Nguy cơ ô nhiễm từ việc chôn cất trên đất nông nghiệp

30/07/2018 - 07:27

BDK - Quy hoạch, xây dựng nghĩa trang nhân dân (NTND) là 1 trong 8 nội dung của tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Các xã đã có quy hoạch, có nơi xây dựng, tuy nhiên hầu hết người dân địa phương vẫn theo truyền thống chôn cất người mất trên đất nhà. Điều này gây mất mỹ quan, nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp.

NTND xã Châu Bình hiện chỉ là khu đất trống được người dân trồng rau màu và lau sậy đang phát triển.

NTND xã Châu Bình hiện chỉ là khu đất trống được người dân trồng rau màu và lau sậy đang phát triển.

Chôn trên đất nhà

Châu Bình là địa phương về đích NTM sớm nhất của tỉnh. Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Xã đã quy hoạch và xây dựng vòng bao (bê-tông và lưới B40) quanh khu đất 1,3ha được chọn làm NTND trước đó. Thế nhưng, người dân vẫn duy trì xây mộ phần của người thân ngay trên diện tích đất canh tác của gia đình.

Đại úy Đoàn Thành - nguyên Thẩm phán Tòa án Quân sự Quân khu 7 là người dân ấp Bình An, xã Châu Bình cho biết: “Việc Nhà nước khuyến khích người dân chôn người mất trong khu NTND là hợp lý nhưng bây giờ chưa thực hiện được. Từ xưa giờ, ông bà gia đình mấy đời rồi, chết nằm xuống an nghỉ trên “vung mộ” của gia đình, việc di dời thay đổi này rất khó. Con cháu ai cũng muốn an táng người thân gần nhà để tiện việc hương khói”.

Xuất phát từ quan niệm “Nhất mộ nhị phòng”, “sống có nhà chết có mộ”, phần lớn người dân chọn vị trí và hướng đất tốt nhất để an táng người mất. Thực tế, có rất nhiều gia đình có tâm lý chọn hướng đất hợp phong thủy, bản mệnh của người mất để xây mộ với hy vọng phù hộ con cháu đời sau làm ăn phát đạt. Gia đình ông Đoàn Thành dành riêng phần đất 400m2 để làm “vung mộ” của gia đình. “Khi 100 tuổi già, tôi cũng được chôn trên đất nhà cho gần con cháu. An nghỉ cuối đời ở NTND phức tạp, không có ai trông nom. Một phần NTND xa nhà, di chuyển khó khăn, tôi có chịu con cháu của tôi cũng không đồng tình”.

Chủ tịch UBND xã Châu Bình Huỳnh Ngọc Chiến cho biết: “Thực trạng người dân xây mộ trên đất nông nghiệp đã diễn ra từ rất lâu. Trong cuộc họp dân, các ban, ngành, đoàn thể trong xã, lãnh đạo các ấp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển các phần mộ của gia đình, dòng họ về mai táng ở nghĩa trang chung của xã ở ấp Bình An. Do phong tục, tập quán và truyền thống lâu đời nên người dân nghe nhưng chưa chuyển biến, thay đổi tập quán. Mặt khác, do liên quan đến vấn đề nhạy cảm tâm linh nên địa phương cũng chưa xử lý trường hợp nào”.

Theo quy định, quy hoạch, đầu tư xây dựng NTND là hành động bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật về đất đai cũng như góp phần bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường. Thế nhưng, tại các địa phương, tình trạng chôn cất người mất vẫn phức tạp. Ngoài xã Châu Bình, các xã còn lại trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều mộ phần nằm rải rác trong đất sản xuất. Tùy điều kiện từng nơi, các phần mộ to, nhỏ khác nhau không theo thứ tự. Ngay khu dân cư rải rác vài ba phần mộ trước, sau nhà.

Dung hòa truyền thống và hiện đại

Trao đổi về vấn đề NTND, ông Lư Văn Hội - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Việc quy hoạch và xây dựng NTND là việc làm cần thiết, nhưng thay đổi tập quán cần có thời gian để tác động đến nhận thức văn hóa truyền thống và hiện đại của người dân”. 

 “Để người dân đồng thuận đưa người mất chôn cất tại NTND cần phải có cách làm mới, có thể biến nó như hoa viên NTND. Từ đó, người dân an tâm mộ phần người thân được quản lý, chăm sóc chu đáo. Được như vậy, người sống yên tâm vì làm tròn trách nhiệm với người đã khuất đồng thời còn tạo môi trường trong lành, sạch đẹp, giúp chính quyền địa phương thực hiện thành công quy hoạch xây dựng NTND theo tiêu chí NTM, nếp sống văn hóa khu dân cư”, ông Nguyễn Chí Quyền - Chủ nhiệm “Câu lạc bộ làm theo gương Bác” Phường 1, TP. Bến Tre cho hay.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Quyền, một số địa phương ở khu vực miền Bắc chôn cất người mất trong 3 năm để cơ thể người mất phân hủy, sau đó quy tập hài cốt để chôn cất một nơi khác để đảm bảo quy định mỗi phần mộ là bao nhiêu diện tích đất. Chung quanh nghĩa trang có tường bao, trồng cây xanh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cần có quy định cụ thể

Chia sẻ tại buổi làm việc của đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UBND tỉnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đoàn Văn Phúc cho biết, trong xây dựng NTM, ngành TN&MT phụ trách tiêu chí số 17 về môi trường, trong đó, có nội dung NTND. Đây là vấn đề nan giải của ngành thời gian qua. Mặc dù đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng liên quan vấn đề tâm linh của người dân nên rất khó. 

Theo ông Đoàn Văn Phúc, việc người dân tự ý xây dựng mộ trên đất nông nghiệp kéo theo nhiều hệ lụy. Đặt mộ phần gần khu dân cư làm ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường đất, nước, không khí; đặc biệt, gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, thu hẹp diện tích đất canh tác. “Tình trạng đất chật người đông hiện nay, về lâu dài, diện tích dành cho mộ phần sẽ chiếm hết quỹ đất sản xuất của hộ dân”, ông Đoàn Văn Phúc lo lắng.

“Trước mắt, ngành sẽ phối hợp với địa phương tập trung tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chôn cất người mất đúng quy định. Tiếp tục kiến nghị Trung ương có những nghiên cứu quy định vùng miền cụ thể. Từ đó, ngành có hướng quản lý và giải quyết triệt để vấn đề còn tồn tại ở địa phương”, ông Đoàn Văn Phúc cho biết.

Hiện tại, ngành TN&MT đang xây dựng đề án thực hiện tiêu chí số 17 để trình UBND tỉnh phê duyệt; trong đó, cũng có một vài nội dung liên quan đến xây dựng, quản lý NTND. Khi có những quy định cụ thể được ban hành, ngành sẽ triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN