Đến với vườn quốc gia Cát Tiên

22/10/2018 - 20:00

Được thành lập tổ chức bảo tồn từ năm 1992, vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai là một trong những VQG lớn của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. VQG Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên với hơn 70 ngàn héc-ta, trải dài trên địa bàn 6 huyện thuộc 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước.

Các cá thể gấu tại Trung tâm cứu hộ.

Các cá thể gấu tại Trung tâm cứu hộ.

Đa dạng động vật, thực vật

Ngay tại đường vào khu đón tiếp khách, để khách dễ dàng nắm bắt thông tin, một tấm bảng đã được trưng bày giới thiệu đôi nét về vườn cùng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ rừng: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Nơi đón tiếp khách đến tham quan được gọi là Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Theo thống kê tổ chức bảo tồn VQG Cát Tiên, nơi đây có 105 loài thú, 351 loài chim, 159 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư. Với hệ thực vật, có hơn 1.610 loại cây, trong đó có 176 loại gỗ lớn, gỗ quý hiếm có giá trị nằm trong sách đỏ. Chúng tôi được tham quan ghềnh thác, vào sâu trong rừng bằng xe chuyên dụng để xem các cây đại thụ và có chuyến xe xem thú rừng vào ban đêm như: nai, nhím, bò tót, heo rừng… Vì lúc này, chúng bắt đầu rời nơi ẩn nấp để ra ngoài tìm thức ăn nên dễ dàng nhìn thấy qua đèn soi của người hướng dẫn.

Đặc biệt, chúng tôi được tham quan Trung tâm Cứu hộ động vật (chủ yếu là các loài gấu), đây là những con gấu được cứu hộ từ những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, gấu nuôi lấy mật hoặc gấu nuôi làm cảnh. Đa phần gấu được cứu hộ đều trong tình trạng không thể trở về rừng do bệnh tật, tàn phế, vì vậy, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của trung tâm. Tại đây, gấu được kiểm tra sức khỏe, phục hồi chức năng và nuôi dưỡng.

Việt Nam là nơi sinh sống của hai loài gấu: gấu ngựa và gấu chó; cả 2 đều nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam. Theo giới thiệu của người hướng dẫn trung tâm, gấu chó có dải lông màu trắng ngà hình chữ U ở trước ngực, chúng ăn mối, kiến, ấu trùng của bọ cánh cứng, ấu trùng ong, mật và nhiều loại hoa quả, đặc biệt là quả sung; tuổi thọ trung bình từ 15 - 20 năm. Gấu ngựa có dải lông trắng hình chữ V trước ngực, thức đa dạng từ hoa quả, tổ ong, côn trùng, động vật không xương sống hoặc động vật có xương sống nhỏ; tuổi thọ trung bình 25 năm. Nhiều thông điệp về bảo vệ gấu được trưng bày cho du khách xem như: nuôi nhốt gấu, mua bán mật gấu là phạm pháp; gấu là loài nguy cấp; hãy cùng chấm dứt nỗi đau mà gấu phải đang gánh chịu; cùng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam…

Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái

“Dược đi rừng” là một trải nghiệm khá thú vị với du khách. Khác hẳn chốn đô thị đông đúc, náo nhiệt, nơi đây, du khách được đưa về gần gũi thiên nhiên, xanh mát, tĩnh lặng. Đoàn chúng tôi hướng dẫn men theo con đường nhỏ khá rậm rạp nhiều loại cây chằng chịt, đan xen trong không gian xanh bao la rừng cây. Ngoài tiếng cười nói trò chuyện của đoàn người đi tham quan thì chỉ có tiếng ve kêu và xa xa, nghe lanh lảnh vài tiếng chim ríu rít gọi nhau.

Vừa dẫn đoàn đi, anh Bùi Quốc Vỵ - hướng dẫn viên vừa giới thiệu với chúng tôi về những đặc trưng của VQG Cát Tiên. Trong thời kỳ chiến tranh, VQG Cát Tiên là một phần căn cứ địa chiến khu Đ rộng lớn, cũng chịu ảnh hưởng bom đạn nhưng may mắn không bị tàn phá nhiều, nhất là ít bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Do vậy, tính nguyên sinh của rừng được nhanh chóng phục hồi. Từ năm 1976, nơi đây đã được Chính phủ đưa vào diện bảo tồn.

Vào sâu trong rừng, có nhiều cây cổ thụ cao to như cây Tung với hơn 400 năm tuổi, cây gõ Bác Đồng hơn 700 năm tuổi. Anh Vỵ cho biết, sở dĩ có tên như thế là vì vào ngày 12-2-1988, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm cây gõ đại thụ này và đã có những lời khuyên rất quý giá đối với công tác bảo vệ rừng. Để kỷ niệm và nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm bảo tồn, VQG Cát Tiên đã đặt tên cây này là cây gõ Bác Đồng. Có thể nói, chính từ những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên cho VQG Cát Tiên của các nhà chức trách nên dù VQG Cát Tiên đã đưa vào khai thác du lịch sinh thái nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên nét hoang dã vốn có của rừng.

Trước khi rời VQG Cát Tiên, chúng tôi đã kịp chia sẻ thông tin với các anh chị làm việc ở VQG Cát Tiên là Bến Tre hiện có 3,9 ngàn héc-ta rừng ngập mặn (trong đó, rừng tự nhiên là 1 ngàn héc-ta, còn lại là rừng trồng) gồm các loại cây chủ yếu như: đước, bần, mắm, phi lao… được phân bổ ở 3 huyện biển: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tuy diện tích rừng không nhiều nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ chống xói lở, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Nhận định tầm quan trọng của đất rừng, tỉnh đã xây dựng dự án rừng phòng hộ ven biển ở huyện Ba Tri, huyện Bình Đại và xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở huyện Thạnh Phú.

Chúng tôi kết thúc chuyến hành trình với nhiều điều thú vị và kỷ niệm đẹp khó quên. Quan trọng hơn, trong đó có cả thông điệp về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cho cuộc sống trong lành của tất cả chúng ta.

Trong những ngày đầu tháng 10-2018, Hội Nhà báo Bến Tre tổ chức chuyến đi thực tế sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao tại các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Chuyến đi nhằm tạo điều kiện cho hội viên Hội Nhà báo tỉnh giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm về tác nghiệp báo chí, tham quan một số địa điểm văn hóa, lịch sử của các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Tham gia hành trình vừa nêu, phóng viên Báo Đồng Khởi cùng đoàn nhà báo Bến Tre đã có dịp hiểu thêm về nhiều địa điểm văn hóa, lịch sử tiêu biểu của các tỉnh đi qua.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN