Nối tiếp và phát huy truyền thống văn hóa trong giai đoạn mới

01/07/2019 - 06:19

BDK - Theo nhận định của các nhà nghiên cứu văn hóa (VH), mỗi giai đoạn lịch sử có những đặc điểm VH riêng trong xây dựng và phát triển quê hương. Thế kỷ XXI là hội nhập và phát triển, tuy nhiên, sự phát triển về VH của thời kỳ mới tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị VH truyền thống đã được ông cha vun đắp bao đời nay.

Giới thiệu nghệ thuật trưng bày sách tại Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre.

Giới thiệu nghệ thuật trưng bày sách tại Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre.

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản VH    

Nói đến VH Bến Tre, niềm tự hào của cả tỉnh có thể nhắc đến 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt: Di tích Đồng khởi Bến Tre và Di tích Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra còn hiện hữu 16 di tích lịch sử VH cấp quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh. Bến Tre hiện có 4 di sản VH phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản VH phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng (Bình Đại), Hát sắc bùa Phú Lễ (Ba Tri), Nghề truyền thống làm bánh tráng Mỹ Lồng và Nghề truyền thống làm bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm).

Bên cạnh đó, nghệ thuật đờn ca tài tử cũng đã và đang tiếp tục phát triển trong toàn tỉnh. Ngoài các hội thi, hội diễn, các hoạt động giao lưu sinh hoạt thường xuyên được tổ chức nhiều nơi trong tỉnh thì năm nào, trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội truyền thống VH của tỉnh cũng có hoạt động này. Năm nay, có thêm điểm mới là phần thi giọng ca tài tử nhí tỉnh. Vì hiện nay, các huyện, thành phố đều đã có lớp “tài tử nhí” kế thừa.

Bà Trần Thị Kiều Tôn  - Phó giám đốc Sở VH, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban tổ chức ngày hội cho biết: Đây là một trong những việc làm cụ thể hóa Đề án Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh. Tất cả những tiết mục tham gia liên hoan được tuyển chọn từ các cuộc liên hoan đờn ca tài tử do Trung tâm VH tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức trong tháng 5 và 6-2019. Thông qua liên hoan nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có và tiêu biểu của nghệ thuật đờn ca tài tử Bến Tre; tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về bảo tồn loại hình VH phi vật thể của nhân loại.

“Hơn nữa, đây còn là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 11 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc phát huy các giá trị truyền thống VH và phát triển toàn diện con người Bến Tre”; Chương trình của UBND tỉnh về phát huy các giá trị VH vật thể và phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển du lịch tỉnh nhà trong giai đoạn hội nhập”, bà Trần Thị Kiều Tôn cho biết thêm.

Tiếp thu cái mới

“Từ nền tảng truyền thống VH và truyền thống cách mạng của quê hương Bến Tre cùng sự kế thừa truyền thống VH của dân tộc, đã kết tinh trong mỗi người dân có những nét đặc trưng VH riêng của người dân xứ cù lao. Đó là ý chí tự lực, tự cường, vượt khó để đi lên; dám xả thân hy sinh vì đại cuộc; tinh thần hiếu học, cầu tiến; quan hệ cộng đồng chân thành, thẳng thắn, bộc trực, nhân ái, trọng lễ nghĩa; tính hào hiệp, cởi mở; nếp sống bình dị, gắn bó gần gũi với thiên nhiên”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng nhận định.

Trưng bày tư liệu sách về Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Văn hóa Bến Tre phục vụ du khách và các em học sinh tại Ngày hội 1-7.

Trưng bày tư liệu sách về Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Văn hóa Bến Tre phục vụ du khách và các em học sinh tại Ngày hội 1-7.

Với nhịp sống đương đại năng động của tuổi trẻ, việc tiếp nhận VH mới là điều hiển nhiên, vấn đề trọng tâm là tiếp nhận thế nào cho phù hợp với VH truyền thống của tỉnh nhà, của quê hương. Theo nhận định của anh Võ Tuấn Thông - Phó bí thư Tỉnh Đoàn, qua bao thế hệ, thanh niên tỉnh nhà đã và đang tiếp tục phát huy những giá trị VH truyền thống Bến Tre, nổi bật là tinh thần yêu nước, cống hiến trí tuệ và sức trẻ góp phần xây dựng quê hương. Tuy nhiên, anh Võ Tuấn Thông cũng bày tỏ băn khoăn, ngày nay, tuổi trẻ tỉnh nhà đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức do sức tác động của toàn cầu hóa trong quá trình hội nhập, sự phát triển công nghệ mạnh mẽ, nhất là mạng xã hội. Thanh niên dễ dàng tiếp cận với các trào lưu VH khác nhau mà thiếu sự chọn lọc trong tiếp nhận dẫn đến việc có những biểu hiện tư tưởng, hành vi chưa đúng với các chuẩn mực VH truyền thống, thậm chí bị lôi kéo vào những hoạt động bôi xấu những giá trị VH truyền thống quý báu của dân tộc.

“Chúng ta rất may mắn khi được sống trên mảnh đất anh hùng giàu truyền thống VH dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy truyền thống VH ấy là trách nhiệm của mỗi người trẻ chúng ta. Hãy cùng nhau dành thời gian để tìm hiểu thêm về những giá trị truyền thống VH tỉnh nhà, những di sản VH, những nét đẹp, phong tục tập quán của Bến Tre. Đồng thời, bồi đắp thêm cho mình những giá trị mới có chọn lọc phù hợp với VH dân tộc, góp phần  giữ gìn hình ảnh Bến Tre luôn đẹp trong mắt bạn bè gần xa”, anh Võ Tuấn Thông chia sẻ.

Còn nhớ, khi nói về Ngày hội truyền thống VH tỉnh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đã từng bày tỏ kỳ vọng từ cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, đội ngũ y, bác sĩ đến quần chúng nhân dân, thanh niên, học sinh, sinh viên… không chỉ của quê hương Ba Tri mà toàn tỉnh cùng ra sức học tập, làm việc, noi theo tấm gương ngời sáng của cụ Đồ Chiểu. Thể hiện sự tri ân sâu sắc và tấm lòng tôn kính với bậc tiền nhân bằng những hành động, việc làm cụ thể, mang nhiều ý nghĩa thiết thực.

“Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải luôn thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, ý chí, khát vọng vươn lên; lao động và chiến đấu quên mình. Đồng thời, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu làm rạng danh quê hương, đất nước; kế tục xuất sắc sự nghiệp cao cả mà bao lớp người đi trước đã dày công vun đắp”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi gửi gắm.

  Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích