Nghĩa tình buổi họp mặt truyền thống cán bộ Tuyên huấn Khu 8

29/08/2019 - 13:06

BDK.VN - Tại buổi họp mặt truyền thống cán bộ Tuyên huấn Khu 8 (Trung Nam bộ), điều mà chúng tôi có thể cảm nhận được đó là không khí ấm cúng, tình đồng chí, đồng đội gắn kết keo sơn, tình yêu thương của những người từng đồng cam cộng khổ và vào sinh ra tử. Trong không khí ấm cúng đó, những câu chuyện của các chiến sĩ bước vào độ tuổi mười tám đôi mươi năm xưa với quyết tâm chiến đấu để giành lấy độc lập là những thước phim đầy oai hùng tái hiện về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cùng cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu 8 tại buổi họp mặt.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cùng cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu 8 tại buổi họp mặt.

Hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên giáo Khu 8 chính thức được thành lập, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, Tuyên huấn Khu 8 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tại Bến Tre, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ tỉnh nhà luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương và của Khu ủy Khu 8, trong đó có sự hỗ trợ của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8. Điển hình là trên cơ sở tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Khu ủy Khu 8 về thực hiện Nghị quyết số 15 của Trung ương “lấy súng trong đồn địch mà đánh địch”, từ vũ khí thô sơ, Đảng bộ Bến Tre lãnh đạo nhân dân nhất tề nổi dậy làm nên cuộc Đồng Khởi năm 1960, góp phần thổi bùng ngọn lửa đấu tranh trên khắp chiến trường miền Nam; chuyển cách mạng miền Nam từ phòng ngự sang thế tiến công. Riêng Trường Đảng Trần Phú, thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đào tạo cho Bến Tre hàng nghìn cán bộ sơ cấp, trung cấp chính trị; trong đó có những đồng chí tiêu biểu như: Út Thắng, Ba Thành… Chính nhờ sự chỉ đạo kịp thời, nhạy bén về công tác tuyên huấn của Khu ủy Khu 8, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã vạch trần âm mưu thâm độc của kẻ thù, kiên cường chiến đấu và làm nên những chiến công vô cùng oanh liệt.

Có nhiều cán bộ trung kiên, ưu tú của Bến Tre được điều về công tác tại Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 và nhiều cán bộ được điều về công tác tại các tiểu ban, đoàn văn công, nhà in, thông tấn thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8. Những cán bộ của Bến Tre được điều về công tác tại Ban Tuyên huấn và các tiểu ban thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 đã xông pha khắp chiến trường Khu 8, nhất là những vùng trọng điểm và có nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh như: Thanh Bình, Tám Chánh, Hai Thống, Tám Di, Việt Long…

Sau ngày 30-4-1975, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 giải thể. Hầu hết cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ mới. Nhiều đồng chí là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, có đồng chí là doanh nhân…, tiếp tục lao động, cống hiến trí tuệ và sức lực, góp phần xây dựng, phát triển quê hương.

Những ký ức khó phai

Cuộc đấu tranh giành độc lập, Tuyên huấn Khu 8 đã tham mưu cho Khu ủy làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, phát động toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Ngoài ra, cán bộ Tuyên huấn Khu 8 còn có nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ trực tiếp cho sự chỉ đạo của Khu ủy tại chiến trường trọng điểm, sát cánh cùng lực lượng vũ trang, phát động quần chúng nổi dậy, tấn công địch. Trải qua gian khổ, hy sinh, một số đồng chí bị địch bắt, tù đài, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng, giữ vững khí tiết cách mạng.

Phó ban liên lạc Tuyên huấn Khu 8 tại Bến Tre Nguyễn Chí Trung cho biết: Ban lãnh đạo của Tuyên huấn Khu 8 hiện còn hai đồng chí: Tám Dân và Chí Nhân. Mỗi năm được họp mặt là cơ hội để chúng ta có thể thăm hỏi nhau, nhắc nhớ nhau tình đồng chí, đồng đội sống chết có nhau trên bước đường công tác, trên chiến trường đồng bằng có nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã có không ít đồng đội, đồng chí mãi mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ, như: đồng chí Trần Thị Gấm và các đồng chí ở nhà in Lý Tự Trọng - đó là những tấm gương hy sinh cao cả của Ban Tuyên huấn Khu 8.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ Tuyên huấn Khu 8 đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tham mưu và triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, việc mở các lớp đào tạo cán bộ, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Tuyên huấn Khu 8 đã làm. Qua quá trình đào tạo, có rất nhiều đồng chí trưởng thành, trở thành những họa sĩ giỏi, đóng góp nhiều ý tưởng, nhiều công trình mang ý nghĩa sâu sắc.

Họa sĩ Lê Dân - Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, cựu học viên lớp hội họa đầu tiên của Ban Tuyên huấn Khu 8 chia sẻ: Vào trưa ngày 19-8-1960, tôi được gọi về Bến Tre tham gia Đồng Khởi khi đang học lớp đệ tam ở Sài Gòn. Năm đó tôi vừa tròn 16 tuổi. Trong chuyến đi này, tôi và anh Hồ mua phụ liệu về cho xã in tài liệu. Về tới cầu Bình Chánh, xã Bình Hòa (Giồng Trôm), có người đón, đưa toàn bộ số mực tin, giấy sáp vô ấp giải phóng. Tôi và anh Nhẫn lập công, được Bí thư chi bộ khen và cũngNgọc Nhẫn (người được tổ chức ở xã cử lên Sài Gòn kêu tôi về) được chi bộ xã Bình Hòa giao nhiệm vụ  bị phê bình “liều mạng”. Đó là ngày đầu tiên tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, tham gia phong trào Đồng Khởi. Mấy ngày sau tôi được đặt bí danh là Dân, vì trong tổ in ấn chúng tôi có 4 người và được chi bộ chọn 4 tên: Nhân, Dân, Việt, Nam. Kể từ đó tôi lấy tên Lê Dân hay Bảy Dân. Tháng 10-1961, tôi chính thức được đưa đi học lớp hội họa đầu tiên của T2, thuộc Khu ủy Khu 8 (Trung Nam bộ).

“Đầu tháng 4-1962, lớp hội họa mã khóa, tôi chia tay với anh em các tỉnh cùng các chú để trở về Bến Tre nhận nhiệm vụ mới. Đến nay đã 58 năm, qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau ngày giải phóng 30-4-1975 đến nay, giờ chỉ còn lại một mình tôi sống trên đời. Mười hai anh em học viên và thầy Châu Hồ đã lần lượt hy sinh trên các chiến trường, có người từ trần sau ngày giải phóng miền Nam” - Họa sĩ Lê Dân nhớ lại.

***

20 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc họp mặt Tuyên huấn Khu 8 đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2001, các cán bộ, nhân viên Khu 8 mới gặp được nhau. Dù tuổi đã cao nhưng Ban Liên lạc Tuyên huấn Khu 8 vẫn duy trì họp mặt hàng năm, đó là cái nghĩa, cái tình, cái nhân văn của những người làm công tác Tuyên huấn.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam đã ghi nhận những cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa Khu ủy Khu 8. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và cho rằng có được kết quả khả quan như hôm nay thì ngoài sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân Bến Tre, trong đó có sự tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, quý báu của Trung ương, các tỉnh bạn, bạn bè gần xa và các đồng chí nguyên là cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 cả về vật chất, tình cảm, trí tuệ.

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, họp mặt truyền thống cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 lần này được tổ chức tại Bến Tre là một sự kiện có ý nghĩa tiếp tục khơi dậy tinh thần và truyền thống hào hùng của các thế hệ cán bộ tuyên huấn. Qua đây sẽ vun đắp thêm nghị lực, niềm tin cho một lớp thế hệ kế tục sự nghiệp công tác tư tưởng của Đảng.

Dịp này, Tập đoàn Lộc Trời đã trao tặng 2 căn nhà cho cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu 8 (Nam Trung bộ), mỗi căn trị giá 60 triệu đồng.

Sau buổi họp mặt, các đại biểu đi tham quan, viếng các khu di tích lịch sử ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vào ngày 29-8.

Họp mặt truyền thống cán bộ Tuyên huấn Khu 8 được tổ chức thường niên và luân phiên các tỉnh đăng cai tổ chức. Năm 2020, tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức.

Vào 19 giờ ngày 28-8-2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng với Ban Liên lạc Tuyên huấn Khu 8 - Trung Nam bộ, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức họp mặt Truyền thống cán bộ Tuyên huấn Khu 8 lần thứ XVI - năm 2019. Tham dự có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; Ban liên lạc Tuyên huấn Khu 8 các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh; cùng hơn 400 đại biểu là cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu 8 (Nam Trung bộ).

Bài, ảnh: Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN