Xuân về nhớ Mẹ ta xưa

25/01/2019 - 21:36

Phù điêu phong trào Đồng khởi Bến Tre đặt tại Công viên Đồng Khởi.  Ảnh: Nguyễn Hùng

Phù điêu phong trào Đồng khởi Bến Tre đặt tại Công viên Đồng Khởi.  Ảnh: Nguyễn Hùng

Từ đức tính kiên trung, anh hùng

Nhà sử học Trần Văn Giàu viết về nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định: “Chị Ba ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị sống làm tướng, chết làm thần”. Bà mẹ Kế (Trần Thị Kế) ở Cồn Ốc, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, chịu những trận đòn roi tra tấn đẫm máu của kẻ thù, bọn chúng hòng tầm ra dấu tích “Việt cộng nằm vùng”, trong đó có chồng, con của mẹ. Trong tình thế thập tử nhất sinh, mẹ chỉ vào ngực mình nói: “Chồng con tao ở trong tim tao đây, chúng bây mổ ra mà kiếm!”.

Bà mẹ anh hùng Võ Thị Phò (Bà Tư) ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, có 7 người con, tất cả đều tham gia cách mạng, trong đó 2 người là liệt sĩ. Năm 17 tuổi, bà khai phá đất Cồn Trẹt. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, 7 lần nhà bị đốt phá, bà xây lại nhà hầm trên cồn cát, một tấc không đi, một ly không rời, luôn bám trụ, nuôi cán bộ chiến sĩ, thương binh cách mạng. Địa chí Bến Tre (xuất bản năm 2001) ghi: “Chắc rằng không phải chuyện ngẫu nhiên mà đất Cồn Trẹt, từ khoảng năm 1960 về sau này lại mang một tên gọi mới: Cồn Bà Tư, tức bà Võ Thị Phò, người phụ nữ kiên cường nhưng đầy tính nhân ái của quê hương Bình Đại. Bà mất ngày 25-6-1991”.

Còn nhiều bà mẹ Bến Tre như mẹ Kế, mẹ Tư... tuy sống không làm tướng nhưng thác rồi nghĩa danh mãi trường tồn thành tên làng, tên đất, trong lòng bao người dân quê ba dải cù lao, xứ sở có “Đội quân tóc dài”, một đội quân đặc biệt, độc nhất vô nhị trên thế giới. Đội quân đó, hiện hữu là “Bộ đội Thu Hà”, tác chiến một thập kỷ oanh liệt (xuất quân chiến đấu vào đầu năm 1964); “Đội nữ đặc công thủy Bến Tre”; các tiểu đội nữ du kích, thanh niên xung phong... thời “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. “Đội quân tóc dài” ấy “Năm xưa đi trong đạn lửa/ Đi như nước lũ tràn về...” (Dáng đứng Bến Tre - Nguyễn Văn Tý).

Đến các địa danh nổi tiếng

Xứ cù lao, sông rạch nhiều nhất nước. Buổi ban đầu khẩn hoang lập ấp, lập làng. Câu ca dao xưa còn lưu dấu: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma” (Ca dao Bến Tre).

Để có được sinh cảnh sinh tồn: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/ Sau hàng dừa nước mái nhà ai” (Ca dao Bến Tre)

Phải chăng lối suy nghĩ mòn, sau hình dáng người đàn ông là người phụ nữ. Phụ nữ Bến Tre - xứ Dừa cùng kề vai, chỗ dựa, lắm khi đứng mũi chịu sào, vượt lên nhân tai, thiên tai xây dựng và bảo vệ gia đình, xóm làng, nơi chôn nhau cắt rốn, để người sau có câu ca dao đầy biểu tượng cao đẹp, rất đỗi thân thương: “Thấy dừa lại nhớ Bến Tre”.

Tranh cổ động bảo vệ chánh quyền nhân dân - Họa sĩ Lê Lam.

Tranh cổ động bảo vệ chánh quyền nhân dân - Họa sĩ Lê Lam.

Lịch sử ngót 300 năm khai phá đất mới cù lao, nê địa đã chứng minh sáng ngời truyền thống người phụ nữ xứ Dừa - con gái Bến Tre. Bến Tre có 3.162 địa danh, chỉ tính địa danh mang tên người, thì số địa danh mang yếu tố “Bà” và yếu tố “Thị” vượt hơn địa danh mang yếu tố “Ông”. Kể cả trên các lĩnh vực hành chính (làng, xã...), các công trình xây dựng (chợ, kinh, cầu...), chỉ vùng (xóm, xứ...), chỉ địa hình (cồn, bãi, khém...) đều có tên người phụ nữ, như là: cồn Bà Huyện, giồng Bà Trung, gảnh Bà Hiền (“Tiếng đồn gái gảnh Bà Hiền/ Ăn ở thuần hậu ấy duyên với mình” (Ca dao Bến Tre)), cầu Bà Mụ, kinh Cô Ba, kinh Phụ Nữ...

Giồng Bà Thủ ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm còn ghi chiến công đơn vị bộ đội do Trung tướng Đồng Văn Cống chỉ huy thời đánh giặc Pháp, qua câu hát dân gian: “Ai bước chân lên giồng Bà Thủ/ Còn nhớ chăng ủ rũ cái lũ tàn tham/ Thằng Tây nó chết ngổn ngang ngày mồng hai Tết”.

Cồn Bà Tư cũng không là một “ngoại lệ” đáng ghi vào sử sách. Xưa người dân gọi nơi đây là Cồn Trẹt (địa danh chỉ địa hình). Suốt 30 năm, Bà Tư (Võ Thị Phò) kiên cường bám trụ hòng nuôi dưỡng lực lượng cách mạng, bất chấp lệnh dồn dân, đàn áp, khủng bố của kẻ thù. Bà Tư là tiêu biểu cho tinh thần yêu nước kiên trung của người phụ nữ Bến Tre. Do vậy, cái tên Cồn Trẹt ngày nào được thay mới, quen gọi của mọi người thành địa danh Cồn Bà Tư. Địa danh Cồn Trẹt đi vào quên lãng. Ngôi mộ Má Tư, Bà Tư được bà con gom góp tiền xây dựng khá khang trang rồi khắc câu đối: “Sống, bám đất giữ quê bảo tồn cách mạng/ Thác, giáo dục con cháu gìn giữ kỷ cương”.

Tỉnh bến Tre với gần 1,3 triệu dân, chủ yếu là người Kinh, một số người Hoa và rất ít người Khmer, nên địa danh gốc Khmer, gốc Hoa, Pháp không nhiều. Địa danh gốc Khmer chỉ 0,06%, gốc Pháp 0,12%. Nếu có cũng rất hiếm không như ở vùng Đông Nam Bộ và một số vùng khác, như địa danh Bà Rá, bắt nguồn từ tiếng S”tiêng B”rah, nghĩa là “thần linh”, vì người địa phương tin rằng trên núi có thần linh ngự. Do vậy, phụ âm B đã được âm tiết hóa thành Bà. Hay địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ tiếng Chăm Po Riyak, nghĩa là “thần trấn sóng”. Người Chăm tin rằng khi họ gặp sóng to gió lớn, họ cầu xin vị thần này sẽ được cứu thoát nạn. Từ Po ở đây bị nói chệch thành Bà - Bà Rịa.

Xin nêu một địa danh rất ít gặp ở Bến Tre, địa danh Bờ Đập được dân địa phương gọi chệch thành Bà Đập, nguyên âm “Ơ” chuyển đổi thành nguyên âm “A” (như dạng: sơn - san, đàn - đờn, tá - tớ...). Nhiều tỉnh, thành nói chệch, dị hóa khá nhiều, chẳng hạn ở TP. Hồ Chí Minh, các địa danh Bàu Môn, Bàu Hom, Bàu Hói... đã bị viết, phát âm thành Bà Môn, Bà Hom, Bà Hói. Từ thực tế điền dã chúng tôi ghi nhận, Bến Tre vẫn còn những địa danh gốc như Bà Hốt, Bờ Bàu, Bờ Đập, Bờ Đáy.

Qua mấy mươi năm tác nghiệp của mình, bằng những tư liệu tích góp được, nhân mùa xuân này, chúng tôi muốn góp thêm để nhắc nhở, cùng suy ngẫm về đất - người Bến Tre, đã sản sinh những địa danh riêng có từ cuộc mưu sinh, sinh tồn đầy tính sáng tạo, nhân văn. Đặc biệt, địa danh về bà, thị, phụ nữ, ở Bến Tre phải chăng đó là nét đặc thù đã hình thành nền tảng truyền thống “Đội quân tóc dài” - “Bến Tre Đồng Khởi”. Chắc rằng đó là lịch sử sáng tạo, văn hóa, văn minh của xứ sở cù lao miệt vườn. Việc ghi ký về địa danh này, chúng tôi nhận thấy không kém phần ý nghĩa, thú vị về đất và người Bến Tre - phụ nữ Bến Tre. Cần mở ra, khám phá, giải mã, từ nhiều góc độ, chuyên ngành... của những con người sâu nặng nghĩa tình cùng Bến Tre - phụ nữ quê DừanTừ nguyên học, chuyên giải thích nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình biến đổi của các từ tố, trong đó có địa danh. Người ta nghiên cứu chia ngành học này thành hai phần: từ nguyên học khoa học và từ nguyên học dân gian. Có ý kiến cho rằng, nghiên cứu địa danh không cần từ nguyên học dân gian vì nó mang yếu tố chủ quan, suy diễn, thiếu chính xác, thiếu khoa học, thiếu giá trị.

Minh Trấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN