Đẩy mạnh truyền thông, góp phần nâng cao chất lượng dân số

14/03/2018 - 08:58

BDK - Ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh xác định truyền thông có vai trò quan trọng đối với công tác DS-KHHGĐ và chủ động đẩy mạnh các hoạt động này. Nhờ đó, góp phần chuyển đổi hành vi của người dân hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng DS.

Tiết mục kịch truyền thông về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên Trường THPT Phan Liêm (Ba Tri).

Tiết mục kịch truyền thông về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên Trường THPT Phan Liêm (Ba Tri).

Chuyển trọng tâm tuyên truyền

Theo thống kê của ngành DS-KHHGĐ, năm 2017, toàn tỉnh DS từ 60 tuổi trở lên là 207.063 người, gần bằng với số trẻ em từ 0 - 14 tuổi  (224.573 người); 67,4% DS trong độ tuổi lao động; mức sinh ở mức 1,65 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mức sinh đang ở mức thấp dưới mức sinh thay thế (2,1 con). Mặt khác, số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên là 36.427 người, chiếm 18,45%, đa số bị đa bệnh lý. Trung bình mỗi năm tỷ lệ số người cao tuổi tăng 0,53%. Cụ thể, trong 3 năm trở lại đây tăng từ 12,05% lên 14,17%.

Theo phân tích của bà Dương Thị Như Ngọc - Phó giám đốc Sở Y tế, cơ cấu DS già hóa hiện nay sẽ là thách thức cho ngành DS toàn quốc, trong đó có Bến Tre. Trước hết là việc thay đổi cơ cấu lao động, tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao (từ 45 đến dưới 60 tuổi) sẽ tăng lên và tỷ lệ DS gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi. Đồng nghĩa với đó, Nhà nước phải tăng cường đầu tư cho hệ thống an sinh xã hội, chủ yếu là đảm bảo các phúc lợi cơ bản cho người già.

Từ thực tế đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về DS, chất lượng sống cho người dân. Thời gian gần đây, ngành đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai các hoạt động truyền thông thực hiện Đề án duy trì mức sinh thấp hợp lý, kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nếu trước đây, truyền thông DS chủ yếu hướng vào lĩnh vực KHHGĐ nhằm hạ thấp tỷ lệ phát triển DS, thực hiện công tác DS trong tình hình mới cùng với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, số trẻ sinh là con thứ hai có xu hướng giảm tại các gia đình là công chức, viên chức… thì nay, hoạt động truyền thông chuyển sang chính sách DS và phát triển. Đây là giải pháp tối ưu góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, trong đó có nâng cao chất lượng DS.

Theo ông Nguyễn Thanh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, chuyển trọng tâm tuyên truyền chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển, chi cục luôn quan tâm xây dựng và phát triển các mô hình tuyên truyền, giáo dục về DS nâng cao chất lượng sống và giống nòi. Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như câu lạc bộ tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... tạo sân chơi bổ ích cho người dân. Từ đó, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về công tác DS, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, trang bị những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Cụ thể, trong quý I-2018, chi cục phối hợp với Trường Cao đẳng Bến Tre, Sở Giáo dục và Đào tạo củng cố, duy trì sinh hoạt định kỳ của góc truyền thông và góc sinh hoạt về giới và bình đẳng giới tại 33 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc trang bị tài liệu truyền thông, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng điều hành sinh hoạt để nâng dần chất lượng các buổi sinh hoạt. Đồng thời, tổ chức chiến dịch truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông, tư vấn cho công nhân tại khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp (Châu Thành).

Ngoài ra, các hoạt động truyền thông DS trong thanh niên cũng được chú trọng. Năm 2017, chi cục đã phối hợp Tỉnh Đoàn luân phiên tổ chức truyền thông về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên học sinh trong các trường THPT.

Nâng cao chất lượng DS

Tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú, nhờ đẩy mạnh hoạt động truyền thông tư vấn mà các sản phụ đã ý thức và chăm lo sức khỏe sinh sản cũng như tham gia sàng lọc trước sinh để đảm bảo đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh. Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Cán bộ chuyên trách chương trình DS-KHHGĐ An Điền cho biết, 100% sản phụ đang theo dõi tại Trạm Y tế xã đều tuân thủ việc sàng lọc trước sinh. Thông qua các buổi tuyên truyền, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã quan tâm đến sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi. Đây là kết quả đáng mừng cho người làm công tác DS.

Sản phụ Đỗ Thị Thúy, 22 tuổi, ở Ấp 2, xã An Điền đang được theo dõi thai kỳ tại trạm bộc bạch: “Nhờ các cán bộ DS thường xuyên tư vấn và hướng dẫn, bản thân em quan tâm sức khỏe sinh sản. Vợ chồng em trước đó cũng có kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Hiện tại, em đã thực hiện đủ các bước sàng lọc trước sinh để nắm tình hình thai nhi. Hy vọng con em sinh ra khỏe mạnh”.

Theo bà Dương Thị Như Ngọc, để nâng cao chất lượng DS, thời gian tới, ngành DS-KHHGĐ sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông hơn nữa, tích cực, bền bỉ vận động nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân. Từ đó, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, về DS-KHHGĐ và sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên. Đồng thời duy trì hoạt động tư vấn thực hiện sàng lọc trước sinh, mở rộng hoạt động mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ phù hợp. Song song đó, chú trọng nâng cao năng lực cho khoa lão tại các bệnh viện trong tỉnh; nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên DS, quan tâm đào tạo, tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm... Sắp tới, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh đầu tư kinh phí cho các mô hình, đề án của hoạt động nâng cao chất lượng DS từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Bài, ảnh: Phan Hân

“Để nâng cao chất lượng DS, cuộc truyền thông phải đạt hiệu quả cao. Người truyền thông cần khai thác thêm nhiều thông tin từ đối tượng, cung cấp thêm tờ bướm để buổi truyền thông thêm sinh động” - bà Dương Thị Như Ngọc cho biết.
Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN