Giai thoại “Giàn Gừa”

13/03/2019 - 22:28

Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh Cần Thơ tham quan Di tích lịch sử Giàn Gừa.

Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh Cần Thơ tham quan Di tích lịch sử Giàn Gừa.

Có dịp tham quan Di tích lịch sử Giàn Gừa ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, được nghe kể giai thoại “Giàn Gừa”, đoàn chúng tôi (Đoàn công tác Hội Nhà báo Bến Tre) được cập nhật thêm về loài thực vật đặc trưng của vùng sông nước  - cây gừa hay còn gọi cây si, cũng như tín ngưỡng dân gian của người dân Cần Thơ.

Ngày 28-2-2019 (âm lịch) tới, tại Di tích lịch sử Giàn Gừa sẽ diễn ra Lễ hội vía Bà Thượng Động Cố Hỉ - vị nữ thần được xem là ân nhân của dân làng. Đây là hoạt động tín ngưỡng dân gian diễn ra hàng năm của người dân để thể hiện lòng tôn kính Bà.

Miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ được đặt trong khuôn viên Di tích lịch sử Giàn Gừa - có rất nhiều chi, cành, đan xen nhau tạo thành giàn lớn với diện tích tán cây hơn 2.700m², chiều cao trung bình khoảng 12m.

 Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thời - người chăm sóc khu di tích cũng là cháu cố đời thứ 5 của ông Cả Thành (người thuộc tộc họ Nguyễn), từ thời ông cố bà đã có cây gừa, đến nay hơn 150 năm tuổi. Người dân trong vùng quen gọi nơi đây "Giàn Gừa".

 “Ông Cả Thành là người gốc Bắc, ông vào Nam khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Trong quá trình khai hoang, không may làm giàn gừa bốc cháy khiến cảnh vật hoang tàn. Không lâu sau đó, trong dòng họ Nguyễn nhiều người lâm bệnh và chết. Lúc bấy giờ, có ông đạo Bảy - vị đạo sĩ từ xa đến bốc thuốc cứu độ dân làng. Theo ông đạo Bảy, giàn gừa này là vùng đất thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỉ, Bà nổi giận vì giàn gừa cháy rụi. Muốn an cư lạc nghiệp, người dân phải trồng lại cây gừa” -  bà Nguyễn Thị Thời cho biết.

Theo lời ông đạo Bảy, người trong tộc Nguyễn đi tìm kiếm cây gừa trồng mới. Từ đó, con cháu ăn nên làm ra và hàng năm làm lễ giỗ cúng Bà. Trải qua 6 thế hệ, con cháu họ Nguyễn vẫn sinh sống trên mảnh đất này và thay nhau giữ gìn, tôn tạo nơi thờ phụng.

Ngày 5-4-2013, UBND TP. Cần Thơ đã ký Quyết định xếp hạng Giàn Gừa là di tích lịch sử cấp thành phố. Cây gừa cổ thụ trong di tích cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Hiện, tộc họ Nguyễn chia làm 4 tổ để luân phiên chăm sóc gìn giữ khu di tích và lo trà nước phục vụ du khách đến tham quan.

Theo Ban quản lý di tích TP. Cần Thơ, Di tích lịch sử Giàn Gừa hình thành cách nay hàng trăm năm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do địa hình hiểm yếu nên Giàn Gừa là địa điểm hoạt động cách mạng. Tại đây, diễn ra nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy, nơi cất giấu vũ khí, tập kết, chuyển quân từ vàm Rạch Sung, Bà Hiệp ra sông Cần Thơ, để vượt qua lộ Vòng Cung tấn công vào cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy tại thị xã Cần Thơ. Từ năm 1961-1965, đây là nơi mở các khóa đào tạo, huấn luyện đội biệt động nội thành.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN