Phù sa mặn (kỳ cuối)

16/09/2019 - 07:02

Những sản phẩm Ocop của Thạnh Phú.

Những sản phẩm Ocop của Thạnh Phú. Ảnh: K. Liên

Những nông dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn tham gia mô hình là những người có tinh thần cầu tiến, có khả năng nắm bắt khoa học, có ý chí thay đổi kỹ thuật canh tác lạc hậu ngay trên đồng ruộng của mình. Vậy họ học được những gì khi tham gia mô hình tôm - lúa?

Trước nhất, họ hiểu biết đời sống sinh học của con tôm càng xanh nói chung, con tôm đực nói riêng, hiểu biết lựa chọn giống lúa phù hợp và ngon cơm để trồng trên vùng đất nhiễm mặn, hiểu biết lợi ích kinh tế của phương thức xen canh lúa - tôm. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân đã được cấp hỗ trợ giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật. Nông dân tham gia mô hình đã hoàn toàn làm chủ quy trình kỹ thuật, có khả năng ứng dụng, nhân rộng trong thời gian tới.

Họ hiểu “nết” đất đã đành mà còn hiểu tính chất con tôm, sở thích của cây lúa và biết cách khống chế bản năng của nó nữa. Kỹ thuật bẻ càng con tôm khi nuôi nhằm khắc phục tình trạng tôm ăn thịt lẫn nhau, nâng tỷ lệ sống lên cao (60%), tôm mau lớn. Canh tác theo cách này tức là người nông dân đã nắm vững kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực của các nước tiên tiến trên thế giới.

Những người nông dân Thạnh Phú đã hiểu rằng, quan hệ giữa con tôm và cây lúa là quan hệ cộng sinh. Con tôm có thể ăn những thức ăn là phấn bông lúa và phiêu sinh vật trong ruộng; ngược lại, cây lúa có thể hấp thụ dưỡng chất từ phế thải của con tôm. “Con tôm ôm cây lúa” là hình ảnh sinh động của kỹ thuật xen canh dưới nước, cũng là mô hình sản xuất đầy sức thuyết phục trên vùng đất phù sa mặn này. Đây cũng là lối canh tác hài hòa với thiên nhiên mà nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đang hướng đến. Nhiều nông dân trong vùng sản xuất lúa sạch khẳng định: Bây giờ về xã không tìm thấy một cái bình xịt thuốc nào cả. Bởi vì, nếu dùng thuốc diệt sâu rầy thì không thể nuôi được con tôm trong ruộng lúa. Con tôm là nguồn lợi lớn hơn cây lúa, tự khắc người nông dân luôn cẩn trọng bảo vệ thành quả lao động của mình, không cần biện pháp nào hay hơn nữa.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh: “Mô hình đã tạo được lợi nhuận cao hơn trên cùng diện tích, giúp cho người dân an tâm sản xuất, mở ra hướng canh tác thân thiện với môi trường, hướng đến xây dựng vùng sản xuất sạch của tỉnh nhà”. Mô hình “tôm - lúa” có quy trình khép kín, được huyện Thạnh Phú khẳng định là hướng sản xuất bền vững vì có tính hỗ trợ lẫn nhau giữa con tôm và cây lúa trên vùng đất mặn. Năng suất tôm đạt 500kg/ha và lúa đạt 4,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ha, hiệu quả khá cao. Với kết quả này đã khẳng định sự thành công của mô hình sản xuất “tôm - lúa”. Đó là giải pháp canh tác thích hợp trên đất Thạnh Phú - nơi đã và sẽ bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Hiệu quả của mô hình sẽ là cơ sở để các địa phương có vùng quy hoạch tôm - lúa có phương án cụ thể nhân rộng trong thời gian tới.

Từ thành công này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm chủ nhiệm đề án để nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, hứa hẹn sẽ có sự đột phá trong sản xuất cây lúa trong điều kiện nước mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sức bật của Thạnh Phú

Một lần gặp ông Nguyễn Trúc Sơn (Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú), ông đã lôi ra cái smartphone và lướt: “Đây nè chị, xoài Tứ Quý bóng mẩy, đây là cánh đồng lúa - tôm xanh mướt mắt, còn đây là thương hiệu Gạo sạch Thạnh Phú đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận”.

Chắc hẳn ông Sơn lưu vào thư viện ảnh để cùng phụ với nông dân quảng cáo nông sản của Thạnh Phú với các doanh nghiệp. Tôi biết, trái xoài Thạnh Phú đã được dán nhãn OCOP (Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) và gắn code QR. Xoài và gạo sạch ở vùng này đã xuất hiện tự tin ở các hội chợ thương mại mà không hề thua chị kém em. Còn gì vui hơn khi bài toán sản xuất ở vùng quê này đã có đáp số tương thích? Còn gì đáng ca ngợi hơn tài năng và sức lao động cần cù của người nông dân Thạnh Phú trong tiếp thu cái mới và biến chúng thành hiện thực của đời sống, trong nỗ lực khai thác tài nguyên bản địa và đưa chúng ra thị trường?

Nhiều ý kiến cho rằng sức bật của Thạnh Phú bây giờ là thương hiệu Lúa sạch từ mô hình tôm - lúa nhưng cần phải nhấn mạnh rằng chính yếu tố khoa học đã bẫy lên những tiềm năng của vùng đất mặn. Rõ ràng khi nông dân ứng dụng hàm lượng khoa học để đưa vào sản xuất đã tạo nên một diện mạo mới trên vùng đất biển này.

Ông Châu Hữu Trị - Quyền giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khẳng định: Huyện Thạnh Phú đã ứng dụng thành công trong kết hợp nuôi trồng tôm - lúa trên vùng đất mặn, con tôm càng có thể sống được trong điều kiện mặn từ 4 - 6%o. Mô hình xen canh tôm càng xanh - lúa được khẳng định là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Mặt khác, mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, qua đó giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa - gạo sạch Thạnh Phú” vốn đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Mô hình này có đầy triển vọng mở ra hướng làm kinh tế hộ hoặc kinh tế hợp tác.

 Thạnh Phú có 6.500ha trồng lúa, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ khi toàn cánh đồng được triển khai mô hình tôm - lúa, mô hình làm lúa sạch. Từ đó sẽ nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị sản xuất.

Vấn đề là làm sao để triển khai đồng loạt và mở rộng tiêu thụ nông sản của Thạnh phú? Chính vì vậy, Thạnh phú đang thực hiện tiếp một bước nữa là tổ chức nông dân vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Toàn huyện đã hình thành 16 hợp tác xã, 164 tổ hợp tác (theo Nghị định số 151 của Chính phủ). Có 50% số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thới Thạnh và hợp tác xã lúa - tôm Thạnh Phú được chọn làm điểm của tỉnh. Theo quan điểm của huyện, phát triển sản xuất phải gắn với kinh tế tập thể. Từng xã phải xây dựng mô hình về kinh tế hợp tác nhằm tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thị trường cho hàng nông sản.

Đất khó hóa lành

Về Thạnh Phú trong thời gian gần đây, ai cũng phải ngạc nhiên vì sự thay da đổi thịt trên vùng đất mặn này. Đất hóa lành chính là nhờ những con người chí cốt với đất. Họ đã hiểu nết đất, tập tính sinh học của con tôm, cây lúa rồi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thành công của mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa đã thể hiện sinh động sự liên kết hữu cơ giữa nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa.

Như vậy là huyện Thạnh Phú đã giải mã được bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Và đến đây, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng: trầm tích biển là tài nguyên, phù sa mặn là tài nguyên bản địa. Vấn đề là con người Thạnh Phú đứng chân trên mảnh đất ấy phải biết khơi nguồn lợi của đất đai bằng chính tư duy đổi mới, sáng tạo và khoa học để biến cái chưa thể thành có thể như thành quả mà mô hình tôm - lúa đã đem lại trên đồng ruộng Thạnh Phú hôm nayn

Bút ký của Kim Liên

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Phù sa mặn

BÌNH LUẬN