảy là tên thứ tự của cha ông ta thời mở cõi duy nhất còn lại ở Bến Tre. Đội Bảy tức Đội sản xuất số Bảy mà tổ chức quản trị hành chính thời nhà Nguyễn sắp xếp, nhằm ổn định việc an cư, lạc nghiệp, khai hoang, lập ấp.

Ở Bến Tre giai đoạn đó có rất nhiều đội sản xuất như vậy. Chẳng hạn như vị Đội trưởng Đội sản xuất Mười Một tên Lê Văn Tốt... Ông là cụ tổ của họa sĩ Lê Dân (nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu). Ngoài ra, Tân Hào còn có nhiều địa danh khác có từ hàng mấy trăm năm trước vẫn còn lưu giữ. Theo một số người cao tuổi ở đây, Hương Điểm là tên của ông Điểm làm chức Hương trưởng của làng Tân Hào. Hương Điểm được đặt tên cho chợ xã, tên sông, tên cầu một cách trang trọng. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều cánh giồng đặt tên những địa chủ, phú nông hoặc người đến khai phá sớm nhất dần dần đã thành địa danh, như Giồng Ông Đồng, Giồng Bà Mén... Nhưng qua thời gian, người dân nơi đây gọi ngắn gọn thành Giồng Đồng, Giồng Mén. Hiện mộ Bà Mén hãy còn ở Ấp 14, xã Tân Hào. Hàng năm vào dịp Tết, được người dân nơi đây tưởng nhớ đến công lao của bà, họ đến tảo mộ rất sạch đẹp, khang trang.

Đội Bảy còn được biết đến bởi nơi đây từng nổ ra trận đánh lớn giữa nghĩa quân ta với giặc Pháp vào ngày 9 và ngày 13-11-1867, vào những ngày đầu đánh chiếm Bến Tre. Ngoài ra, vào đêm 5-2-1868, nghĩa quân ta từng nổi dậy đánh đồn Hương Điểm. Trận này để lại nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, tiêu biểu nhất là nghĩa sĩ Trương Tấn Chí (cháu của Phó tướng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu). Sau đó không lâu, đến ngày 10-4-1868, nghĩa quân của hai anh em Phan Tôn, Phan Liêm (con của quan đại thần Phan Thanh Giản) dẫn nghĩa quân tấn công tiếp đồn Hương Điểm.

Đồng thời, bên cạnh Đội Bảy, cách con sông Hương Điểm, Tết năm Đinh Dậu 1947, “Bộ đội ông Cống” từng chiến thắng quân Pháp vẻ vang nhất trong lịch sử của lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre. Mảnh đất Đội Bảy còn là nơi tập hợp, luyện tập võ nghệ, sử dụng súng trường, giáo mác của Phân đội Tân Hào vào những ngày đầu do tướng Đồng Văn Cống thành lập, chỉ huy.

Người dân Đội Bảy ngoài sống bằng nghề trồng dừa, cây ăn trái còn làm nhiều nghề truyền thống như: chài lưới, bó chổi, đan thúng, rổ... rất lâu đời. Bên cạnh đó, vùng đất này còn có nhiều ngôi mộ đá cổ được điêu khắc rất tinh xảo. Đặc biệt, ngôi mộ của “Bà Ba Ngỡi” (tức Lê Thị Nghĩa, hay Lê Thị Nương), tọa lạc bên cầu Hương Điểm. Bà là nữ địa chủ duy nhất của Bến Tre, có hàng ngàn mẫu đất, sách Địa chí Bến Tre từng ghi chép. Vậy xin xem đây là ngôi làng cổ của Bến Tre hãy còn lưu dấu của tiền nhân rất đáng được giới thiệu, quảng bá.

Bài, ảnh: Anh Thuyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN