Đưa lễ hội vào đời sống cộng đồng

27/01/2019 - 06:26

BDK - Những năm gần đây, đội văn nghệ của tỉnh thường có chuyến “xuất ngoại”. Đây là cơ hội để đội văn nghệ tỉnh nhà giới thiệu văn hóa của quê hương đất nước đến cộng đồng quốc tế. Đồng thời là dịp để những người làm công tác văn hóa tiếp thu, học hỏi những điều hay từ nước bạn để vận dụng hiệu quả vào lĩnh vực mình phụ trách.

Đội văn nghệ của tỉnh phục vụ gian hàng quốc gia chủ đề “Thành phố đẹp” tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 15. Ảnh: TTVH tỉnh

Đội văn nghệ của tỉnh phục vụ gian hàng quốc gia chủ đề “Thành phố đẹp” tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 15. Ảnh: TTVH tỉnh

Trong không khí khắp nơi tràn ngập sắc xuân, thật thú vị khi được chia sẻ câu chuyện văn hóa đầu năm cùng chị Trần Thị Kiều Tôn - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đã góp mặt trong 2 chuyến lưu diễn ở nước ngoài.

* Chuyến đi Trung Quốc biểu diễn có gì khác biệt so với chuyến đi Romania cách đây 2 năm (tháng 8-2016), thưa chị?

- Cả hai chuyến đều là đi biểu diễn văn nghệ, có thành lập đoàn, đội với thành phần chủ yếu là anh chị em ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, có sự đầu tư, chuẩn bị chương trình với các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng để giới thiệu đến bạn bè thế giới. 

Năm 2018, đội văn nghệ của tỉnh (gồm 10 thành viên) đến tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để phục vụ cho gian hàng quốc gia chủ đề “Thành phố đẹp” tại Hội chợ Trung Quốc ASEAN lần thứ 15 (CAEXPO 2018). Còn 2 năm trước, đoàn văn nghệ đến Romania (tỉnh Tulcea) để giao lưu văn hóa với cộng đồng những quốc gia đến từ các châu lục khác nhau trên thế giới trong khuôn khổ Lễ hội Con Cá Vàng (Golden Fish Festival). 

* Đoàn biểu diễn văn nghệ đã để lại dấu ấn gì tại mỗi nơi đến?

- Chương trình biểu diễn phần lớn là các tiết mục múa, động tác và trang phục, đạo cụ góp phần mang đến những hình ảnh vui chơi, sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất của người Bến Tre và một số vùng miền của đất nước. Ở Trung Quốc, đội đã tạo được sự chú ý thu hút đông đảo khách đến tham quan gian hàng; còn ở Romania, đội tạo được sự hứng khởi theo dõi của khán giả vì các tiết mục biểu diễn mang lại sự độc đáo của văn hóa người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cả hai chuyến đi, đội đều hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của từng chương trình.

* Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình qua mỗi chuyến đi?

- Cả hai chuyến đi đều cho tôi và các thành viên trong đội biểu diễn văn nghệ cảm xúc dạt dào. Thật hạnh phúc khi thấy các tiết mục biểu diễn của đội nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của bạn bè quốc tế. Ở Romania, chúng tôi nhận được những tràng pháo tay kéo dài, hò reo đầy phấn khích của cộng đồng dân cư ở đó và bạn bè khắp nơi. Vì theo chia sẻ của họ, các tiết mục của Việt Nam đều rất lạ, rất đẹp mắt (từ điệu múa đến trang phục). Còn ở hội chợ Trung Quốc, niềm vui lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy rất đông khách đến xem và cổ vũ, tham quan gian hàng khi đội văn nghệ biểu diễn. Họ hào hứng chụp hình lưu niệm với “diễn viên”, với những đạo cụ, nhạc cụ mang theo: trống, đờn, trái dừa, nón lá, khăn rằn. Nhiều khách tham quan còn thích thú hỏi về cách trồng dừa hay tham gia làm một số động tác múa như lật mâm, gõ trống…

* Riêng chị đã học được điều gì sau 2 chuyến đi và vận dụng như thế nào trong công tác?

- Đến Romania, tôi và các anh chị em trong đội thích thú và ấn tượng với cách tổ chức lễ hội. Hầu như mọi hoạt động đều có sự tham gia của công chúng, ở đó giữa diễn viên và người thụ hưởng là công chúng không có khoảng cách. Lễ hội tiết giảm tối đa các nghi thức mà dành nhiều thời gian, không gian cho công chúng. Còn công chúng, họ luôn có sự cộng hưởng, sôi nổi hòa nhập vào các hoạt động văn hóa không chỉ của nước mình và của các quốc gia khác. 

Trong chuyến đi Trung Quốc, chỉ có 1 buổi dạo ở công viên gần nơi ở, tôi ấn tượng những nhóm người cao tuổi ngồi an nhiên chơi cờ, tập thể dục dưỡng sinh, kể cả chơi bài… Cảm giác về sự gần gũi, thân thiện gắn bó giữa những người trong cộng đồng được thể hiện rõ rệt ở nơi công cộng.

Từ đó, chúng tôi đều cố gắng vận dụng những điều hay học được từ chuyến đi vào công việc của mình. Trong phạm vi hoạt động của ngành, tôi luôn mong muốn hướng hoạt động văn hóa đến cộng đồng dân cư. Thực tế thời gian qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã làm được điều này. Các bạn đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa ở khu dân cư, tạo không gian mở, sân chơi để người dân tham gia sinh hoạt, nhất là giới trẻ như tổ chức hội thi khiêu vũ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhạc sống, nhạc cụ ở công viên Đồng Khởi, Hùng Vương; năm 2019, sẽ tiếp tục tổ chức ở công viên Cái Cối kết hợp với hoạt động trưng bày giới thiệu sách và một số hoạt động liên quan.

Việc vận dụng còn được thể hiện ở vai trò tham mưu đề xuất tiết giảm một số nghi thức trong công tác tổ chức và trong xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ cho lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long và Đại hội Thể dục thể thao tỉnh năm 2018.

* Năm 2019, dự kiến tỉnh tổ chức Lễ hội Dừa lần 5. ngành văn hóa đã tham mưu, đề xuất gì để đây thật sự là ngày hội của người dân?

- Lễ hội cần phải hướng đến sự thụ hưởng, cộng hưởng của người dân. Tại Lễ hội Dừa lần thứ 4 (năm 2015), lãnh đạo tỉnh chủ trương đưa lễ hội vào hoạt động của cộng đồng dân cư nên mới có “Vui hội làng dừa” rộn ràng khắp các xã. Đây là lần đầu tiên người dân thật sự được hòa mình vào lễ hội lớn của tỉnh. Trong lễ hội năm nay sẽ tiếp tục được duy trì.

Trong Lễ hội Dừa lần 5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức những hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng và đề án đã được phê duyệt. Đó là tổ chức phố đi bộ, sẽ có nhiều hoạt động mang tính cộng đồng cao, có sự tương tác của người dân thông qua việc tổ chức và tham gia trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ dân gian, truyền thống cho đến hiện đại.

* Xin cảm ơn chị dành cho Báo Đồng Khởi cuộc trò chuyện đầu xuân!

Nhất Tâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN