Duy trì mức sinh thấp hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh

15/11/2019 - 18:30

BDK - Sau nhiều năm kiên trì đẩy mạnh thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), mức sinh của tỉnh đã liên tục được kéo giảm. Theo số liệu của Tổng cục Dân số (DS) - KHHGĐ, năm 2013, tổng tỷ suất sinh của tỉnh đã xuống mức thấp dưới 1,6 con/phụ nữ. Bến Tre được xếp vào nhóm tỉnh có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Tuyên truyền lưu động về công tác dân số trong tình hình mới. Ảnh: H.Oanh

Tuyên truyền lưu động về công tác dân số trong tình hình mới. Ảnh: H.Oanh

Việc mức sinh của tỉnh xuống thấp dưới mức sinh thay thế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Từ năm 2013, mức sinh của tỉnh mặc dù đã giảm xuống mức thấp nhưng liên tục từ năm 2013 - 2015, Trung ương đã chậm điều chỉnh việc giao chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh cho tỉnh. Việc giao chỉ tiêu giảm sinh trực tiếp đưa mức sinh của tỉnh xuống thấp hơn. Hệ quả là mức sinh của tỉnh giảm sâu hơn theo từng năm.

Công tác truyền thông chậm thay đổi thông điệp cho phù hợp tình hình thực tế cũng là nguyên nhân góp phần làm cho mức sinh giảm mạnh. Trong một thời gian dài, đội ngũ cán bộ truyền thông DS vẫn duy trì thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên có từ 1 đến 2 con”, mặc dù thực tế nó đã không còn phù hợp.

Xu hướng nam nữ thanh niên kết hôn muộn, sinh con muộn và cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh ít con ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của tỉnh năm 2014, tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ kết hôn từ 3 năm trở lên chưa sinh con và đã có 1 con từ 3 tuổi trở lên chưa sinh con thứ 2 chiếm gần 23% so với số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Trong những năm qua, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh có chiều hướng tăng nhẹ khi dao động ở mức 107 - 108 bé trai/100 bé gái. Thực trạng trên do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong trong không ít gia đình. Tâm lý có con trai để nối dõi tông đường chưa được xóa bỏ hoàn toàn trong tâm thức người dân.

Chính sách DS hiện nay đang hướng đến quy mô gia đình ít con. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Không khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên (trừ các trường hợp được pháp luật quy định). Điều này đã gián tiếp góp phần tạo nên áp lực cho việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Cùng với tiến bộ trong y học, việc lạm dụng các kỹ thuật có liên quan đến chẩn đoán trước, trong và sau sinh để phục vụ cho mong muốn có con trai của nhiều cặp vợ chồng đã góp phần làm cho vấn đề càng thêm trầm trọng. Cán bộ y tế làm công tác thanh tra còn thiếu về nhân lực và chưa có nhiều kinh nghiệm thanh tra trong lĩnh vực nhạy cảm này. Việc thu thập chứng cứ để xử lý hành vi chẩn đoán giới tính và can thiệp loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính còn là một vấn đề thách thức.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp và tỷ số giới tính khi sinh có dấu hiệu mất cân bằng ngày càng nghiêm trọng, Chi cục DS - KHHGĐ đã triển khai các giải pháp trên lĩnh vực truyền thông như sau:

Phát huy tối đa hiệu quả các mô hình truyền thông trực tiếp. Nội dung chuyển từ chính sách KHHGĐ sang DS và phát triển, tập trung vận động mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh cho đủ 2 con và không thực hiện việc lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức. Truyền thông có trọng tâm, trọng điểm và tập trung ưu tiên các nhóm đối tượng là những cặp vợ chồng đã kết hôn sau 3 năm mà chưa sinh con và cặp vợ chồng đã có 1 con từ 3 tuổi trở lên có đủ điều kiện mà chưa sinh con thứ 2.

Tăng cường huy động sự tham gia của ban ngành, đoàn thể các cấp trong việc triển khai các hoạt động truyền thông thực hiện Đề án duy trì mức sinh thấp hợp lý giai đoạn 2015 - 2020 và kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2020.

Tổ chức biên soạn các tài liệu truyền thông đảm bảo theo nội dung thông điệp mới, phù hợp với đặc thù và nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Đồng thời, cung cấp các tài liệu dưới dạng tờ rơi cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng nhằm giúp họ có điều kiện cập nhật kịp thời về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS.

Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN