Đưa nhạc sống vào nền nếp, bài cuối: Đừng như “ném đá ao bèo”

15/03/2019 - 08:20

BDK - Vụ án xảy ra tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm ngày 3-3-2019 như là giọt nước tràn ly, để xã hội nghiêm túc nhìn lại những hệ lụy của vấn nạn nhạc sống. Phải làm gì và làm như thế nào để nhạc sống không còn là nỗi bức xúc của cộng đồng, trả lại cho “nhạc sống” đúng nghĩa là một loại hình văn nghệ quần chúng, giải trí cộng đồng. Cần có cơ quan đứng ra nhận trách nhiệm chính về vấn đề này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan. Không thể khi sự việc xảy ra, thì né tránh, đùn đẩy nhau...

UBND huyện Giồng Trôm triển khai các văn bản quy định và xử lý âm thanh trong nhạc sống. Ảnh: Cẩm Trúc

UBND huyện Giồng Trôm triển khai các văn bản quy định và xử lý âm thanh trong nhạc sống. Ảnh: Cẩm Trúc

Vai trò của chính quyền cơ sở

Đại diện cho ngành văn hóa nêu lên những giải pháp để đưa nhạc sống đi vào nền nếp, bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần nâng cao hơn vai trò của chính quyền cấp cơ sở, vì đây là cấp trực tiếp, sâu sát địa phương. “Cần giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương, củng cố đội kiểm tra liên ngành 814 - 178 cấp xã, phường kiểm tra, quản lý sâu sát, kịp thời xử lý”, ông Lê Văn Đáo - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đồng quan điểm. Cũng theo ông Đáo, có thể dùng ngân sách để trang bị thiết bị đo cường độ âm thanh cho xã, phường, thị trấn để đo độ ồn, tổ chức tập huấn cho cán bộ biết cách sử dụng thiết bị.

Đối với vướng mắc về việc cấp xã hiện chưa đủ thẩm quyền xử phạt thì có thể điều chỉnh quy định cũng như thành lập đội kiểm tra chuyên ngành cấp xã được cung cấp đầy đủ thiết bị, cũng như có thẩm quyền xử phạt. Tùy mức độ vi phạm mà chủ tịch UBND xã sẽ ký quyết định xử phạt theo luật xử lý vi phạm hành chính, nếu vượt quá mức xử phạt thì có thể đề nghị cấp trên ra quyết định xử phạt theo đúng quy định. Bà Võ Thị Kiều Chinh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giồng Trôm cho biết: Dự kiến đến cuối năm 2019, sau khi Trung tâm Quan trắc môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường được cấp chứng chỉ đo tiếng ồn và độ rung, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ kịp thời liên hệ với Trung tâm để làm cơ sở xử lý hành chính.

Theo ý kiến của một số người dân, khi tổ chức, phân công đơn vị xử lý vụ việc này ở cấp xã, phường thì cũng cần công bố cho dân biết, kèm theo số điện thoại đường dây nóng để có thể phản ánh đúng ngay người đó. Bạn đọc Pham Van Hoang đã có ý kiến trên Đồng Khởi Online: “Theo tôi, nếu ai có nhu cầu chơi nhạc sống, phải đăng ký với UBND xã chấp thuận với lý do cụ thể, cũng như chơi với mức cho phép, đảm bảo thời gian cụ thể, tránh tình trạng chơi nhạc sống tràn lan như hiện nay, làm ảnh hưởng con em không thể học bài được, cũng như gây mâu thuẫn cãi nhau, làm mất an ninh trật tự trong ngõ hẻm, thôn xóm”. 

Tuyên truyền và nêu gương

Cùng với việc nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền cũng được xác định là cần phải được chú trọng tăng cường mạnh mẽ hơn. Ông Lê Văn Đáo đề xuất: “Không thể chỉ nói về những quy định cứng nhắc mà còn phải tuyên truyền nhiều hơn về tác hại, hệ lụy của nhạc sống. Thay đổi nhận thức mới là căn cơ để thay đổi hành vi”. Thượng tá Nguyễn Văn Chót - Phó trưởng Công an huyện Giồng Trôm cho rằng: “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức ngay tại các cuộc họp với dân, đặc biệt là cuộc họp tổ nhân dân tự quản. Có thể tuyên truyền tại nhà đối với riêng mỗi đối tượng, hộ gia đình thường xuyên tham gia nhạc sống, karaoke. Cách khác, chọn những người có uy tín, “tiếng nói mạnh” tại tổ, ấp để tham gia tuyên truyền, vận động, cảm hóa đối tượng nhằm từng bước chuyển đổi hành vi của người dân”.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ các đoàn thể cũng cần chung tay đấu tranh chống lại các biểu hiện thiếu văn hóa của nhạc sống. Đã có rất nhiều phong trào, hoạt động thành công nhờ vào vai trò của đoàn thể, ví dụ như hội phụ nữ các cấp đã phát triển được phong trào “Xách giỏ đi chợ”, “Nói không với túi nylon”. Đoàn thanh niên cũng xung kích trong các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, vì môi trường. Hội Cựu chiến binh có các phong trào như “5+1”… Vậy nên chăng cũng cần có những phong trào xem hành vi “chơi nhạc gây ồn” là hành vi thiếu văn minh để nhắc nhở cộng đồng cùng khắc phục.

Bà Trần Thị Kiều Tôn cho biết, ngành văn hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ở khu dân cư bằng việc xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, mang tính giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng tình làng nghĩa xóm.

Ý thức tự giác của người dân

Sau vụ việc đau lòng tại xã Lương Hòa, trên mạng xã hội, tài khoản L.T.K cũng nêu ý kiến rằng: “Vui chơi giải trí là nhu cầu thiết yếu của con người, nếu có nhiều loại hình giải trí thì tự nhiên sẽ giảm lại karaoke thôi. Vấn đề ở đây không phải cấm hay giảm karaoke hay bất kỳ hình thức vui chơi giải trí lành mạnh nào, mà là ý thức và cách hành xử của mỗi người trong vui chơi giải trí”. Một ý kiến khác cũng đồng tình rằng: “Nếu vui chơi nhưng có văn hóa thì sẽ không ảnh hưởng đến ai”.

Vấn đề đặt ra là hành xử của mỗi cá nhân trước vấn nạn nhạc sống liệu đã thật sự phù hợp? Mỗi cá nhân đã mạnh dạn tham gia góp ý, phản ánh vụ việc, cũng như nêu gương chưa? Hay hầu hết mỗi người vẫn còn thờ ơ, chịu đựng trước tiếng ồn và chấp nhận như đấy là một hành vi “bình thường”, để “một câu nhịn, chín câu lành”? 

Mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác trong sử dụng các thiết bị âm thanh, vui có chừng, dừng đúng lúc, vui mình nhưng phải tôn trọng cộng đồng. Thiết nghĩ, xã hội cần phải xem hành vi chơi nhạc với âm lượng lớn là hành vi thiếu văn hóa, văn minh để cộng đồng cùng chấn chỉnh lại cho tốt hơn.

“Sức mạnh của tập thể, của cộng đồng luôn có giá trị. Hãy cùng nhau lên án hành vi gây ồn ảnh hưởng đến người khác. Cùng chung tay đóng góp xây dựng đời sống văn hóa là trách nhiệm của tất cả mọi người”, bà Trần Thị Kiều Tôn nêu ý kiến.

Loạt bài về “Đưa nhạc sống vào nền nếp” trên Báo Đồng Khởi xin được tạm khép ở đây. Công việc chấn chỉnh, giải quyết những hệ lụy phát sinh từ loại hình giải trí này vẫn đang được các nhà quản lý tiếp tục thực hiện. Nhà triết học Hegel có câu, đại ý “Cái gì tồn tại thì hợp lý”. Nhạc sống ra đời, tồn tại và phát triển, trở nên phổ biến trong đời sống dân cư bởi nó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân.

Không phải khi có vụ việc đau lòng xảy ra, mọi người mới giật mình, cùng nhau luận bàn về mặt tích cực và tiêu cực của nó. Thực tế, sự cảnh báo đã được cộng đồng gióng lên từ lâu và đã có nhiều quy định, giải pháp để xử lý. Do sự “phức tạp” nên không ai chịu nhận về ngành mình, mặc “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, còn nhạc sống thì ngày càng tràn lan.

Tất nhiên, việc đưa loại hình giải trí này vào nền nếp ắt lắm nhiêu khê, bởi không thể ngày một, ngày hai có thể dễ dàng thay đổi từ “thói hư tật xấu” trở nên nết na, phẩm hạnh. Nếu những câu từ đẹp đẽ vẫn cứ thao thao bất tuyệt ở các diễn đàn. Nếu những giải pháp trên các tờ A4 dù có hay đến đâu vẫn cứ chuyền tay nhau để nghiên cứu, tham khảo... Quan trọng hơn là nếu những người có trách nhiệm không thật sự bắt tay vào hành động với tinh thần, quyết tâm cao, thì nhạc sống vẫn cứ như cây đời, xanh tươi theo cách không kiểm soát được. Khi đó, những hệ lụy mang lại sẽ khó lường hơn.

K.P

Cẩm Trúc - Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN