Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Mỏ Cày Bắc và Ba Tri

30/09/2019 - 19:02

BDK.VN - Sáng 30-9-2019, đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em (XHTE) do bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại huyện Mỏ Cày Bắc.

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Mỏ Cày Bắc

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Mỏ Cày Bắc.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre, Phó trưởng Ban Văn hóa -  Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng, đại diện Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Hội Nạn nhân chất độc da cam cùng tham dự. 

Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Trung Nghiệp cùng đại diện các ngành, đoàn thể huyện đã tiếp và làm việc với đoàn giám sát.

Huyện Mỏ Cày Bắc hiện có 21,8 ngàn trẻ em, trong đó có 10,6 ngàn trẻ em nữ.

Thời gian qua, các ngành, đoàn thể huyện luôn quan tâm, chăm sóc trẻ em dưới nhiều hình thức. Huyện ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo công tác phòng chống XHTE. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng chống XHTE được tăng cường.

Các ngành chức năng đã tham mưu UBND huyện thực hiện nhiều mặt công tác: xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống XHTE; giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em về phòng chống XHTE; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo tố giác, nguy cơ và hành vi XHTE; khám, chữa bệnh đối với trẻ em bị xâm hại; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng chống XHTE; xử lý đối với hành vi XHTE.

Tuy nhiên, địa bàn huyện hiện còn 246 trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được tới trường. Số lượng trẻ em có cha mẹ ly hôn nhiều (hơn 1,5 ngàn trẻ). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm số lượng cao (145 em).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện đã xảy ra 6 trường hợp XHTE (4 trường hợp hiếp dâm, 2 trường hợp giao cấu với trẻ em). Hiện cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can; đã xét xử 2 trường hợp.

Đại diện các ngành chức năng đã nêu những khó khăn trong hoạt động bảo vệ trẻ em như: thiếu kinh phí; đội ngũ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đa số là kiêm nhiệm nên hiệu quả công tác chưa cao; công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể huyện còn chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ.  

Đoàn giám sát đã thảo luận nhiều vấn đề quan tâm: tình trạng trẻ em không được tới trường, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giải pháp hiệu quả trong trong phòng, chống XHTE; công tác bảo vệ, ngăn chặn hành vi ngăn chặn XHTE tại địa phương…

Thay mặt đoàn giám sát, bà Trần Thị Thanh Lam ghi nhận những kiến nghị của đại biểu. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, ngành chức năng huyện cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Huyện cần tăng cường công tác điều hành, theo dõi sát hơn, nhất là lập cơ sở dữ liệu về trẻ em để công tác bảo vệ, phòng chống XHTE đạt hiệu quả cao hơn.

Theo kế hoạch, chiều 30-9-2019, đoàn giám sát sẽ tiến hành làm việc với UBND huyện Ba Tri.

Sáng 1-10-2019, đoàn giám sát sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE.

* Chiều cùng ngày, Đoàn cũng đã làm việc với UBND huyện Ba Tri về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Tân

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc tại Ba Tri. Ảnh: Văn Tân

Trên địa bàn huyện có 44.252 trẻ em; trong đó có 110 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Số trẻ sống trong gia đình ly hôn là 467 trẻ. Số trẻ bị xâm hại 338 trẻ; trong đó, bạo lực học đường về tinh thần 105 trẻ, bạo lực gia đình về tinh thần 225 trẻ, xâm hại tình dục 8 trẻ.

Thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể huyện quan tâm phối hợp tuyên truyền các chính sách, pháp luật về trẻ em, tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng. Một số địa phương chủ động phối hợp với MTTQ và các đoàn thể gắn vào các hoạt động, động viên nhân dân thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, thị trấn phù hợp trẻ em, không có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Công tác kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về phòng, chống xâm hại trẻ em; công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác khởi tố, điều tra tội phạm về xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đúng với quy định của pháp luật. Trong 8 vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện, cơ quan chức năng đã khởi tố truy tố, đưa ra xét xử 7 đối tượng, đưa vào trường giáo dưỡng 1 đối tượng. Công tác can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại được thực hiện tốt, 100% số trẻ em bị xâm hại đều được can thiệp theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Thanh Lam - Trưởng Đoàn giám sát đã đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện thời gian qua. Đồng thời, đề nghị huyện rà soát thống nhất các số liệu có liên quan, nhất là số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục giữa các cơ quan UBND huyện, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án huyện. Bổ sung các kiến nghị cụ thể về xây dựng pháp luật, cần sửa đổi, bổ sung các điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật nào để giải quyết các bất cập, vướng mắc trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em hiện nay.

"Huyện cần tập trung hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành trong bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về trẻ em; tuyên truyền các chính sách, pháp luật về trẻ em; công tác xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh cho trẻ em; kịp thời hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị xâm hại; tập trung xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em đúng theo quy định của pháp luật" - bà Trần Thị Thanh Lam nhấn mạnh.

H. Đức - Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN