Xanh mãi dừa ơi

28/01/2019 - 20:39

 “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ

Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ

Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió

Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

(Trích “Dừa ơi” - Lê Anh Xuân)

Công phu chọn giống

“Dừa có tự bao giờ?”, câu hỏi thôi thúc tôi tìm về đến xứ sở cây giống. Những trái dừa giống vừa lên hai “đuôi cá” xếp ngay ngắn trong chiếc giỏ sắt đang được tập kết đến một cơ sở cây giống nào đó gần đây rồi sẽ được đi đến mọi miền đất nước…

Dưới tán dừa xanh, được nghe các lão nông ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc kể chuyện đời dừa. Hồi xưa, ông bà mình chọn dừa giống theo kiểu đi coi vườn dừa nào ngon, cây nào đẹp, cho trái tốt thì nói ông chủ vườn chừng nào bẻ dừa thì chừa cho mấy trái làm giống. Quài dừa bẻ xuống thì lựa bỏ trái đầu quài, cuối quài nhen, nó ra cây èo uột không ngon. Rồi mình thả xuống vũng, trái nào tròn trịa, lật đứng thì mình vớt lên, phơi cho khô “trổ da me”, bấm vô mềm tay, lắc nghe rổn rảng rồi mới ủ cho lên mộng. Mộng lên được “hai đuôi cá” - hai chồi lá (NV) thì đem đặt xuống trồng, ba năm có trái… Nhìn đám dừa giống đang lên mộng xanh xanh xếp đều tăm tắp dưới bờ dừa, ông Út Thưởng chặc lưỡi nói: “Nói vậy chớ chọn dừa giống không phải đơn giản, chưa kể bây giờ không như hồi xưa, mình làm nhiều hơn, trồng nhiều hơn, người ta đâu có chọn trái nổi đứng, nổi nghiêng, trái đầu, trái cuối nữa. Phơi, ủ, để lên mộng hết. Lỡ chọn sai, mua lầm, về trồng 3 năm cây dừa ra sao mới biết thì cũng đã lỡ”.

Ông Út Thưởng - Lâm Thành Thưởng là chủ vườn dừa xiêm xanh, dừa ta gần 5 công đất ở ấp Thành Hóa 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Mười mấy năm gắn bó với cây dừa, ông Út để ý đến từng đặc tính của loài cây tưởng chừng như vô cùng quen thuộc của vùng đất này. “Tôi thấy rằng, muốn chọn dừa giống đảm bảo chất lượng phải biết nguồn gốc cây dừa giống ở đâu, tốt nhất là nên tìm đến vườn dừa giống hoặc các cơ sở cây giống uy tín để mua, nếu mua giống trôi nổi thì có nhiều rủi ro lắm” - ý ông Út Thưởng muốn nói đến chuyện có nơi gian dối, mua dừa ẻo rồi cũng để cho lên mộng bán, bà con không biết mua về trồng không có kết quả.

Tôi hỏi ông Út Thưởng với một trăm dừa đem đi ươm hết thì được bao nhiêu trái ra giống chất lượng? Ông nói: “Chỉ khoảng 30% là ngon lành”. Theo kinh nghiệm của ông, nhìn lên mộng xanh tươi vậy nhưng không phải trái nào cũng cho ra cây tốt. Nhiều năm trồng dừa, theo dõi sự phát triển tự nhiên của mộng dừa, ông Út “có mắt” chọn dừa giống chắc ăn khi nhìn qua đám mộng. “Nhìn cái mộng nào bị dị tật, biến dạng, lên không đều hoặc lên đến 2 - 3 mộng/cây thì sẽ không trồng được. Mộng nào lên đều, đẹp, gốc đầy đặn, ngọn thon gọn, bẹ lá xòe đều thì là giống tốt, cho năng suất cao”.

Tại các vườn dừa làm giống như vườn ông Út Thưởng, việc chọn giống, ươm giống được tiến hành rất kỹ càng. Đối với người nông dân trồng dừa, vấn đề giống rất quan trọng, chất lượng giống cũng được xem là yếu tố sống còn để khởi sự trồng trọt nói chung.

Xu thế hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ hiện đang là chủ đạo, đánh dấu một bước chuyển về nhu cầu của con người từ sản xuất nhiều sang sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước, nhiều nông dân trong tỉnh đang chuyển bộ sang trồng dừa theo chuẩn hữu cơ để nâng chất lượng của dừa Bến Tre lên một tầng nấc cao hơn. Đạt tiêu chuẩn chất lượng, dừa hữu cơ của Bến Tre sẽ vươn xa trên thị trường quốc tế và lẽ tất nhiên, được giá hơn, người nông dân hoàn toàn có lợi.

Vườn dừa hữu cơ ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hạnh Linh

Vườn dừa hữu cơ ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hạnh Linh

Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (tháng 8-2018) tại vườn dừa hữu cơ của ông Đoàn Văn Tâm ở ấp Thạnh Tây, xã Hương Mỹ, Mỏ Cày Nam đã để lại ấn tượng khó quên đối với ngành nông nghiệp tỉnh cũng như bản thân ông Tâm. Kể lại với tôi về chuyến thăm của bộ trưởng tại vườn của mình, ông Tâm vẫn còn khấp khởi niềm vui vì chuyến thăm đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người nông dân. Đó là định hướng cụ thể đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất và nâng cao giá trị của cây dừa, đảm bảo tính bền vững cho người trồng.

Cũng như nhiều người trồng dừa ngày nay, ông Tâm luôn tiếp thu kiến thức chuyên môn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dừa. Là người kỹ tính nên ông thường xuyên đắp bờ, dọn cỏ, tưới nước, chăm chút cho 10 công đất vườn dừa lúc nào cũng sạch đẹp và thoáng. Vườn dừa hữu cơ với 70 cây dừa của ông được tỉnh công nhận là cây bố mẹ, dùng làm dừa giống nên ông rất cẩn thận và hoàn toàn sử dụng phân chuồng đã ủ hoai theo đúng kỹ thuật.

Ngoài ông Đoàn Văn Tâm, địa bàn xã Hương Mỹ còn có 8 vườn dừa hữu cơ khác và nhiều nông dân khác đã chọn cho mình hướng đi bền vững trong chuyên canh dừa.

Cùng vào hợp tác xã

Tham quan dây chuyền sơ chế dừa trái của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Định Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam), tôi được Chủ tịch HTX Đặng Trúc Phương tiếp đãi món đặc sản mộng dừa non. Từng chiếc mộng trắng tinh, ngọt ngọt, giòn xốp này chính là phần mầm non tượng hình bên trong trái dừa. Có lẽ mộng dừa quá quen thuộc với người dân nông thôn xứ Dừa nhưng không phải ai cũng từng được nếm thử. Ở các vùng miền xa, mộng dừa cũng rất có giá vì được xem là món đặc sản không phải muốn là có.

HTX nông nghiệp Định Thủy bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu quý II-2018 với 185 thành viên, trong đó 75% là nông dân trồng dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. HTX hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực thu mua dừa trái, sơ chế sản phẩm dừa, hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp 2 sản phẩm chính là cơm dừa trắng và da dừa. Các sản phẩm còn lại như nước dừa, gáo, vỏ, xơ dừa đều được các doanh nghiệp, cơ sở các ngành nghề khác thu mua, phục vụ cho sản xuất. Riêng những chiếc gáo dừa đẹp sẽ được chọn lọc để bán cho các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Cùng với 3 HTX khác cùng kinh doanh, sản xuất theo chuỗi giá trị cây dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, HTX nông nghiệp Định Thủy thành lập đã góp phần tạo đầu vào, đầu ra ổn định cho cây dừa và các sản phẩm từ dừa của nhiều nông dân trên địa bàn, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Vừa dẫn tôi tham quan xưởng sơ chế dừa, ông Trúc Phương hào hứng chia sẻ về tour du lịch sinh thái dừa mà HTX vừa kết hợp với một công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh đưa vào khai thác trong tháng 10 vừa qua. Triển khai làm du lịch sinh thái dừa, HTX cũng ấp ủ phát triển chuỗi giá trị dừa của địa phương, nâng giá trị của cây dừa và giúp cho đời sống người trồng dừa thêm ổn định. Bước đầu, dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng đã có gần 10 hộ hội viên đồng ý tham gia làm du lịch, trở thành các điểm dừng chân đón khách đến tham quan.

Làm đẹp cho đời

Cơ sở gia công mỹ nghệ từ gáo dừa của vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Loan và anh Nguyễn Văn Cường ở Tổ nhân dân tự quản số 6, ấp Định Nhơn, xã Định Thủy là một trong các điểm dừng chân của tour du lịch sinh thái dừa mà HTX nông nghiệp Định Thủy tổ chức. Nhiều năm làm nghề, chị Cẩm Loan và anh Cường từng kinh qua các thao tác tỉ mỉ nhất trong nghề mỹ nghệ dừa như cắt chi tiết móc khóa, dán thành phẩm đến làm những món đồ mỹ nghệ có kích thước lớn hơn, nhiều năm tích lũy, anh chị mới mạnh dạn “ra riêng” từ đầu năm 2018. Hoạt động gần 1 năm, xưởng trang bị được 6 mô tơ, mỗi mô tơ chạy đồng thời được 2 đầu chà, chuyên gia công chà, đánh bóng, cắt gáo dừa làm ly, chén rồi giao cho các cơ sở mỹ nghệ lớn làm tiếp công đoạn trang trí. Cùng một người con trai phụ giúp, anh chị còn có thêm 4 thợ phụ.

Du khách chọn mua sản phẩm mỹ nghệ từ dừa. Ảnh: Hạnh Linh

Du khách chọn mua sản phẩm mỹ nghệ từ dừa. Ảnh: Hạnh Linh

Giữa tiếng mô tơ chạy rè rè, nhìn bàn tay người thợ đang khéo léo chà bóng từng chiếc gáo một cách thành thục, anh Cường nói với tôi: “Nghề này nhẹ nhàng thôi nhưng phải trì chí mới được, chịu khó học, chịu tỉ mỉ rồi tới lúc quen tay sẽ làm nhanh hơn. Lao động nữ ở chỗ tôi làm giỏi một ngày cũng kiếm được 120 - 130 ngàn đồng…”. Tôi nhớ lại câu chuyện mà ông Trúc Phương kể khi ghé tham quan HTX nông nghiệp Định Thủy, những người thợ sơ chế dừa ở xưởng của HTX hầu hết đều gắn bó với nghề dừa này từ thời còn trẻ, cũng có những chị phụ nữ mới xin vào làm gần đây. Công việc sơ chế dừa cũng không gọi là nặng nhọc gì, mỗi người chỉ chuyên một công đoạn như lột vỏ, chẻ dừa, tách cơm, cạo phần da dừa… ban đầu còn sai sót nhưng làm riết cũng lành nghề.

“Cây dừa xài hết, chẳng bỏ thứ gì!” - người Bến Tre hầu như ai cũng biết và tự hào về loại cây đặc trưng của xứ sở. Từ lúc còn xanh tốt cho đến lúc lão rồi được đốn hạ, chẳng có thứ nào, bộ phận nào của dừa bị bỏ phí. Điều này phải chăng xuất phát từ tính cách của chính người Bến Tre quê tôi - tiết kiệm, trân quý đến từng cọng chà, từng mo nang, từng miểng gáo dừa. Hay phải nói đó là biểu hiện rõ rệt nhất của tính sáng tạo vô cùng trong cuộc sống của người dân đất cù lao. Dừa ở đất Bến Tre, dừa gắn với người Bến Tre, dừa đi vào đời sống văn hóa một cách cụ thể nhất, chân thật nhất. Từ ăn - mặc - ở đến thơ, ca, nhạc, họa, dừa luôn hiện diện. Đến lúc hóa thành than, dừa cũng còn công dụng, những mụn dừa nhỏ, xơ dừa vụn bỏ đi trở thành đất, thành phân hữu cơ nuôi cây giống lớn khỏe. Xơ dừa bé nhỏ được xe kết lại thành chỉ, rồi kết thành thảm, thành tranh, kể cả thành những chiếc nón nhiều màu sắc. Dừa hóa thân thành hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm mới, vật dụng mới hữu ích cho con người.

Nhấp ngụm trà, lão nông Sáu Dân, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, nhìn lên những tàu dừa xanh đang xào xạc gió, nói: “Dân Bến Tre mình còn tiếp tục trồng dừa là còn tiếp tục sáng tạo, chừng đó thì sẽ dừa còn hóa thân thành trăm ngàn dạng nữa, kể hoài hổng hết…”.

Theo thống kê của ngành chức năng, Bến Tre hiện có trên 163 ngàn hộ dân trồng dừa, với tổng diện tích hơn 71 ngàn hecta, gần 50% diện tích trồng dừa cả nước, hàng năm, sản lượng dừa đạt gần 800 triệu trái. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.970 cơ sở chế biến dừa. Trái dừa sau thu hoạch được chế biến thành nhiều nhóm và chủng loại khác nhau, gồm các nhóm từ cơm dừa, vỏ dừa, gáo dừa và nước dừa với khoảng 30 sản phẩm. Một số sản phẩm chủ yếu như: sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, than hoạt tính, kẹo dừa, dầu dừa… Thị trường xuất khẩu dừa đã mở rộng đến 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh…

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN