Du lịch hướng đến phát triển bền vững

12/08/2020 - 07:18

BDK - Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch tỉnh chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19 khiến khách du lịch và doanh thu giảm đáng kể. Nhiều khu du lịch “gồng mình” chịu lỗ, hoạt động cầm chừng chờ qua đại dịch.

Khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn tại một điểm du lịch sinh thái ở huyện Chợ Lách.

Khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn tại một điểm du lịch sinh thái ở huyện Chợ Lách.

“Gồng mình” vượt qua Covid-19

Mấy tháng nay, lượng khách du lịch đến với Khu du lịch Phú An Khang (xã Bình Phú, TP. Bến Tre) giảm rất nhiều so với trước đây do tác động của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Duy Thuấn - Giám đốc Công ty TNHH Phú An Khang cho biết: “Từ khi hạn mặn, rồi dịch bệnh, khách du lịch đến đây rất ít, công ty chịu cảnh thua lỗ nhưng ráng duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên. Hiện tại, khách du lịch nước ngoài, Việt kiều về nước hầu như không có, cộng với người dân làm ăn thua lỗ do dịch bệnh nên khách rất thưa thớt. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp phải gánh lỗ hơn 200 triệu đồng”.

Phú An Khang là điểm du lịch duy nhất trong tỉnh áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao để thu hút khách du lịch. Khách du lịch thích đến đây trải nghiệm, tham quan vườn dưa lưới, sung Mỹ, cà chua, dưa leo, dâu... được trồng trong nhà lưới và được thưởng thức ngay tại vườn.

Cùng cảnh ngộ trên, Nghênh Xuân Farmstay (trang trại kết hợp du lịch tại xã Thành Triệu, huyện Châu Thành) đi vào hoạt động tháng 12-2019 đã gặp cảnh vắng khách do dịch bệnh. Toàn khu này có diện tích 1,6ha, được thiết kế hài hòa với vườn cây ăn trái, khu câu cá, dịch vụ cà phê ven sông, bơi xuồng, phòng nghỉ ven sông... rất thích hợp với nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trong tình hình chung, điểm du lịch sinh thái này cũng phải “gồng mình” để trả lương nhân viên, duy trì hoạt động... Anh Nguyễn Văn Hậu, chủ du lịch Nghênh Xuân Farmstay cho biết: “Từ khi mở cửa đến nay hoạt động cầm chừng do tác động của dịch bệnh, lượng khách đến rất ít. Hy vọng trong thời gian tới khi nước ta kiểm soát được dịch bệnh sẽ thu hút được khách du lịch đến đây vui chơi, giải trí”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Ngành đang vận động các đơn vị tham gia kích cầu du lịch như: giảm giá lưu trú, tour, ẩm thực và khuyến khích giảm giá nhưng không giảm chất lượng, xây dựng điểm đến an toàn... Kế hoạch năm nay sẽ đón 1,8 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu giảm 17% so với cùng kỳ và chỉ phục vụ khách nội địa do dịch Covid-19”.

Thu hút khách du lịch

Thời gian gần đây, các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch đang phát  triển mạnh như: du lịch vườn cây ăn trái, lúa sạch, xoài, trải nghiệm săn bắt ở rừng ngập mặn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Trước đây, nhiều gia đình trồng cây ăn trái bán cho thương lái với giá thấp, giờ đã kết hợp với du lịch để bán được giá cao hơn theo kiểu “xuất khẩu tại chỗ”.

 

Nông dân Mai Hồng Thảo, ngụ ấp Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) đã xây dựng điểm du lịch tại nhà bằng cách cho khách du lịch tham quan vườn sầu riêng khoảng 5ha của gia đình. Trước đây, gia đình ông trồng sầu riêng rồi bán cho thương lái với giá bấp bênh. Cách đây 8 năm, ông nảy ra ý tưởng cho khách du lịch ghé thăm vườn, rồi thưởng thức trái cây chín nên ai cũng thích. Khi du khách tới đây sẽ không tốn bất kỳ một chi phí nào để vào cổng mà chỉ mua sầu riêng sạch, chín cây ngay tại vườn. Mỗi năm, khu vườn của gia đình ông Thảo chỉ nhận khách du lịch khoảng 3 tháng, chủ yếu là thời điểm sầu riêng chín. Thời gian còn lại trong năm, gia đình tập trung chăm sóc, cải tạo vườn để tiếp tục đón khách.

Trước đây, du lịch Phú An Khang chỉ có vườn cây sơ ri, dừa, cây tạp... với diện tích 6ha. Gần 7 năm qua chuyển sang mô hình mô hình nông nghiệp công nghệ cao để thu hút khách du lịch. Trong đó, vườn dưa lưới online được khách du lịch rất ưa thích. Khi đó, khách mua cây con và gửi tại công ty, quá trình chăm sóc cây cho đến khi ra quả được nhân viên cập nhật liên tục trên mạng và du khách sẽ trực tiếp thu hoạch khi quả chín. Trong đó, khu nhà lưới được trang bị nhiều công nghệ và thiết bị hiện đại để đảm bảo sản phẩm sạch.

Hiện tại, tỉnh có 47 khu, điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan. Trong đó, có khoảng 80% là mô hình nông nghiệp gắn với du lịch. Ông Nguyễn Văn Bàn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch gần đây phát triển nhờ thế mạnh của tỉnh là vườn dừa, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, thủy sản... được đưa lên bàn ăn ngay tại khu du lịch đã thu hút rất nhiều khách đến tham quan, thưởng thức. Từ đó, giá trị nông sản bán ngay tại chỗ với giá cao hơn nhiều lần so với trước đây. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao để thu hút du khách. Trong đó, chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng gồm nhiều nhà vườn liên kết lại thành chuỗi với những sản phẩm cây ăn quả đặc trưng của tỉnh để phát triển thành làng du lịch”.

Mới đây, trong buổi góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, PGS, TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Hướng phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng du lịch cần được phát triển, nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, thế mạnh của tỉnh là cây giống, hoa kiểng nên xây dựng trung tâm giống quốc gia. Đồng thời, tập trung xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách (là một trong 10 làng văn hóa du lịch điển hình của cả nước) để thu hút khách du lịch nhằm hướng đến sự phát triển xanh, bảo vệ môi trường và bền vững.

Bài, ảnh: Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN