Vang bản hùng ca vị tướng xứ Dừa

14/12/2018 - 07:32

46 năm lăn lộn với đời lính, trong đó có 29 năm dấn thân trên chiến trường Bến Tre và Trung Nam Bộ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị đã trải qua đời binh nghiệp với ba thứ quân: du kích quân trong chiến tranh chống thực dân Pháp, địa phương quân và chủ lực quân trong chiến tranh chống Mỹ. Thiếu tướng còn góp công xứng đáng trong xây dựng quốc phòng toàn dân, bảo vệ biên giới và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị và người vợ Bùi Thị Á (cựu chiến binh của Đội nữ vũ trang Thu Hà). Ảnh: Tư liệu

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị và người vợ Bùi Thị Á (cựu chiến binh của Đội nữ vũ trang Thu Hà). Ảnh: Tư liệu

Cuộc đời binh nghiệp

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, người mà nhân dân xứ Dừa và nhân dân vùng giải phóng Khu Trung Nam Bộ (Khu 8 cũ) quen gọi với một cái tên thân thương là Tám Vị. Cuộc đời ông là một bản hùng ca của sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng, của thách thức và sáng tạo, của ý chí, nghị lực và tư duy quân sự tuyệt vời. Những trận đánh, những chiến công mà ông và đồng đội dưới sự chỉ huy của ông đã lập nên trong chiến tranh không chỉ là niềm tự hào của quân và dân Bến Tre mà còn là những bài học quý giá trong xây dựng và kiến thiết, trong lãnh đạo và chỉ huy.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị sinh năm 1930, ở xã Châu Bình (thuộc xứ ba Châu: Châu Thới - Châu Phú - Châu Bình). Xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh em nên khi học hết lớp 2 trường làng thì Tám Vị phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Tám Vị luôn ao ước có ngày thoát nghèo bằng sức lao động chân chính của mình.

Đầu năm 1946, Tám Vị bước sang tuổi 16. Lúc ấy, Tám Vị được chứng kiến một cuộc hội quân đông đảo chưa từng có ở Châu Bình giữa lực lượng Cộng hòa Vệ binh Nam Bộ, Quốc gia Tự vệ Cuộc và Bộ đội Bình Xuyên. Cuộc hội quân này để thống nhất kế hoạch đánh Tây ở mặt trận Bến Tre và phối hợp giải tán Đệ tam Sư đoàn. Mỗi lần các “yếu nhân” quân sự đi trên đường đều có binh lính “tiền hô hậu ủng” bảo vệ rầm rộ, các nhà ven đường vội đóng cửa. Tám Vị tò mò vạch vách lá xem, thời may có một anh bộ đội Bình Xuyên đóng trong nhà mách bảo cho Tám Vị nhận biết các “chủ tướng” Dương Văn Dương, Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quạn đi trên đường. Hình ảnh oai phong lẫm liệt của 3 vị ấy đã trở thành thần tượng của Tám Vị. Thời gian sau đó, Tám Vị lại được nghe nhiều trận thắng của các đội du kích nổi tiếng trong 3 dải cù lao Bảo, Minh, An Hóa, trong đó có đội du kích Tân Hào. Tám Vị cũng được nghe đến giai thoại về ông Đồng Văn Cống và những chiến công của Chi đội 19… Tất cả những điều tai nghe, mắt thấy cộng với sự căm ghét giặc Tây, ghét bọn làng lính và cường hào ác bá ức hiếp dân nghèo… đã thôi thúc Tám Vị tự nguyện dấn thân vào cuộc đời binh nghiệp.

Năm 1947, Tám Vị xin đi bộ đội thì các anh trong tổ chức chê nhỏ, xin vào du kích thì cũng bị chê. Nhưng với sự quyết tâm, Tám Vị đã được tham gia vào đội du kích xã. Tám Vị công tác rất tích cực. Giặc càn quét trong làng thì ông cùng hai anh em du kích đón đầu đánh chống càn với địch ở chỗ này, rồi nhanh chóng chạy đón đầu chỗ khác. Có khi một ngày phải chạy đón đầu chống càn đến 5 lần. Mỗi lần chống càn như vậy có thể ngăn chặn bước tiến của địch, làm chết và bị thương một vài tên.

Vị tướng tài ba

Tháng 10-1949, Tám Vị được kết nạp vào Đảng Cộng sản, sinh hoạt Đảng rất bí mật. Ông trở thành đảng viên chính thức từ tháng 4-1950. Tuy ông công tác quân sự, ham đánh đấm, nhưng cũng rất thích làm công tác binh vận. Ông và Ban Chỉ huy Xã đội biết chủ động kết hợp giữa công tác quân sự với binh vận đạt hiệu quả cao ở Châu Bình, dẫn đến sự kiện binh biến lớn trong lực lượng Hòa Hảo do quan hai Mã Kim Sơn chỉ huy, góp phần làm thất bại một bước âm mưu sử dụng tôn giáo của tên Leon Leroy điên cuồng chống phá cách mạng.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ảnh: H. hiệp

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ảnh: H. hiệp

Năm 1960 - 1992, Tám Vị tham gia Đồng khởi và gia nhập quân đội, tham gia vào Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 516, chỉ huy Chiến đoàn ở Bến Tre, chỉ huy Trung đoàn và Sư đoàn chủ lực của Quân khu 8, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ huy Sư đoàn làm kinh tế ở Đồng Tháp Mười - trở về Bến Tre làm Tỉnh đội trưởng, bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Trong chiến tranh, ông luôn nắm chắc địa lý quân sự, địa hình, thời tiết, quy luật thủy triều và phán đoán có cơ sở khoa học về những động thái của địch để chủ động có phương án tác chiến tối ưu. Ông chỉ huy quyết đoán, táo bạo, bất ngờ, luôn giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng chiến dịch qua các giai đoạn chiến tranh trên chiến trường Bến Tre và chiến trường Trung Nam Bộ. Ông là linh hồn của Tiểu đoàn 516 và Chiến đoàn Bến Tre, là người cầm quân đã góp sức quan trọng trong xây dựng thời “hoàng kim” của Trung đoàn I và Sư đoàn 8 chủ lực do ông chỉ huy, như: trận Lộ Thơ, trận cầu Cá Lóc, trận Hữu Định, trận Gò Tranh, đánh tàu trên sông Giồng Trôm, sông Ba Lai, chỉ huy Chiến đoàn thoát vòng vây tử thần của địch ở Sơn Phú, chỉ huy Trung đoàn lập nhiều chiến công trong chiến dịch phản công năm 1972 và chỉ huy Sư đoàn tiến công trên hướng Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh… là những trận đánh, những chiến công đã được ghi vào sử sách.

Cuối năm 1985, Nguyễn Hữu Vị được phong quân hàm Thiếu tướng (sớm nhất trong các chỉ huy trưởng cấp tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long được phong tướng). Năm 1992, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị về hưu. 16 năm làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Hai, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác.

Rời binh nghiệp, trong khi đảm đương công việc của một người đứng đầu Hội Cựu chiến binh tỉnh (khóa I, II, III), ông Tám Vị lại đến với những trang viết, những trang văn, những trang đời mà qua ngòi bút của ông, lịch sử được dựng lại như những gì chúng vốn có, đặc biệt là lịch sử Đồng khởi Bến Tre. Bằng nghị lực và niềm tin, ông tham gia viết văn, viết báo ở tuổi về già với lòng mong mỏi được trao gửi tâm tình đến các thế hệ mai sau. Sức làm việc và tình yêu văn chương đã làm cho nhiều bài viết của ông có sức lay động sâu sắc trong lòng người đọc.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị đã đi về cõi vĩnh hằng!

Hình ảnh của một vị tướng cương trực, uy danh ngời sáng, thủy chung với đồng đội; cùng với tài năng quân sự và những chiến công đã đi vào lịch sử sẽ luôn sống mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà hôm nay và mai sau.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN