Mai vàng trước ngõ

20/01/2020 - 15:20

BDK - Hàng năm, cứ vào 28 - 29 Tết, tôi cùng gia đình về quê cúng ông bà. Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, những cánh hoa mai đua nhau khoe sắc. Hoa mai không chỉ để trang trí cho đẹp trong nhà, mà còn mang biểu trưng nét đẹp văn hóa, những lời chúc an lành, hạnh phúc nhân dịp đầu năm mới.

Hoa mai nở rực trước sân nhà một người dân xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. ảnh: Quốc Thi

Hoa mai nở rực trước sân nhà một người dân xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Quốc Thi

Mỗi loài hoa có một hương sắc riêng, góp phần tạo nên vẻ đẹp rạng rỡ khi mùa xuân về. So với những loài hoa khác, hoa mai không ngạt ngào sắc hương nhưng đặc tính sống của loài cây này biểu trưng cho những đức tính tốt đẹp của con người. Cây mai là hình ảnh ẩn dụ cho sức sống và trí tuệ của con người Việt Nam. Ngay từ tên gọi “mai” đã biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng. Vì thế, hoa mai là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của người Việt ở Nam Bộ vào dịp Tết. Mọi người thường chọn một nhành mai để chưng Tết, riêng những ai có điều kiện thì “rinh” hẳn cây mai về trang trí trong nhà, xu hướng này khá phổ biến hiện nay. Trong những ngày Tết, các phong bao lì xì đỏ cũng được treo đầy trên cây mai. Con cháu trong gia đình hay khách đến thăm viếng, sau khi thắp nhang tổ tiên, mừng tuổi “ông bà” sẽ tự tay lấy bao lì xì để hái lộc đầu năm.  

Người miền Nam có thói quen trồng mai trước nhà, nhất là ở nông thôn. Du xuân vùng nông thôn vào ngày Tết sẽ thấy dọc dài hai bên đường về các xã của huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri là hình ảnh những cây mai trước sân nhà khoe sắc vàng rực rỡ. Nhà trồng ít nhất 1 cây, nhà có sân rộng thì trồng 5 - 6 cây, thậm chí nhiều hơn, được bố trí từ sân vườn ra trước ngõ; có cây được trồng trực tiếp dưới đất, có cây trồng trong chậu, có cây tuổi đời còn rất trẻ, nhưng cũng có cây đã rất lâu năm. Những cội mai già cứ tồn tại trước ngõ từ năm này qua năm khác như là “chứng nhân” lịch sử gắn với một gia đình, một dòng họ. Ðó còn là “tài sản” quý báu, mang giá trị kỷ niệm mà các bậc tiền nhân đã vun trồng, góp phần giáo dục truyền thống gia đình. 

Chị Lê Thị Nga, xã Tân Thủy (Ba Tri) cho biết: “Trước sân nhà ngoại tôi có 2 cây mai trên 30 tuổi. Nhờ ngoại nuôi dưỡng rất chu đáo nên năm nào cây mai cũng nở đầy bông. Ðã có nhiều người buôn mai đến hỏi mua, ngả giá mấy chục triệu đồng/cây, nhưng ngoại tôi nhất quyết không bán. Ngoại nói, trồng mai chủ yếu là để đem lại sự may mắn, bình an cho con cháu”.

Thạc sĩ Văn hóa học Bùi Hữu Nghĩa cho biết: Tập quán trồng mai trước cửa nhà đã tồn tại lâu đời, bởi cây mai mang nhiều giá trị biểu trưng. Trước hết là thể hiện giá trị về kinh tế. Vào ngày chợ chiều (28 hoặc 29 tháng Chạp), một số gia đình trồng mai cắt bớt cành cho trẻ con đem ra chợ bán để có ít tiền mua sắm đồ Tết. Việc trồng mai trước cửa nhà còn thể hiện một nét đẹp văn hóa. Cây mai gắn bó với làng quê ruộng vườn xứ sở, gắn bó với con người từ lúc tổ tiên khai đất lập làng để sinh sống. Cây mai chịu đựng gió mưa, lụt bão để có thể nở hoa vào dịp Tết, đó là hình ảnh tượng trưng cho người dân Việt vượt mọi gian khó để gìn giữ quê hương nòi giống và sống đời có ý nghĩa.

“Những gia đình neo người hoặc trồng nhiều mai, không thể lặt lá kịp thì bà con lối xóm cùng nhau phụ giúp. Khi mai nở hoa, người ta cùng biếu nhau cành mai để chưng Tết, chia sẻ sự may mắn trong năm. Ðiều này thể hiện tính cố kết cộng đồng sâu sắc, để không khí xuân cùng lan tỏa khắp mọi nhà” - Thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa cho biết thêm.

Mai trồng trước ngõ thường có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là mai vàng, bởi dễ sống, không kén đất. Tuy nhiên, do đặc tính của mai là một năm chỉ ra hoa một lần nên tốn nhiều thời gian, công sức để chăm sóc. Thời tiết, khí hậu là một trong những yếu tố chính làm ảnh hưởng đến sự phân hóa mầm hoa và ra hoa của cây mai, chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng có thể khiến cây ra hoa sớm hoặc trễ hơn so với dự kiến. Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng mai, để có một cây mai nở đúng thời điểm, đòi hỏi người trồng tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm sóc tỉ mẩn suốt cả năm chứ không chỉ trong mấy ngày cận Tết.

Chị Nguyễn Thị Diễm, xã An Thạnh (Mỏ Cày Nam), cho biết, chị làm việc ở TP. Bến Tre. Nhà ở quê có 3 cây mai vàng khoảng 30 năm tuổi. Do cha mẹ chị già yếu nên khoảng rằm tháng Chạp là chị phải chạy về lặt lá mai. Ðó là gia tài của bà ngoại để lại cho mẹ chị. Mẹ chị thường nói, Tết đến, mẹ chị không cần gì ngoài trông cho cây mai nở đầy bông, con cháu đông đủ quây quần chụp hình lưu niệm. Tết như vậy là ấm áp, là đoàn viên rồi. “Trước Tết vài ngày, hoa mai đã lác đác nở. Sáng mùng Một, mai nở rộ hơn, tạo màu sắc vàng tươi khắp vườn, trông rất đẹp! Sắc mai vàng làm cho không khí đón xuân vui tươi và tràn ngập hơn. Mọi người trong gia đình tôi thường quây quần bên cây mai chụp hình lưu niệm, chúc nhau nhiều may mắn” - chị Diễm chia sẻ. 

Tết đến, những cánh mai vàng rực rỡ càng làm cho không khí đón xuân thêm rộn ràng, lan tỏa khắp mọi nhà. Hoa mai có hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. Những lời chúc tốt đẹp cho năm mới sẽ ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn khi có bóng dáng hoa mai làm điểm nhấn.

Nhất Tâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN