Sức sống cây dừa trên biển đảo quê hương

25/05/2018 - 07:05

BDK - “Thấy dừa lại nhớ Bến Tre”. Đối với người cù lao, cây dừa từ lâu đã khắc sâu vào tâm trí, trở nên thân thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt. Đi khắp vùng trời Tổ quốc, ở đâu thấy dừa chúng ta lại như thấy quê hương mình ở đó.

Dừa phát triển xanh tốt trên quần đảo Trường Sa.

Dừa phát triển xanh tốt trên quần đảo Trường Sa.

Như lẽ tất nhiên, chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ về quê nhà khi nhìn những hàng dừa xanh lộng gió biển trên đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn và một số đảo khác của quần đảo Trường Sa. Mấy ai trong chúng ta có thể ngờ rằng, những cây dừa quen sống bằng đất phù sa của đồng bằng sông Cửu Long vẫn có thể thích nghi, sinh tồn và phát triển ở một nơi chỉ có nắng gió, sỏi đá, san hô và cát nóng.

Tôi từng nghe kể, từ xa xưa, cha ông đi mở cõi ra vùng biển, đảo đã mang theo từ đất liền những loại cây như: mù u, dương, bàng… trồng trên các đảo nhằm đánh dấu mốc chủ quyền của nước Đại Việt trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cũng để cho những người đi biển nhận ra đảo mà định hướng cho cuộc hải hành. Giờ đây, những cây dừa Bến Tre tiếp tục sứ mệnh ấy, góp phần gieo mầm sống mới trên vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc.

Trông thấy dừa xanh trên các đảo lần đầu, tình yêu, niềm nhớ, niềm vui mừng của chúng tôi như nhân lên gấp bội bởi đó là thành quả của công trình thanh niên “Dừa Bến Tre với biển đảo quê hương” tại Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 Hải quân - tỉnh Khánh Hòa, mà tôi là một trong những người tham gia và tham dự lễ bàn giao năm 2017. Đây là công trình do cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh nhà đóng góp thực hiện từ năm 2015 gồm 1.000 trái dừa giống được kiểm duyệt, thử nghiệm đảm bảo thích nghi với điều kiện khí hậu tại Trường Sa cùng các giá thể, phân bón đi kèm, kinh phí thực hiện gần 100 triệu đồng. Sau lễ bàn giao năm 2017, toàn bộ công trình đã được tàu của Lữ đoàn 146 vận chuyển và trồng tại các đảo của quần đảo Trường Sa. Mỗi cây dừa Bến Tre đã bám cát lớn lên tại Trường Sa như là một cột mốc chủ quyền góp phần bảo vệ Trường Sa của Việt Nam thêm vững chắc. Và lòng chúng tôi lại vô cùng phấn khởi vì thấy như mình đã làm điều gì đó có ích cho biển đảo, cho quê hương, cho đất nước.

Lãnh đạo của Lữ đoàn 146 từng nhận định, công trình “Dừa Bến Tre với biển đảo quê hương” là một cách để thể hiện cụ thể tình yêu thiêng liêng với biển, đảo Tổ quốc của đoàn viên, thanh thiếu nhi Bến Tre, đưa dân và quân Trường Sa về gần hơn với đất liền, động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa có thêm động lực, yên tâm chiến đấu, bảo vệ và giữ vững toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Là tỉnh có đường bờ biển dài hơn 65km, người dân quê hương luôn thể hiện tình yêu nước, yêu biển đảo của mình thông qua hành trình thanh niên về với các xã biên giới biển, các hoạt động ưu tiên phát triển thanh niên vùng biển về vật chất, tinh thần, cùng nhiều hoạt động giao lưu, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới biển. Theo Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, hướng về biển, hướng về Trường Sa là cách giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước của tuổi trẻ tỉnh nhà và xây dựng lớp thanh niên Đồng khởi mới.

Ngồi dưới tán cây bàng vuông, nhìn ra hàng dừa xanh đang vươn lên trong nắng, gió Trường Sa, trong tôi dâng lên bao niềm tự hào khó tả. Điện thoại tôi reo vang. Đầu dây bên kia, người bạn ở nhà giọng bồn chồn hỏi: “Đất đảo thế nào?”, tôi bảo: “Đất đảo như đất liền, đất lành”… Thật vậy, rồi đây, những cây dừa Bến Tre cùng với những cây bàng vuông, cây phong ba, cây dương sẽ phủ một màu xanh mát trên biển đảo quê hương, rồi nước dừa ngọt, vườn rau xanh, gia súc, ánh sáng điện, truyền hình, phát thanh… tất cả sẽ thông suốt với đất liền, sẽ biến đất đảo thành đất lành định cư!

Bài, ảnh: Trung Trí

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN