Nghĩa tình người dân đối với chiến sĩ, nhà báo cách mạng

19/06/2019 - 14:06

BDK - Trong kháng chiến, đội ngũ cán bộ tuyên huấn cách mạng đã bám sát quần chúng để thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Suốt quá trình hoạt động, những chiến sĩ - nhà báo cách mạng luôn được sự che chở, đùm đọc của người dân. Bằng sự can đảm, mưu trí của mình, họ đã giúp cho các nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, thoát khỏi sự lùng sục, truy bắt gắt gao của quân địch.

Bà Mười Hóa (bên trái) và bà Sáu Tránh.

Bà Mười Hóa (bên trái) và bà Sáu Tránh.

Ông Hai Chơi đuổi địch bằng con vịt xiêm cồ

Cựu nhà báo lão thành Lê Chí Nhân (thường gọi Tư Chí Nhân) kể lại, năm 1967, địch mở nhiều đợt càn quét lớn với lực lượng đông, hỏa lực mạnh. Sau đó, chúng phát hiện Nhà in Chiến Thắng (đặt tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại) và chiếm lấy máy móc, công cụ đem đi.

Lực lượng tuyên huấn của tỉnh đã kiên trì bám trụ quần chúng, vận động mua được máy in mới, chuyển tới xã Tân Hào (nay là xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm). Cán bộ tuyên huấn được bố trí ở tại nhà của nhiều người dân và đã được sự đùm bọc, che chở của quần chúng nhân dân. Trong số những quần chúng tốt bụng này có ông Trần Văn Chơi (thường gọi Hai Chơi, bệnh mất năm 2015, ngụ ấp Linh Lân, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm). Đến giờ, bà Trần  Thị Dầy (Ba Dầy), con gái thứ ba của ông Hai Chơi vẫn còn nhớ việc cha mình đã nhanh trí cứu thoát cán bộ cách mạng khỏi sự truy bắt của quân địch.

Một lần, bọn địch đi càn bất ngờ ập tới nhà. Ông Tư Chí Nhân và đồng đội vội nhảy xuống hầm bí mật. Lúc này, các ông chỉ kịp đậy tấm chiếu để che đậy giấy tờ in ấn còn để trên giường. Khi bọn địch hùng hổ đi vào, ông Hai Chơi làm ra vẻ tự nhiên mời bọn chúng uống nước. Cùng lúc, ông kêu con cháu bắt một con vịt xiêm lớn trói sẵn để trước cửa nhà. Ông niềm nở với tên chỉ huy: “Mấy chú em tới, tui đâu có gì. Thôi thì đem con vịt này về làm tiết canh nhậu chơi. Mà nhớ... kêu tui ra uống vài ly nhen”. Dứt câu, ông Hai Chơi cười hề hề với tụi lính. 

Xách con vịt xiêm cồ béo trên tay, tụi lính cười hô hố rồi rút lui. Khi biết chắc bọn chúng đã đi xa, ông Hai mới kêu cán bộ ra khỏi hầm. Theo bà Ba Dầy, thời điểm này địch càn quét rất dữ, hễ gặp nhà dân nào có liên quan, chứa chấp cách mạng thì chúng bắn bỏ tức thì hoặc bắt đi lưu đày xa xứ. 

Ông Hai Chơi sống thọ được 100 tuổi. Vợ chồng ông có 7 người con, trong đó có người con trai tên Trần Văn Xích là liệt sĩ. Vợ ông là bà Lê Thị Tám, liệt sĩ hy sinh năm 1968. Bà Tám được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 2015.

7 năm trước đây (2012), tôi có dịp ghé nhà ông Hai Chơi, bấy giờ ông đã 97 tuổi. Ông bị lãng tai nhưng vẫn còn minh mẫn. Lần này ghé nhà, tôi không gặp được ông mà chỉ được tiếp chuyện với bà Ba Dầy và thắp cho ông nén hương để tỏ lòng thành kính của mình.

Bà Mười Hóa, bà Sáu Tránh gan dạ, mưu trí

Góa chồng lúc tuổi còn trẻ, bà Phạm Thị Hóa (thường gọi Mười Hóa) nuôi 4 người con bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi. Sau Đồng khởi 1960, bà tham gia công tác phụ nữ ấp và nuôi dưỡng cán bộ làm báo. “Hồi đó, mấy ông bộ đội như Năm Thông, Tư Niên, Hoàng Lê, Sáu Dũng, Phương Đông, Minh Quang, bà Thanh Y, bà Thanh Hải ở tại nhà tôi. Khi không có lính đi càn thì mấy ổng làm việc bình thường, những lúc lính càn thì tránh dưới hầm”, bà Mười Hóa nhớ lại. Hầm trú ẩn được đào xung quanh nhà (gốc rơm, bờ rào, gò mả), mỗi hầm đủ cho hai, ba người ở và được ngụy trang cẩn thận nên địch khó phát hiện.

Nhiều năm gắn bó, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, bà Mười Hóa đã nhiều lần chạm trán với địch đi ruồng bố, bắt bớ. Bà cũng đã nhiều lần nhanh trí giúp cho cán bộ cách mạng thoát hiểm chỉ trong gang tấc. Bà kể: Một sớm mùa mưa năm 1967, tôi cảm thấy bồn chồn trong người nên căn dặn anh em ăn cơm xong, rửa chén đem cất giấu. Sau đó, tôi rảo vòng quanh xem có động tĩnh gì không thì thấy từ xa thấp thoáng một tên lính địch, đầu đội nón sắt. Tôi kịp thời báo động cho anh em xuống hầm. Lát sau thì tụi lính ập tới, chúng hỏi dồn: “Ai mới chạy đây?”. Tôi chống nạnh rồi ra mặt làm dữ: “Có mấy cậu chạy vào đây, chứ ai? Cứ kiếm đi, không có thì tính sao đây?”. Sau một hồi lùng sục, bọn lính không thấy gì nên rút lui. Đêm hôm đó có mưa, trong lúc vội vã chạy đi ẩn nấp anh em đã để lại dấu chân. Rất may, địch không phát hiện gì.

Bà Lê Thị Tránh (Sáu Tránh) ở ấp Giồng Chủ, xã Tân Lợi Thạnh, là cháu của bà Mười Hóa, cũng là người nuôi dưỡng chiến sĩ, nhà báo cách mạng chia sẻ: “Nhà má Mười làm ruộng chứa cả trăm giạ lúa. Mỗi lần đi xay cả bảy, tám giạ để dành mà ăn dần”. Thời điểm này, bà Sáu Tránh thường chèo xuồng đi xay lúa với cựu nhà báo Thanh Hải.

Bà Sáu Tránh kể: “Hễ hôm nào không có lính gác thì chị em tụi tôi chèo xuồng đi bằng đường sông Sơn Đốc. Nếu có, thì chúng tôi đi vòng trong xẻo để tránh. Dọc đường, hễ gặp lính thì chị em tôi bình tĩnh đánh lạc hướng chúng để qua trạm an toàn”. Hiện nay, bà  Sáu Tránh vẫn còn lưu giữ kỷ niệm chiếc khăn tay làm bằng vải màu hồng, có sọc mua ở chợ Sơn Đốc, do chính tay cựu nhà báo Thanh Hải thêu tặng bà.

Ông Chín Diện nhiệt tình với chiến sĩ - nhà báo

Những năm 1960 - 1970, ông Hồ Văn Diện (thường gọi Chín Diện) ở ấp Giồng Chùa, xã Tân Lợi Thạnh, là người rất nhiệt tình giúp đỡ cách mạng. Nhiều nhà báo lão thành như các ông: Chim Trắng, Năm Thông, Nguyễn Hồ, Ba Nhơn, Sáu Dũng, Hoàng Lê, Phương Đông, Thống Quốc, Tiền Phong đã có thời gian sống tại nhà ông.

Nhà ông Chín Diện nằm ở vị trí khá thuận lợi: phía trước là con lộ trống trải, các mặt còn lại là rừng nên rất tiện cho bộ đội rút lui mỗi khi bị địch tấn công. Bấy giờ, lính địch thường tổ chức càn quét vào buổi sáng. Ông Chín móc nối được với một người làm cơ sở mật, có nhà ngay trên lộ và hai người thường liên lạc với nhau bằng ám hiệu: hễ sào đồ trên nhà cơ sở mật có phơi áo màu đen là có địch đi càn. Nhờ cách thông tin này, các nhà báo đã tránh được những trận càn của địch.

Có lần, cán bộ cách mạng ở nhà ông Chín Diện phải suýt chết vì địch tổ chức càn quét bất ngờ. Trưa hôm đó, mặt trời vừa chếch bóng thì địch tràn tới (khác với mọi khi, địch tổ chức càn quét vào buổi sáng). Ông Chín và mọi người chỉ có thời gian để kịp vào hầm bí mật. Rủi thay, tên chỉ huy lại giăng võng nằm ngoài vườn, cách hầm của một cán bộ và ông khoảng 5m.

Bấy giờ, đang lúc nước lớn nên hầm bị ngập nước mà tên chỉ huy cứ nằm ì hoài. Bà Chín Diện sốt ruột muốn cứu nguy nhưng chẳng biết phải làm sao. Cuối cùng, bà lén mở cửa chuồng thả gà ra vườn rồi giả vờ hiếu khách kêu bọn lính bắt gà nấu cháo nhậu. Sau đó, tụi lính say mèm và lăn kềnh ra ngủ. Bọn chúng không thể ngờ được rằng, có nhiều cán bộ cách mạng đang ở bên cạnh chúng.

Ông Chín Diện bệnh mất năm 2014 (thọ 86 tuổi). Vợ ông (bà Trần Thị Lầm), nay đã 87 tuổi. Bà rất vui khi có người quen tới thăm và thường nhắc về những cán bộ tuyên huấn năm xưa.

Đã gần 60 năm trôi qua, giờ đây, khi các phóng viên trẻ như chúng tôi có dịp gặp những người như bà Ba Dầy (con ông Hai Chơi), bà Mười Hóa, bà Sáu Tránh, bà Chín Diện, tình cảm của các bà đối với các chiến sĩ – nhà báo cách mạng năm xưa vẫn nồng nàn. Đối với nhà báo trẻ chúng tôi, các ông, các bà này đều dành cho tình cảm rất gần gũi, thân thương: “Con đi mạnh giỏi nghen. Hễ có về đây thì nhớ ghé nhà chơi nghen”.

Bài, ảnh: Đức Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN