Cuộc Đồng khởi năm 1960 và những tư tưởng chỉ đạo trong quá trình cuộc nổi dậy của nhân dân Bến Tre (kỳ 2)

11/12/2019 - 07:24

Súng ngựa trời - loại vũ khí thô sơ nhân dân chế tạo để sử dụng trong những ngày đầu Đồng khởi năm 1960. Ảnh: PV

Súng ngựa trời - loại vũ khí thô sơ nhân dân chế tạo để sử dụng trong những ngày đầu Đồng khởi năm 1960. Ảnh: PV

9. Tỉnh ủy ra lệnh giải phóng ấp nào phải phát động quần chúng thay đổi ngay địa hình, địa vật, rào đường làm xã chiến đấu. Viết bảng nguy hiểm, nguy hiểm cấm theo đường đi ven vườn, ven lộ. Huy động nhân dân làm chông tre, chông đinh, chông cau, phát động hàng trăm lò rèn, rèn mã tấu, dao găm trang bị cho quần chúng, ban đêm đi săn lùng bọn công an, tình báo ác ôn.

10. Thi hành Nghị quyết số 15 Tỉnh ủy không có tấc sắt trong tay là một bài toán không sao đáp số được. Nhưng: Cái thế đã chín mùi, thời cơ đã đến khi Đảng ra lệnh: Không có con đường nào khác. Tỉnh ủy ra lệnh: “phải xông vào hang cọp, để bắt được cọp”. Tức là “phải lấy vũ khí trong đồn giặc để diệt giặc”.

Đúng như Tỉnh ủy ra lệnh, cuộc nổi dậy đó ta thu gần 1.000 súng các loại đến khi kết thúc. Thành lập trung đội, đại đội chủ lực tỉnh, huyện. Hàng trăm tiểu đội cơ sở xã rõ ràng lấy vũ khí từ giặc để đánh giặc như lời hịch của Tỉnh ủy.

11. Tỉnh ủy còn mạnh bạo chủ trương, tổ chức quần chúng tản cư ngược. Mang quần áo, heo, gà, con cháu đùm túm xuống ghe xuồng, tràn vào thị trấn, thị xã tố giác giặc bắn giết cướp phá tài sản của bà con. Hướng dẫn lý lẽ cho đồng bào đấu tranh trực diện với địch: “Chúng tôi là con dân quốc gia, dưới sự bảo trợ của tỉnh, quận trưởng. Tại sao tỉnh, quận để lính Việt Nam cộng hòa bắt giết, hãm hiếp dân như thế?”.

Bà con khiêng xác chết, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em bị cụt tay, cụt chân qua các trận càn, trước mặt tỉnh, quận trưởng. Bọn chúng phải xoa dịu. Bà con nói: “Nếu tỉnh, quận trưởng không trừng trị bọn ác ôn đó, thì dứt khoát, chúng tôi ở lại đây với tỉnh, quận trưởng không về. Nếu tỉnh, quận trưởng không cho ở đây, thì xuống rừng Thạnh Phú ở với Việt cộng hay sao?”.

Chủ trương tản cư ngược này là một sáng tạo, nhạy cảm, trúng ngay quyền lợi bức xúc của quần chúng; nên trở thành sự tự giác, đấu tranh gay gắt. Cũng ác liệt, cũng tù đày, thương tích nhưng không chùn bước. Còn kẻ thù thì không có một “độc chiêu” nào chống trở.

Từ đó xuất hiện Đội quân tóc dài của quá trình tỉnh chỉ đạo cuộc nổi dậy Đồng khởi 1960.

12.  Về phương pháp thi hành Nghị quyết số 15: Tỉnh ủy quyết định xây dựng 3 mô hình mẫu giải phóng cho bằng được 3 xã vùng điểm. Nhằm phát huy nhanh, tạo sự thống nhất sẵn sàng hành động không lúng túng, bỡ ngỡ vì mới mẻ khi Nghị quyết số 15 cho phép dùng bạo lực vũ trang hỗ trợ đấu tranh chính trị trong tương quan ta một, giặc hai ba chục lần hơn ta.

* Mô hình giải phóng xã Định Thủy: Binh vận là chủ yếu

Dùng mũi binh vận chủ công, khởi nghĩa hạ đồn, diệt địch giải phóng xã. Vị trí này cơ sở binh vận ta chiếm 90% có cả chỉ huy, làm điểm phát pháo kết quả giòn giã, trọn vẹn vào sáng ngày 17-1-1960 như dự kiến của Tỉnh ủy.

* Mô hình giải phóng xã Phước Hiệp: Gia đình binh sĩ là chủ yếu

Ta không có cơ sở binh vận. Ta dùng hai tổ vũ trang chiết ra từ số vũ khí lấy đồn Định Thủy bao vây khống chế. Kết hợp đưa hết gia đình binh sĩ, cha, mẹ, vợ, ông bà của các binh lính trong xã Phước Hiệp đốt đuốc lá dừa bao vây, kêu khóc đòi con cháu, phải ra đầu hàng, buông súng về với gia đình.

Trước áp lực căng thẳng đó, kéo dài đến nửa đêm 18-1, bọn chỉ huy bí mật rút bỏ chạy về quận Mỏ Cày. Ta áp vào san bằng công sở thu chiến lợi phẩm còn lại. Ta giải phóng hoàn toàn xã Phước Hiệp bằng bức rút. Đúng như ý định của ta cho nên có cụm từ “bức rút” cũng từ đây chủ yếu bằng gia đình binh sĩ cùng hai tổ vũ trang tại chỗ.             

* Mô hình giải phóng xã Bình Khánh: Mũi quân sự là chủ yếu

Ta dùng hai tiểu đội vũ trang bao vây nổ súng áp đảo, cùng phát loa gọi hàng. Huy động gia đình binh sĩ đốt đuốc lá dừa vây quanh công sở kêu gọi con, chồng ra hàng và hàng trăm tiếng hô xung phong, vừa nổ súng áp đảo. Bọn chỉ huy và lính hốt hoảng bỏ súng rút chạy trước khi ta tràn vào đồn. Ta thu toàn bộ chiến lợi phẩm san bằng công sở giải phóng xã đúng như ý định lãnh đạo bằng mô hình lực lượng vũ trang chủ công cùng lực lượng gia đình binh sĩ, lực lượng chính trị quần chúng áp đảo giải phóng xã.

Từ ba mô hình này ta nhanh chóng nhân ra các xã trong 3 cù lao: Bảo, Minh và An Hóa, lan rộng ra toàn tỉnh.

(còn tiếp)

Nguyễn Xuân Kỷ - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN