Đời sống tín ngưỡng của cư dân Bến Tre (kỳ 1)

19/07/2019 - 06:19

BDK - Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và tín ngưỡng, người dân có truyền thống sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng từ lâu đời. Các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có sinh hoạt tín ngưỡng riêng gắn với đời sống kinh tế và tâm linh của mình. Bến Tre, vùng đất được mệnh danh là “ốc đảo”, bị sông rạch chia cắt bao đời đã bảo lưu nhiều loại hình tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Việt ở Nam Bộ.

Nghi thức Đại bội trong lễ Kỳ yên miếu Bà Tiệm Tôm, xã An Thủy, huyện Ba Tri. Ảnh: Hữu Nghĩa

Nghi thức Đại bội trong lễ Kỳ yên miếu Bà Tiệm Tôm, xã An Thủy, huyện Ba Tri. Ảnh: Hữu Nghĩa

Văn hóa tín ngưỡng

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre gắn với quá trình khẩn hoang, lập ấp của các lưu dân người Việt, sự đấu tranh anh dũng chống lại kẻ thù xâm lược của các thế hệ anh hùng, liệt sĩ. Ngay từ buổi đầu khai phá và xây dựng, phần lớn lưu dân người Việt vào Bến Tre định cư có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung. Quá trình khẩn hoang, lập ấp của lưu dân người Việt được tiến hành với nhiều khó khăn, trở ngại từ thiên nhiên và bệnh tật. Những hiểm họa của chốn rừng thiêng, nước độc, sơn lam chướng khí đã trở thành khó khăn, thử thách cho cư dân vùng đất mới. Vì thế, họ rất cần chỗ dựa tinh thần để có thêm nghị lực, sức mạnh để vượt qua, từng bước “bám rễ”, định cư lâu dài. Từ đó, tín ngưỡng ra đời đáp ứng nhu cầu tâm linh và là sự kế thừa những bản sắc văn hóa cội nguồn mà những lưu dân người Việt xem như hành trang mang theo trên bước đường Nam tiến.

Theo Từ điển tiếng Việt, tín là đức tin, ngưỡng là sự nhìn lên một cách chăm chú, với lòng thành kính. Như vậy, tín ngưỡng là niềm tin và sự ngưỡng mộ của con người (đức tin - biểu hiện của ý thức) về một hiện tượng linh thiêng, một sức mạnh thiêng. Cái thiêng này do con người tưởng tượng ra hoặc do con người suy tôn mà con người tin là có thật và không lý giải được. Trong khoảng thời gian gần đây, xuất hiện một số khái niệm liên quan đến tín ngưỡng bản địa, tín ngưỡng ngoại nhập và tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng bản địa là tín ngưỡng gốc, vốn có của cư dân bản địa ở một quốc gia, địa phương nào đó. Tín ngưỡng ngoại nhập là tín ngưỡng được du nhập từ bên ngoài qua quá trình di cư của tộc người, sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa lẫn nhau. Tín ngưỡng dân gian là loại hình tín ngưỡng mang các đặc điểm gắn với nghề nghiệp, mang tính thần bí, bị chi phối bởi yếu tố vùng, miền và dân tộc. So sánh với những khái niệm vừa nêu thì ở Bến Tre có đầy đủ các loại hình tín ngưỡng như đã phân tích. Hiện nay, ngoài khái niệm tín ngưỡng người ta thường nhắc đến văn hóa tín ngưỡng. Tức là tín ngưỡng không chỉ tồn tại độc lập mà còn tích hợp các giá trị văn hóa có liên quan như: cơ sở thờ tự, lễ hội, diễn xướng nghệ thuật…

Các hình thức tín ngưỡng

Theo các nhà nghiên cứu, có rất nhiều cách phân chia các hình thức tín ngưỡng, dựa vào tính chất và quy mô của chủ thể tín ngưỡng. Trong phạm vi bài viết này, người viết chọn cách phân chia hình thức tín ngưỡng ở Bến Tre thành 3 phần, gồm tín ngưỡng trong gia đình, tín ngưỡng cộng đồng, tín ngưỡng khác. Tín ngưỡng trong gia đình có tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vị gia thần. Tín ngưỡng cộng đồng gồm thờ thần, thờ mẫu, thờ cá Ông. Tín ngưỡng khác gồm thờ Quốc tổ Hùng Vương, thờ tổ nghề, thờ danh nhân - anh hùng liệt sĩ.

Tục thờ cúng tổ tiên là một tập quán truyền thống tốt đẹp, đã tồn tại lâu đời, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Ở Bến Tre, tục thờ cúng tổ tiên hiện hữu ở các gia đình người Việt từ nông thôn đến thành thị.

Bàn thờ gia tiên thường được bố trí ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, thường là gian giữa. Đồ thờ tự bày trên bàn thờ tùy vào điều kiện của gia chủ để phối thờ cho đầy đủ. Đó là, chiếc tủ thờ thường là tủ thờ Gò Công, có 9 trụ, 11 trụ, càng nhiều trụ thể hiện độ hoành tráng của chiếc tủ. Phía trước mặt tủ cẩn ốc xà cừ với các điển tích như: Bách tiên kỳ thú, Nhị thập tứ hiếu, Bát tiên quá hải, Long phụng quần hào. Phía sau tủ thờ là đặt chiếc giường thờ, ngày nay thay bằng chiếc bàn nhỏ để đặt bài vị hoặc hình thờ và phẩm vật dâng cúng. Phía trên giường thờ là tranh kiếng hoặc tranh sơn thủy vẽ phong cảnh và bức hoành phi, câu đối. Phần trên tủ thờ, ở phía ngoài, hai bên đặt cặp chân đèn thau, ở giữa là lư hương. Phần phía trong, ở giữa đặt lư đồng, hai bên là bình hoa và chiếc chò cao để đặt dĩa trái cây, bố trí theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả”. Còn đối với những nhà bình dân, đôi khi chỉ đơn giản là chiếc bàn hay chiếc ghế nhổ mạ, phía trên đặt lư hương, kèm theo một bình hoa và 3 ly nước nhỏ. Hàng năm, mỗi gia đình đều tổ chức cúng giỗ người quá cố vào đúng ngày mất gọi là kỵ cơm. Ngoài ra, vào những dịp tết hoặc trong nhà có sự kiện trọng đại như đầy tháng, thôi nôi, cưới hỏi… gia đình cũng làm một mâm cúng, thỉnh ông bà, tổ tiên về chứng giám, phù hộ cho gia đình bình an, mạnh khỏe.

Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, đa số các gia đình ở Bến Tre còn thờ phụng các vị thần khác, gọi là gia thần. Bàn thờ Đông trù Tư mệnh Thiên phủ thần quân, tục gọi ông Táo được đặt ngay gần bếp, thường là tran thờ hoặc kệ nhỏ, bên trên có đặt 3 ly nước nhỏ, bài vị, lư hương và một dĩa nhỏ để cúng bánh trái. Hàng năm, mỗi gia đình ở Bến Tre đều tổ chức lễ cúng đưa ông Táo về trời ngày 23 và rước ông Táo về vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp.

Một số gia đình làm ăn, buôn bán, ngoài thờ ông Táo còn có tran thờ Thần tài - Ông địa đặt dưới đất, trong một góc nhà hoặc hàng quán, hướng ra cửa lớn. Hàng ngày, trước khi mua bán, họ thường đốt nhang, dâng cúng phẩm vật, cầu mua may bán đắt. Đồ cúng không có gì cầu kỳ, chỉ là nải chuối, dĩa bánh… đôi khi chỉ là điếu thuốc và ly cà phê. Hàng tháng, vào ngày 16 và mùng 2 âm lịch thì bày mâm cúng phía trước nhà để cúng cô hồn, các đảng; vật phẩm bỏ hết ngoài sân không đem vào nhà nên gọi là cúng thí. Mục đích của việc cúng thí để các cô hồn không người phụng thờ được nhang khói, thụ hưởng lễ vật, không quấy phá việc làm ăn. Đối với những hộ làm nông, có chăn nuôi thì trước khi dựng chuồng hoặc sau khi hết Tết, thường có mâm cúng ông Chuồng, bà Chuồng để cầu cho vật nuôi mạnh khỏe, mau lớn, sớm xuất chuồng.

Bên cạnh đó, không ít các gia đình ở Bến Tre còn thờ vị thần bổn mạng của gia chủ. Đàn ông thường thờ Quan Thánh đế quân (tín ngưỡng của người Hoa nhập vào Việt Nam), Tử vi đại đế và phụ nữ thì tùy can chi của tuổi mà có thể thờ một trong các vị nữ thần, như: Bà Chúa tiên - Chúa ngọc, Bà Cửu thiên huyền nữ, Phật Bà Quan Âm… Tran thờ thường đặt trên cửa buồng, chỗ ra vô giữa nhà trước và nhà sau, theo nguyên tắc “Nam tả, nữ hữu”. Đặc biệt, trước đây hầu hết các ngôi nhà ở vùng quê Bến Tre, phía trước sân đều có đặt bàn thờ thông thiên (có nơi gọi là bàn vọng thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà). Vào những ngày sóc vọng (mùng 1 và 15) hàng tháng thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và dĩa trái cây. Hàng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), cầu mong sự phù hộ cho người thân và gia đình mình.

(còn tiếp)

Thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích