Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

06/12/2019 - 07:09

BDK - Du lịch đường sông (DLĐS) được cho là xu thế phát triển ngày càng phổ biến, chiếm ưu thế đối với các loại hình du lịch (DL) truyền thống. Tại hội thảo “Giải pháp phát triển DL Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” trong khuôn khổ Lễ hội Dừa tỉnh lần thứ V năm 2019, nhiều chuyên gia trong ngành cũng như các doanh nghiệp (DN) DL đã có những đánh giá về tiềm năng của tỉnh đối với loại hình DLĐS.

Tàu du lịch 4 sao Mekong Prestige của Công ty Focus Travel di chuyển trên sông Hàm Luông để khảo sát tuyến du lịch mới.

Tàu du lịch 4 sao Mekong Prestige của Công ty Focus Travel di chuyển trên sông Hàm Luông để khảo sát tuyến du lịch mới.

Lợi thế phát triển

DLĐS là một loại hình DL phổ biến trong khoảng 20 năm trở lại đây, mang lại rất nhiều lợi ích và trải nghiệm tốt cho du khách như: nhận phòng một lần; thời gian di chuyển giữa các điểm đến được rút ngắn và khách hoàn toàn có thể thư giãn mà không phải đuổi theo chương trình, tập trung vào trải nghiệm thực tế, tham quan các điểm đến trên tuyến, quan sát, tiếp cận được văn hóa địa phương.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đặc điểm nổi bật của Bến Tre là có một mạng lưới sông ngòi dày đặc với tổng chiều dài gần 6.000km. Bến Tre cũng được coi như là tỉnh có mật độ sông ngòi lớn nhất Việt Nam với lưu vực rộng khoảng 2,7km/km2, cùng với hệ thống kênh rạch dày đặc. Trong DL, tỉnh đã khai thác một số tuyến dọc sông Tiền (khu vực huyện Châu Thành), sông Hàm Luông (khu vực TP. Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam) và một số điểm trên sông Cổ Chiên (huyện Chợ Lách). Đặc điểm của các con sông chính trên địa bàn tỉnh là sông sâu và nước chảy chậm nên rất thuận lợi trong khai thác DL khi phải đón khách từ các tàu biển, du thuyền lớn, mở ra nhiều hoạt động vui chơi trên sông như: đi thuyền trên sông, dịch vụ câu cá trên sông, cho cá ăn trên sông, các trò chơi, thể thao trên sông…

Gần đây, ngành chức năng và các DN DL đang nghiên cứu, phát triển tuyến DLĐS “Bến Tre - Mỏ Cày Bắc - Mỏ Cày Nam - Trà Vinh”; các tuyến thuộc dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” (huyện Thạnh Phú). Hướng ra ngoài tỉnh, năm 2018, tỉnh đã khai trương và đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc Bến Tre - Vũng Tàu. Các sản phẩm DL trên sông hiện nay đang được khai thác tốt như: đi thuyền trên sông, xuồng chèo trên các kênh rạch nhỏ, các homestay, khách sạn được thiết kế hướng ra sông, ven kênh, rạch để tận dụng lợi thế đường sông, cảnh đẹp thiên nhiên ven sông.

Với vị thế là đơn vị tiên phong trong khai thác DL đường sông của nước ta (tuyến sông Mekong), ông Đặng Bảo Hiếu - Giám đốc Focus Travel nhận xét, Bến Tre là điểm đến mới, có nhiều tiềm năng nhất tính đến thời điểm hiện tại trong khu vực ĐBSCL: vị trí địa lý thích hợp, thiên nhiên còn hoang sơ, văn hóa bản địa đặc sắc, giàu tiềm năng thu hút các nhà đầu tư. Trong tháng 10-2019, Focus Travel cũng đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với ngành DL tỉnh để lựa chọn các điểm đến phù hợp, nhằm xây dựng tuyến DL đường sông ngắn ngày khám phá xứ Dừa bằng tàu DL hạng sang.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Thúy Diễm - giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá trong tham luận tại hội nghị: “Đặt trong tổng thể khu vực ĐBSCL, tỉnh Bến Tre có tiềm năng rất lớn từ các con sông để có thể khai thác DLĐS nội địa và hình thành các tuyến DL đường thủy liên tỉnh, liên kết vùng tạo ra các chuỗi sản phẩm DL có giá trị kinh tế cao”.

Du khách tham quan sông nước Bến Tre trên thuyền du lịch.

Du khách tham quan sông nước Bến Tre trên thuyền du lịch.

Xây dựng cơ sở hạ tầng

Các chuyên gia về DL cho rằng mặc dù Bến Tre đã tiến hành khai thác các con sông để phục vụ khách DL nhưng thực trạng vẫn còn những hạn chế nhất định. Hiện các sản phẩm DL và dịch vụ trên sông vẫn chưa đa dạng và còn hạn chế về số lượng. DLĐS vẫn chưa khai thác sâu các giá trị của không gian văn hóa sông nước. Ngoài ra, một số yếu tố khác đang cản trở sự phát triển của tuyến DL này như cơ sở hạ tầng còn hạn chế, hệ thống bến tàu và trạm dừng chân còn quá ít, chưa có các cảng biển để phục vụ đón khách DL.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có một bến thủy nội địa hoặc bến cảng thích hợp cho các hoạt động DLĐS. Việc xây dựng được cơ sở hạ tầng, bến bãi phù hợp không chỉ đảm bảo cho an toàn của du khách mà còn giúp cho DL Bến Tre khởi sắc hơn. Bến Tre từ đó có rất nhiều cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển DL của ĐBSCL và sông Mekong.

“Việc bảo vệ và quản lý nguồn nước sông cũng cần phải có những chế tài và kiểm soát chặt chẽ. Nếu DL đường sông phát triển mạnh hơn tại Bến Tre, lưu lượng khách sẽ tăng nhanh, số lượng tàu DL cũng sẽ tăng nhanh, dẫn đến những hệ lụy xấu nếu không có sự chuẩn bị và có các chính sách quản lý đúng”, ông Đặng Bảo Hiếu lưu ý.

Ông Lê Thanh Phong - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DL ĐBSCL nhận xét: “Bến Tre là một “vùng nước” với đặc trưng tự nhiên sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Vì vậy, cần quan tâm khai thác không gian văn hóa sông nước để tạo ra các sản phẩm DL đặc trưng thu hút du khách. DLĐS cũng đồng thời thúc đẩy việc kết nối DL giữa các tỉnh, thành trong khu vực là hình thành các tuyến DLĐS để tạo ra chuỗi sản phẩm DL đặc trưng của vùng”. Hiện tại, với đường sông, việc nối liền các tuyến DL từ Bến Tre đi Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và xa hơn Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… là tuyến DL mới, hấp dẫn du khách.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN