Xây dựng người Bến Tre giàu trí tuệ, bản lĩnh và nhân văn

22/05/2020 - 07:59

BDK - Tại hội thảo khoa học cấp tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh - góp phần xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh” vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Ngữ đã phát biểu tham luận, có đoạn: “Không phải đến bây giờ ở mỗi đoàn viên, đảng viên và cán bộ mới học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chúng ta đã học và làm theo Bác Hồ từ khi được đứng vào tổ chức của Đoàn Thanh niên, của Đảng Cộng sản Việt Nam…”.

Trân trọng giới thiệu quý bạn đọc bài tham luận (lược ghi) của nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Ngữ.

Tựa đề do Ban biên tập đặt.

Tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2020. Ảnh: H. Hiệp

Tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2020. Ảnh: H. Hiệp

Xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”

Bác Hồ kính yêu của chúng ta - Người đã bôn ba tìm đường cứu nước, đã vận dụng học thuyết Mác - Lênin một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng ta trở nên kiên cường, trong sạch, vững mạnh, đề ra bao sách lược, đường lối lãnh đạo, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đuổi đế quốc xâm lược giành lại độc lập, tự do. Nhạc sĩ Huy Thục đã viết trong ca khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân: “Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác…”. Thật vậy, Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là thắng. Đất nước ta, Tổ quốc ta đã thực hiện theo lời dạy của Bác “Dù có đốt cháy dãy Trường Sơn, dù Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”.

Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra những động lực cách mạng, những thành quả rất đáng trân trọng, Bác muốn chúng ta xây dựng lại một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, Bác đặt vế “đàng hoàng” trước “to đẹp” với hàm ý muốn nói đến một xã hội kỷ cương, trật tự, nền nếp, văn minh, trân trọng lòng nhân ái, thủy chung, ai cũng áo ấm, cơm no và ai cũng được học hành mà Bác gọi Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.

Bác chỉ phải xây dựng đất nước ta “đàng hoàng” rồi mới “to đẹp”? Phải chăng Bác muốn nói đến xây dựng nền tảng đạo đức xã hội mà trước hết là xây dựng con người “đàng hoàng”, “tử tế” - đề cao việc xây dựng con người về văn hóa, đạo đức? Trên thực tế, đất nước ta khá to đẹp nhưng chưa đàng hoàng bởi hàng loạt tiêu cực xã hội mà ai cũng thấy. Nhiều cán bộ cấp cao phạm sai lầm đến mức phải bị truy tố, các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, mối quan hệ thầy trò, nạn ly hôn, cướp của giết người ngày càng có nhiều dấu hiệu gia tăng… Mười năm trước đây, ít nghe người dân Bến Tre tham gia cướp giật, giết người, không có một trại giáo dục, cai nghiện ma túy. Nhưng hiện nay ta rất đau lòng, người Bến Tre có trong danh sách những tội phạm ấy, giết người lại xảy ra trên một địa phương được công nhận là xã nông thôn mới và tỷ lệ ly hôn ngày càng cao.

Cơ chế kinh tế thị trường bên cạnh mặt tích cực, còn có những tác động tiêu cực, đây là yếu tố khách quan, nhưng nếu chúng ta nhận thức đầy đủ các vấn đề mà Bác Hồ đã từng dạy bảo thì chắc rằng ta không thể sa vào những khuyết điểm như hiện nay.

Ngược dòng lịch sử, Bến Tre một vùng đất hẹp, ngăn cách sông rạch, bao thế hệ cha ông ta khai hoang lập ấp, chiến thắng với thiên nhiên, thú dữ và đoàn kết chống ngoại xâm. Người Bến Tre có quyền tự hào đã sản sinh lớp lớp những Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga của thời đại, ghét bọn gian tà; luôn giữ tấm lòng son sắt, nhân nghĩa, thủy chung, chia sẻ giúp nhau trong hoạn nạn, đoàn kết, thương yêu, thật thà, dũng cảm, sáng tạo trong lao động, hiếu học, hiếu nghĩa. Trong gia đình, sống có nền nếp, kỷ cương, cháu con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; chồng vợ thủy chung…

Giới thiệu nghệ thuật thư pháp nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: PV

Giới thiệu nghệ thuật thư pháp nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: PV

Gìn giữ, phát huy và tiếp thu có chọn lọc

Để khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong xã hội hiện nay, điều trước tiên cần có nhận thức đúng đắn. Ph.Ănghen đã để lại cho đời câu nói nổi tiếng “Cứ mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa là một bước tiến về phía tự do”. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, chúng ta có nhiều thuận lợi mà đồng chí Nguyễn Văn Linh - Cố Tổng Bí thư đã nói “Mở cửa sẽ có nhiều luồng gió mới, nhưng cũng có nhiều gió độc hại”. Do vậy, hiện nay, chúng ta phải biết vừa phát huy giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm văn hóa của dân tộc ta. Kiên quyết và kiên trì đấu tranh loại bỏ những thứ văn hóa độc hại đang có dấu hiệu xâm lăng vào nước ta. Hãy tạo cho mọi thế hệ đủ sức đề kháng để chống lại thói hư tật xấu mà vai trò Đảng và Nhà nước phải xác lập kỷ cương và luật pháp, không để văn hóa độc hại là kẻ giặc xâm lăng trên trận địa tư tưởng và văn hóa. hãy ngăn chặn những luồng gió độc hại ấy như ngăn chặn dịch Covid-19 vậy.

 Có những người giàu có, đời sống vật chất dồi dào nhưng họ rất nghèo nàn về nhân cách và lối sống, mà điển hình là những người tham ô, lãng phí, hách dịch, ỷ lại, quyền thế. có phải chăng đấy là những con người thiếu văn hóa suy nghĩ. Và càng buồn hơn khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, bảo vệ và chăm lo sức khỏe từng người dân “chống dịch như chống giặc”, hàng trăm triệu tấm lòng đang chung tay góp sức vì sức khỏe của nhân dân thì có người ẩn mình nơi tận trời Âu, những người xem ta đây là những trí thức, những học giả, những văn nghệ sĩ nổi tiếng tung lên mạng những “tin vịt”, những trạng thái vô cảm gây hoang mang trong dư luận và có thái độ phản ứng với những người đã cứu chữa mình, thật là hành vi phi văn hóa và đáng lên án.

Học để tiến về phía trước - làm chủ và chinh phục thiên nhiên phục vụ cho lợi ích con người; đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi chúng ta phải vươn lên ngang tầm với thời đại, và chúng ta phải hết sức lưu ý đến những điều mà Bác Hồ kính yêu chỉ dạy “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Ba môi trường gia đình, xã hội và nhà trường cần phải kết hợp một cách nhịp nhàng, hài hòa giữa gìn giữ, phát huy và tiếp thu có chọn lọc để con người Bến Tre giàu trí tuệ, bản lĩnh và nhân văn.

Phải kết hợp 3 môi trường gia đình, xã hội và nhà trường trong mối quan hệ hài hòa cùng mục tiêu giáo dục nhân cách, phong cách, đạo đức và lối sống gắn với việc rèn luyện tri thức và kiến thức cho học sinh. Gia đình cần xây dựng một tế bào xã hội lành mạnh, xây dựng một gia đình bình đẳng, ấm no và hạnh phúc, trong đó vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ là một phương pháp cơ bản nhất để giáo dục con cháu hình thành nền nếp kỷ cương, thương yêu và chăm sóc lẫn nhau, biết tôn trọng lẫn nhau.

Thu Huyền (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN