Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc

20/06/2019 - 21:56

Tái hiện hình ảnh cầu người tải thương binh trong kháng chiến. Ảnh: A. Nguyệt

Tái hiện hình ảnh cầu người tải thương binh trong kháng chiến. Ảnh: A. Nguyệt

Đây là một trong những công trình lịch sử văn hóa có quy mô lớn của tỉnh Long An, khái quát về quá trình đấu tranh giành độc lập của quân và dân Long An (tọa lạc tại Phường 5, TP. Tân An). Đến tìm hiểu nơi đây, khách không chỉ có cơ hội hiểu thêm về đất và người Long An mà càng “thấm” hơn về giá trị lịch sử đấu tranh giành độc lập hòa bình của những thế hệ cha anh.

Công viên tượng đài được xây dựng trên khu đất rộng 6ha, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng (xây dựng năm 2004). Công trình có 2 hạng mục chính là Công viên - tượng đài và Phòng trưng bày truyền thống với 8 chuyên đề Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Trong số các phần trưng bày tái hiện quá trình chiến đấu của quân và dân Long An, có nhiều điểm tương đồng với lịch sử đấu tranh của tỉnh Bến Tre. Điển hình là phần tái hiện hình ảnh nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc với sự che chắn của rừng dừa nước và hình ảnh ban đêm, hay là hình ảnh cứu thương cho bộ đội... Đặc biệt là phần tái hiện sự kiện dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh gây nhiều ấn tượng cho khách tham quan. Theo thuyết minh viên, trong kháng chiến chống Mỹ, phong trào dân công hỏa tuyến ở Long An phát triển rất mạnh. Lực lượng dân công hỏa tuyến phần nhiều là nữ. Do giặc đánh phá ác liệt, trước yêu cầu khẩn cấp phải vận chuyển thương binh đến nơi chữa trị, dân công hỏa tuyến đã lấy vai mình làm bệ đỡ để làm cầu vận chuyển thương binh. Đây cũng là một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó của quân và dân Long An, góp phần khẳng định truyền thống trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vào tháng 3-1976, tỉnh Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và lấy tên gọi chung là tỉnh Long An. Trong thời kỳ xây dựng Tổ quốc sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người con ưu tú của Long An giữ vị trí quan trọng cấp cao của Đảng như: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Trương Hòa Bình...

Tại khu vực Phòng trưng bày truyền thống, còn giới thiệu bài văn bia truyền thống tỉnh Long An do giáo sư Vũ Khiêu biên soạn. Trong đó có đoạn “... Trên ba vạn tấm gương liệt sĩ: liều thân mình giữa chốn nguy nan/ Hơn bốn ngàn bà mẹ anh hùng: tiễn khúc ruột vào nơi ác liệt/ Xứng danh “hạt giống đỏ”: nào Châu Văn Liêm, Nguyễn Thị Bảy, Võ Văn Tần, Bùi Văn Khánh, Nguyễn Văn Minh/ Nức tiếng người Long An: nào Nguyễn Văn Tiếp, Trương Văn Ban, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Văn Giàu, Lê Văn Kiệt.../ Diệt trừ đế quốc: bao khí phách hiên ngang/ Đánh bại thực dân: lắm anh hào lẫm liệt... Nay cả tỉnh dựng xây: thề quyết thắng muôn người quán triệt/ Đạp bằng thử thách, vươn tới tương lai/ Rạng rỡ ngày mai, tiếp trang sử đẹp”.

Từ phần tái hiện lịch sử, khách đã phần nào cảm nhận được tinh thần đoàn kết, gắn bó, vượt mọi khó khăn, thử thách trong cả thời chiến và thời bình là những điều cốt lõi đã giúp Long An chiến thắng, thành công qua các thời kỳ.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN