Khám phá tour du lịch đến Thạnh Phú

30/04/2018 - 06:53

BDK - Tour du lịch đến Thạnh Phú là một trong những địa chỉ du lịch mới và hấp dẫn của Bến Tre nói riêng và các tour tuyến trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trong những năm gần đây, “hiện tượng” du lịch hướng đến Thạnh Phú đã góp phần làm kinh tế du lịch trở thành bước đột phá của kinh tế huyện.

Du khách thú vị len lỏi trong rừng bần giở lợp cua, giăng lưới bắt cá và hái bần nấu canh chua.

Du khách thú vị len lỏi trong rừng bần giở lợp cua, giăng lưới bắt cá và hái bần nấu canh chua.

Theo định hướng, với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện Thạnh Phú sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch nơi đây trở thành điểm đến du lịch trọng điểm của tỉnh.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Bờ biển Thạnh Phú còn hoang sơ, trải dài khoảng 26km thuộc các xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Cách nay khoảng 5 năm, khu vực biển Cồn Bửng, thuộc xã Thạnh Hải được nhiều học sinh ở các trường học trên địa bàn huyện tìm đến để tắm biển, vui chơi, ngày nay du khách đến đây ngày một đông hơn.

Khi đó, đường về biển chỉ mới là con đường mòn vào rừng, heo hút khó đi. Khách muốn ra đến đây chỉ có thể đi bằng xe đạp hoặc xe máy. Cảm giác nơi đây thật thú vị khi con đường nhỏ uốn lượn qua những cánh rừng xanh bao la nối dài. Điểm cuối con đường là bờ biển mênh mông. Khi đó, nơi đây cũng chỉ mới có 1 - 2 hộ dựng lều kinh doanh giải khát và bánh cho du khách.

Về giá trị lịch sử, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng Dự án tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bởi đây là một trong những đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam theo Đường Hồ Chí Minh trên biển, do Nữ tướng Nguyễn Thị Định đảm nhận nhiệm vụ.

Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí Bắc - Nam khi đó thuộc xã Thạnh Phong, gồm vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn nằm cách thị trấn Thạnh Phú khoảng 25km, cách TP. Bến Tre khoảng 70km. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây đã diễn ra hai lần vượt biển của đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre ra Hà Nội để gặp Trung ương Đảng và Bác Hồ, báo cáo tình hình xin chi viện cho chiến trường miền Nam. Lần thứ nhất vào đầu tháng 4-1946 và lần thứ hai vào đầu tháng 6-1961. Trong chuyến đi đầu tiên, cô Ba Định đã trở về Nam Bộ với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí về Bến Tre cũng bằng đường biển.

Kết quả thắng lợi có ý nghĩa mở đường, cắm cột mốc lịch sử về một con đường tiếp tế trên Biển Đông huyền thoại. Sau đó, các chuyến tàu chi viện vũ khí cho miền Nam tiếp tục cập bến ở nhiều tỉnh ven biển, trong đó có Bến Tre để tăng cường sức chiến đấu cho cách mạng miền Nam. Bia lưu niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển do ngành hải quân xây dựng tại ngã ba xã Thạnh Hải. UBND tỉnh cũng xây dựng bia lưu niệm để tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước trên trục lộ xã Thạnh Hải, vào năm 2002.

Hình thành tour, tuyến

Hôm nay, du khách từ TP. Bến Tre về biển Cổn Bửng theo quốc lộ 57 đến ngã ba xã Quới Điền có thể rẽ trái theo đường về trung tâm ba xã Mỹ An - An Điền - Thạnh Hải. Con đường ô tô về trung tâm ba xã giúp cho du khách rút ngắn quãng đường rất nhiều và thông thoáng, dễ đi. Hoặc, du khách có thể theo tour từ nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền), hàng cây xanh sao dầu Sáu Đấu (xã Phú Khánh), thưởng thức bánh dừa Giồng Luông, thăm làng nghề chằm nón lá truyền thống và hợp tác xã tép rang nước cốt dừa tại xã Mỹ Hưng, làng nghề bó chổi xã Mỹ An.

Đặc biệt, nhà cổ Huỳnh Phủ là công trình kiến trúc điêu khắc độc đáo, mang đặc trưng của đồng bằng sông nước Cửu Long, do ông Huỳnh Ngọc Khiêm để lại. Đây được đánh giá là kiến trúc độc đáo và là điểm nhấn của tỉnh và được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2011. Công trình được tôn tạo lại và hoàn thành vào năm 2017. Tất cả các loại gỗ của ngôi nhà là những loại gỗ quý như hương, lim, thao lao. Từ loại hình kiến trúc đến tính mỹ thuật trang trí ngôi nhà, từ bên ngoài vào đến chi tiết bên trong đã được công nhận là đỉnh cao của nghệ thuật mà xưa nay hiếm.

Nhiều du khách có kiến thức về nghệ thuật kiến trúc và mỹ thuật hoặc đam mê các loại gỗ quý đều nhận định rằng, cảm giác bước vào bên trong ngôi nhà như đến một thế giới hoàn toàn khác, với mùi gỗ hương vẫn phảng phất, tạo cảm giác thư thái, nghiêm trang. Nội dung các câu chữ điêu khắc còn mang tính giáo dục rất cao về đạo nghĩa sống của con cháu trong gia đình và đối với xã hội.

Du khách tiếp tục hành trình tour theo quốc lộ 57 về đến xã Thạnh Phong tham quan vườn xoài tứ quý và trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng để được tham gia các hoạt động thường ngày đặc trưng của người dân nơi đây như giở lợp cua, giăng lưới, chài cá, hái bần. Điểm cuối tour là tham quan các điểm du lịch tại biển Cồn Bửng. Tại đây, du khách sẽ tắm biển, thưởng thức đặc sản và tận mắt chứng kiến người dân xã biển mưu sinh như thế nào.

Nằm trong chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch, huyện Thạnh Phú chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất theo tiêu chuẩn sạch và tiêu chuẩn hữu cơ để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp du lịch đặc thù và đảm bảo an toàn để phục vụ hài lòng du khách. Điển hình một số đặc sản được xem như sản vật quý giá của địa phương mà ít nơi nào có được như tôm, cua, nghêu, gạo sạch, xoài sạch…

Trong chuyến đi tour về Thạnh Phú, du khách có thể thỏa sức trải nghiệm, thưởng thức đặc sản tại địa phương do người dân nơi đây chế biến và có thể mua về làm quà.

Phát triển cho xứng tiềm năng

* Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Nguyễn Trúc Sơn: Tổ chức, công ty nào muốn có các sản phẩm du lịch phù hợp với từng nhóm đối tượng của mình thì cần phải có sự liên kết, phối hợp giữa các bên để cung ứng sản phẩm tốt nhất cho du khách. Thạnh Phú đã thành lập riêng một ban quản lý về du lịch, đây sẽ là đầu mối quản lý du lịch Thạnh Phú, đặc biệt là khu Cồn Bửng. Thông qua đó sẽ kết nối các nơi cung cấp dịch vụ của người dân với các công ty.

Những nơi đầu tư về homestay, sinh thái cần hướng đến đạt chuẩn để phục vụ du khách, nhất là vấn đề vệ sinh, cung cách phục vụ, ăn uống.

Thạnh Phú đã cấp phép 6 dự án điện gió và 2 dự án điện năng lượng mặt trời, sẽ là những sản phẩm mới khi các nhà đầu tư triển khai xây dựng xong, sẽ là nơi du khách có thể tham quan, kết hợp du lịch. Du lịch Thạnh Phú không phát triển riêng lẻ mà có sự liên kết với các huyện biển Ba Tri, Bình Đại.

Về cơ sở hạ tầng, năm 2018 sẽ khởi công tuyến đường dọc biển từ Bình Đại qua Ba Tri, Thạnh Phú, có tuyến đường điện ngầm dọc sông từ Ba Tri qua Thạnh Phú, nâng cấp quốc lộ 57 trở thành tuyến huyết mạch. Tiếp tục tuyên truyền để người dân Thạnh Phú hiểu và hợp tác trong phát triển du lịch.

* Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân: Du lịch địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách đến tăng nhưng thời gian lưu trú ngắn, sản phẩm du lịch trùng lắp, chưa có sản phẩm mới. Chính vì vậy, xây dựng sản phẩm du lịch là vấn đề mang tính quyết định, là yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn, góp phần tạo ra những giá trị gia tăng từ du lịch.

* Thạc sĩ Nguyễn Quốc Thệ - Giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh): Tài nguyên thiên nhiên tại địa phương không quá mạnh nhưng hãy tận dụng những điều rất đặc trưng của địa phương để làm du lịch. Để kéo du khách đến với Thạnh Phú, khoan hãy làm rầm rộ bởi cơ sở lưu trú, các điểm du lịch của chúng ta chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách. Cần định hướng rằng, du khách đến với Thạnh Phú để trải nghiệm một nơi mới lạ, còn nhiều hoang sơ hơn là đến hưởng thụ. Du lịch trải nghiệm đang là xu hướng hiện nay. Đó mới chính là hướng đi phù hợp với du lịch Thạnh Phú hiện tại.

Thanh Đồng (ghi)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN