Phụ nữ và trẻ em gái cần lên tiếng khi bị bạo lực

02/12/2018 - 20:03

Bà Phạm Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cho biết: Chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” năm 2018 nhằm vận động toàn xã hội cùng tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về bình đẳng giới, khuyến khích kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vận động phụ nữ và trẻ em gái lên tiếng khi bị bạo lực.

Trong bối cảnh hiện nay, việc vận động phụ nữ thực hiện các mô hình như phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ làm kinh tế giỏi, vận động chị em học tập; nâng cao hiểu biết nhận thức trên các lĩnh vực cuộc sống về vai trò công dân, người vợ, người mẹ trong gia đình, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là rất quan trọng. Đây là năm thứ ba tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới - năm 2018.

Bà Phạm Thị Thanh Thảo kêu gọi các cấp hội cần thực hiện các công việc trọng tâm: tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao với chủ đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Đặc biệt là hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh nữ, ưu tiên trợ cấp học bổng cho đối tượng học sinh nữ. Tập trung hỗ trợ cho phụ nữ ở khu nhà trọ, phụ nữ ở nông thôn, trẻ em gái tuổi vị thành niên có kiến thức để phòng ngừa, ứng phó và giải quyết một số vấn đề bạo lực giới, bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, tình dục an toàn…

Theo báo cáo của các ngành chuyên môn, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 838 vụ bạo lực gia đình với 852 nạn nhân, số trường hợp gây bạo lực gia đình bị phạt tiền chiếm 42%, bị xử phạt cảnh cáo chiếm 4,1%, xử lý hình sự 3,2%.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN